tháng 9 23, 2014

Hương đồng

Dư vừa đi vừa bứt mấy cọng cỏ may ven đường một cách vô thức.
Hoàng hôn tím ngắt tận chân mây, vài ngọn gió yếu ớt vô tình thổi làm tóc Dư xõa xuống rối bời. Nỗi cay đắng trào lên trong lòng làm anh không để ý thấy trời đã xế.
Đến tận bây giờ anh vẫn không thể nào tin được sự việc lại xảy ra như vậy: Dư bị nhà trường quyết định không cho dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học năm nay. Mà có gì đâu chứ, anh chỉ trót thử sức mình khi viết một bài cho một tờ báo tiếng tăm lúc bấy giờ. Bài báo được đăng và cả trường đã rất lấy làm vinh dự khi tin ấy báo về. Nhưng trong cái may, lại có cả cái rủi, vì chỉ mấy tháng sau tờ báo ấy bị đóng cửa do tư tưởng đã không “rập theo khuôn phép”! Dám “phá phách”, dám “mở cửa cho những tư tưởng” còn quá mới lạ, còn quá bỡ ngỡ lúc bấy giờ.
Anh được liệt vào loại “có tư tưởng bất trị” và đã bị giáo viên chủ nhiệm và nhà trường nhận xét là “không đủ tư cách để thi tốt nghiệp” và tất nhiên càng không đủ tiêu chuẩn để lên Thủ đô thi Đại học!
G. Soros đã nói: - “Phải rất thận trọng khi đi ngược với đám đông, nếu không sẽ bị họ dẫm nát.”
Mẹ nói khi sinh, anh ra ngược, tính tình lại ngang ngang hèn gì chẳng mấy khi Dư được sự đồng tình của những người chung quanh.
Thằng Thiệu bạn vong niên rất hiểu nhau thường nhận xét về anh:
- “Anh thật có tài làm cho người ta ghét!”
Tha thẩn một lúc sau Dư thấy mình đã ngồi bên cạnh cái miễu giữa đồng. Miễu chỉ là một gian nhà nhỏ trống trải, xây giữa cánh đồng trên một bãi đất nhỏ, thường trồng một cây đa, cây đề bên cạnh để lấy bóng râm cho những nông dân nghỉ ngơi chốc lát giữa trưa hè nắng gắt trong mùa gặt, cấy.
Chiều nay Dư cũng đã được Hoa cô bạn gái thân nhất chào từ biệt với lý do là sẽ lên Hà Nội với ông cậu để học thợ may, rồi sẽ ở lại hẳn sinh cơ lập nghiệp trên đó, không quay về nữa.
Dư nghĩ thế là phải, mọi người cũng sẽ đều xử sự như vậy, ai lại gắn bó tương lai mình với một kẻ thất bại. Nếu là một người khỏe mạnh không làm việc này thì làm việc khác, đằng này Dư chỉ là một anh học trò lẻo khoẻo trói gà không chặt, nếu không được học hành thì anh sẽ thành cái gì? Chưa chắc lo nổi cho cái miệng mình, thế thì còn lo sao được cho người thân nữa. Anh thấy không giận Hoa mà chỉ thấy thương cho bản thân mình và cho cả Hoa nữa.
Trời đã tối hẳn, Dư định đứng dậy ra về thì bỗng nghe rất gần tiếng khóc nho nhỏ nghẹn ngào. Dư lắng tai, nhưng cũng chẳng hiểu gì thêm cả, hình như có một cô bé gái đang tức tưởi với nỗi đau gì đấy. Sụt sịt một lúc rồi im hẳn. Dư đã nghe nhiều chuyện về ma hiện hình để trêu ghẹo người nhút nhát, nhưng anh thì anh không tin như vậy.
Vừa đứng dậy đi được vài bước thì như có linh tính khiến Dư quay phắt lại. Bóng một cô gái nhỏ đang treo lủng lẳng trên cành đa cạnh miễu hai chân còn giãy đạp. Dư chạy thốc lại, leo vội lên cành, đang loay hoay chưa nghĩ ra cách gì để tháo người treo cổ xuống, Dư chợt nhớ ra có con dao nhỏ rất đẹp mà cái Thùy con em gái cho anh nhân ngày sinh nhật. Anh móc túi lấy dao ra mở lưỡi cứa dây, nhưng vì vội vàng mới cứa được vài cái thì con dao tuột khỏi tay rơi xuống bãi cỏ phía dưới. Dư nhảy xuống lần tìm mãi và vì không nhìn thấy anh đã quơ phải lưỡi dao đứt tay chảy máu đầm đìa. Lần sau cẩn thận hơn, Dư đã cắt được sợi dây treo. Cả hai cùng nặng nề rơi xuống. Khi hoàn hồn Dư mới nhận ra cô gái tự tử là cái Lý, bạn thân cái Thùy, hơn em gái anh một tuổi ở ngay cuối xóm chỉ cách sân nhà anh có một cái ao.
Con bé đã không còn thở nữa. Dư sợ hãi quá, vội vác nó lên vai chạy về làng, được vài bước thì vấp ngã quăng cô bé xuống đường, thấy cô bé bỗng thở dài một cái, rồi nặng nề thở gấp. Dư mừng quá ríu rít gọi.
Lý đã tỉnh dần và ngơ ngác hỏi:
- Anh Dư ơi, em đã chết chưa?
- Mày nói cái gì thế, mà làm sao mày lại phải treo cổ tự tử?
- Em không thiết sống nữa, sao anh không để cho em chết, cứu em mà làm gì?
- Nhưng vì sao chứ?
Lý không trả lời, trong im ắng chỉ có những tiếng nấc khan rời rạc. Tiếng nấc như những tiếng búa nhỏ phá vỡ đi dần dần những hy vọng của cuộc sống thành những mảnh vụn. Đêm đã sâu, chưa hiểu gì nhưng đã đến lúc phải ra về, Dư đứng dậy và kéo luôn cả con Lý. Hai anh em lặng lẽ đi bên nhau trong đêm, chỉ có tiếng dế kêu rả rích, buồn não nề và tiếng nấc khan rời rạc.
Đến đầu làng, Dư mới rời tay con Lý ra, nhìn nó lặng lẽ rẽ về phía căn nhà tre cuối xóm. Quay về nhà, nằm thừ trên chiếc chõng tre ngoài hè, Dư suy nghĩ mà buồn đến nẫu ruột. Nghĩ về thân phận mình, nghĩ đến tương lai đen tối của cả cái làng quê bé nhỏ này mà không khỏi rùng mình lo ngại. Cuối cùng anh cũng ngủ thiếp đi lúc nào không rõ.
Sáng sau khi tỉnh dậy thì trời đã sáng bạch, mọi người đã ra đồng cả, nhà vắng ngắt. Dư xuống bếp thấy trong nồi mẹ đậy cái rá có một bát cơm nguội với một khúc cá kho mặn để phần anh. Ăn xong bát cơm Dư mới lần lần nhớ lại chuyện xảy ra đêm hôm trước. Rửa mặt xong Dư đi sang nhà cái Lý, nhưng nhà nó cũng vắng ngắt chẳng có ai cả.
Tối nhọ mặt, mọi người từ đồng lục tục trở về, mệt mỏi sau một ngày lao động cực nhọc. Mẹ và em gái xuống bếp cơm nước, bố ngồi hút thuốc trên cái chõng tre kê ở đầu hè. Dư ghé ngồi bên cạnh nhìn người bố già nua quắt queo trầm ngâm không nói gì, lòng buồn vô hạn. Anh tự nhiên thấy mình nhỏ nhoi, yếu đuối, thấy thương cha mẹ thắt lòng.
Sau điếu thuốc, bố nhìn Dư hỏi nhỏ:
- Năm nay mày định làm gì? Hay học thêm một năm, sang năm thi lại.
- Bố xin cho con đi làm, chứ có thi lại cũng không đỗ được đâu.
- Mày vẫn học vào loại giỏi cơ mà!
- Họ “đã để ý” thì học giỏi mấy cũng không thể đỗ được.
- Nhưng nếu xin đi làm thì mày làm được việc gì? Yếu như con sên!
- Bố lên nhờ bác Ba xin cho con vào nhà máy Xi măng, may ra có việc con làm được.
Bác Ba là anh ruột của bố Dư đang làm công nhân lâu năm ở nhà máy Xi măng trên tỉnh.
***
Dư còn nhớ như in, hôm đầu tiên bước vào nhà máy, đứng trước ông Thoa Trưởng phòng nhân sự và chị Chính Chánh văn phòng, Dư cảm thấy quá nhỏ bé. Một lúc sau, hai người thì thào bàn với nhau rồi ông Thoa lên tiếng:
- Cháu chưa tốt nghiệp PTTH thì không thể xếp cháu làm việc Văn phòng được, mà làm việc ở dưới các phân xưởng sản xuất toàn việc nặng nhọc cả, cháu lại yếu đuối như thế kia thì làm sao mà kham được.
- Dạ, nhà cháu nghèo lắm ạ, cháu xin bác và chị cho cháu làm thử nửa tháng không nhận lương, nếu cháu không làm được, cháu sẽ xin nghỉ việc.
Chị Chính tỏ vẻ thông cảm nói:
- Bây giờ thế này, chị cho phép em đi xem một vòng các phân xưởng sản xuất trong nhà máy, làm được ở đâu thì về đây báo cáo lại, chị sẽ làm quyết định tuyển dụng.
Dư đã đi quanh nhà máy một vòng, phân xưởng Đá nhỏ Ca A là lá cờ đầu của nhà máy, một người làm bằng hai, ba người. Tổ Xe cầy thì hai tay phải cân đối khỏe mạnh, đẩy xe chất tám bao xi măng, chạy băng băng. Tổ Bao thì phải quăng được bao xi măng 50 cân lên chồng cao quá đầu người trong kho. Tất cả các phân xưởng Dư đều không làm nổi. Chỉ còn Than cầu là phân xưởng may ra Dư còn có thể làm được.
Sau khi được biên chế vào tổ II Than cầu, Dư đến nhận việc. Mọi người nhìn anh ngỡ ngàng, trước mặt họ chỉ là một cậu bé, bé tý, yếu đuối rụt rè.
Công việc thì thế này, hai người đẩy một goòng đầy than kíp-lê từ cầu tàu vào lò nung, đổ xuống đống, rồi lại quay ra cầu lấy than. Công việc thứ hai là xuống xà lan đỗ ngay dưới cầu xúc đầy than vào ben, đợi cẩu kéo lên đặt ben vào chân goòng cho người ta đẩy vào đống. Chỉ có ngần ấy việc thay nhau mà làm, hôm nay đẩy goòng thì ngày mai xúc than.
Nhưng để tiến hành công việc thì người ta phải ghép vào thành từng cặp.
Hôm Dư đến nhận việc, đã không có ai muốn ghép đôi với một thằng bé con yếu ớt.
Một lúc sau bác Mận, một bác già bực bội chửi:
- Tiên sư chúng mày, đứa nào cũng sợ thiệt, không ai chịu ghép với thằng bé à! Thôi thằng Tín làm với đứa khác để tao ra đẩy với nó!
Nói rồi bác ra dắt tay Dư nói:
- Ra đây làm cùng với tao, đừng sợ. Bố mẹ mày không biết thương con hay sao mà bắt mày đi làm từ khi còn chưa nứt mắt thế này!
Dư ngước ánh mắt nhìn bà già lam lũ, mà lúc ấy anh chợt có cảm giác như trước mắt mình là Phật bà Quán thế âm Bồ tát.
Những ngày lao động vất vả trở về, Dư đen thui như cột nhà cháy, ngay ông bác ruột đi sát cũng không nhận ra anh, chỉ ánh mắt là còn lóe lên những tia hy vọng mong manh. Ngày nào cũng thế về đến ngõ là Dư đã không muốn lê bước nữa, quần áo ướt sũng như lội dưới sông lên, lê đến hè là đổ vật ra như cây chuối bị đốn gốc. Chị Thu con ông bác đã có chồng con ở gần đấy thấy thế chỉ biết ôm mặt khóc và rồi một lần không chịu được đã về quê gọi mẹ Dư lên. Thấy cảnh con như vậy mẹ Dư đã khóc lóc van vỉ anh về nhà, học nữa thì học, không học thì đi làm đồng với cha mẹ, cũng không đến nỗi vất vả như thế này.
Dư nghẹn ngào nói với mẹ:
- Con là một thằng con trai đã lớn, gặp chút trở ngại, khó khăn mà không vượt lên được thì chết quách đi còn hơn. Mẹ cứ yên tâm, để con làm thử ít lâu, nếu thấy không làm nổi, con sẽ tìm việc khác.
Như một mầm non bị dập vùi, nếu không chết bẹp thì sẽ tìm đủ mọi ngóc ngách để vươn lên, Dư cũng vậy, anh đã vươn lên từ mọi ngóc ngách của cuộc sống.
Chỉ sáu, bảy tháng sau Dư đã trở thành một thanh niên khỏe mạnh, bởi vì anh đang ở tuổi mười bảy. Ai cũng muốn làm cặp đôi với anh, không những Dư rất khỏe, đã có mấy lần thử sức với với mọi người là lật “lập-lách” lên bằng một tay anh đều đã thắng cả dù giải thưởng chỉ là bao thuốc lá Tam Đảo (lập-lách là cái mâm tròn rất dày bằng gang, nặng gần một tạ, đặt trên một chốt ở ngã tư đường goòng để đổi hướng đi của xe, sau khi làm việc được một lúc lâu thì bị than rơi làm kẹt không quay được nữa, phải lật lên để vét sạch), thứ hai vì anh hiền lành ít nói lại là giáo viên bổ túc của toàn ca, từ ca trưởng Thành trở xuống, bởi anh là học sinh lớp mười đầu tiên của Hải Phòng lúc bấy giờ.
Trong giờ nghỉ Dư thường ngồi một mình hoặc với mấy bác già. Mấy cô gái thấy vậy bèn thì thào với nhau rồi một cô ra bảo với Dư:
- Anh Dư, ra đây em nhờ tị.
Khi hai người ra đúng giữa đám đông thì Thi ôm lấy cổ Dư vật anh ngã kềnh ra đất, rồi vỗ vào rốn nói to:
- Em thắng rồi nhé. Mọi người thưởng đi!
Thế là mọi người được mẻ cười nghiêng ngả.
Bạn bè, đồng đội, thày trò họ là như thế đấy!
Mãi sau này khi không còn làm ở nhà máy nữa, kể cả khi đã về già, mỗi lần nhớ lại những kỷ niệm đầu đời ấy Dư không thể nào ngăn được những xúc cảm dâng lên mạnh mẽ trong lòng mình.
Ngay năm sau Dư dự thi theo chế độ thí sinh tự do và anh đã đỗ thứ nhì thành phố. Tuy nhiên trong suốt bốn năm đẩy xe than ở nhà máy Xi măng, ban đêm Dư vẫn đi học bổ túc. Có một lần cô giáo dạy bổ túc đã phát hiện ra anh là học sinh học trước cô hai lớp, trở nên lúng túng không đủ bình tĩnh dạy hết tiết. Khi tan lớp Dư bị Ban Giám hiệu giữ lại để hỏi vì sao anh lại làm như vậy?
Anh đã trả lời rất thành thật sau khi xuất trình các giấy tờ mang theo:
- Tôi đang là một công nhân đẩy xe than tại nhà máy Xi măng, nhưng tôi không muốn là một công nhân đẩy xe than suốt đời. Tôi sẽ học thêm nữa, vì vậy tôi đã nộp đơn để xin học lại lớp cuối cấp này, mặc dù tôi đã tốt nghiệp phổ thông trung học rồi. Học lại để làm gì ư? Để khỏi quên mất những kiến thức đã học và để khi nào có điều kiện thi đại học, tôi đỡ phải ôn lại. Nếu nhà trường thấy phiền hà tôi xin ngồi ngoài lớp để dự thính!
Nhà trường sau khi điều tra xem xét những vấn đề Dư nêu, thì thấy đều là sự thực, vả lại nhà máy lại nhận xét về anh rất tốt. Anh đang là Bí thư liên chi đoàn thanh niên của nhà máy và đang được đứng trong hàng ngũ đối tượng kết nạp Đảng.
Hai năm sau anh được làm lý lịch để đi học tại Liên Xô. Nhưng khi nộp hồ sơ được ít lâu thì xẩy ra vụ “Xét lại”, nên việc học của anh bị gác lại.
Bác Tân một bác già cùng cơ quan đã nói với anh:
- Cháu ạ! Không học ở nước ngoài thì học ở trong nước, miễn là cháu còn đang tuổi học và còn đang muốn học. Chứ như bác bây giờ có tuổi, có gia đình rồi, có cho đi học cũng không học được nữa.
Lời khuyên chí tình của bác già đã làm Dư quyết định ôn để thi vào trường Đại học Bách khoa cùng hai người bạn thân năm ấy.
Chỉ nghỉ có 10 ngày phép năm để ôn, mà năm ấy cả ba người cùng thi đỗ cả ba.
Còn nhớ khi đi khám sức khỏe để nộp hồ sơ xin thi Đại học thì bác Y sỹ già ở cơ quan đã đùa nói rằng:
- Mày yếu đuối thế này thì học đại học thế nào được?!
Dư đã cãi lại rằng:
- Cháu đủ sức đẩy xe than thì làm sao lại không đủ sức học Đại học!
Bác Y sỹ trễ kính xuống nhìn Dư:
- À, thằng này cũng biết đối đáp đấy! Được tao sẽ cho mày đi học.
Khi tốt nghiệp Đại học vào loại ưu, Dư được giữ lại Hà Nội để làm việc tại một cơ quan đầu não của Bộ Giao thông.
Dư có dịp về thăm lại ca than, gặp mọi người ai cũng vui vẻ, đằm thắm và mừng cho anh.
Thi, Luyến, Toan,... các cô đều đã có chồng con.
Dư nói vui:
- Ô hay, thế chẳng đứa nào đợi anh à?
Luyến nói vừa tếu, vừa rất thật:
- Lúc anh còn đẩy than với chúng em mà anh còn chẳng ngỏ lời, bây giờ anh đã thành kỹ sư, đợi anh để ế mốc lên à?
Dư đã ôm lấy cô em bạo mồm rồi nhè nhẹ vỗ vào đầu Luyến mà không nói được lời nào.
Lần bố ốm, Dư về quê thăm. Sau khi cơm nước xong thì chiều vừa xập tối. Bây giờ ở nhà chỉ còn hai ông bà già. Cái Thùy cũng đã chồng con ở làng bên, thỉnh thoảng mới bế con về thăm ông bà. Dư ngồi nói chuyện với bố mẹ, ngỏ lời muốn đưa hai cụ lên tỉnh ở cùng mình. Khi mẹ buông màn bắt muỗi dục bố đi nằm nghỉ thì anh tha thẩn bước ra cổng và rồi chẳng biết thế nào một lúc sau anh đã thấy mình ngồi cạnh cái miễu giữa cánh đồng đang mùa lúa chín rộ.
Tiếng dế rúc inh ỏi một lúc rồi bỗng tắt lịm đi để rồi sau một lúc nó lại rộ lên inh ỏi. Hương lúa thơm mát đang lan tỏa như quyến rũ không gian.
Vạn vật đang mùa sinh sôi, âm dương cũng như xích gần lại và giao hòa cùng nhau trong thiên nhiên vô tận.
Dư hít căng hương lúa trong lồng ngực vạm vỡ của mình và cảm thấy thật sảng khoái.
Bỗng có linh cảm lạ, Dư quay phắt lại phía sau và nhận ra đứng ngay cạnh anh là một cô gái trẻ.
Chưa nhận ra ai nhưng Dư vẫn lên tiếng đùa cợt:
- Cô là ai, ma à? Sao đêm hôm lại theo rình mò tôi thế!
- Em là ma đây, con ma nhỏ ngày xưa anh đã vác trên vai chạy về làng lúc nửa đêm ấy. Anh có còn nhớ không?
- Cái Lý đấy à? Sao nửa đêm lại ra đây thế?
- Cái Lý ngày xưa của anh đây. Bây giờ em đã 23 tuổi rồi.
- Thế à, anh quen mồm, cho anh xin lỗi. Thế nửa đêm em ra đây làm gì?
- Em theo anh.
- Sao biết anh ra đây mà theo?
- Khi anh vừa về làng, em đã biết. Em còn biết anh thích ra đây ngồi một mình.
- Thế ra anh bị cô theo dõi à?
- Vâng, em thích được theo dõi anh.
- Sao vậy cô hàng xóm?
- Chả nói thì anh cũng biết!
- Anh tưởng cô đã chồng con rồi chứ. Cái Thùy cũng đã có con ba, bốn tuổi rồi!
- Con em cũng đã bảy tuổi, nhưng chồng thì không có!
- Sao thế?
- Anh không nhớ à, năm ấy em mới 16 tuổi bị thằng chú dượng cưỡng đoạt. Em đã treo cổ lên cây mà anh lại cứu xuống, không cho em chết!
Ở quê như em thì còn ai dám lấy nữa. Vì thế em đành sống một mình, nuôi con. Anh ơi, em theo anh ra đây không có ý gì đâu, chỉ muốn ngồi gần anh một lúc rồi lại về, thế thôi.
Dư cảm thấy nao nao và dưới bóng tối chạng vạng, anh nhìn Lý kỹ hơn và chợt nhận thấy cô đẹp rực rỡ như một đóa hoa quỳnh đang nở rộ trong đêm, nồng nàn tỏa hương quyến rũ.
Dư nói vui không cố ý và không tự chủ:
- Ngồi với nhau một lúc rồi về thì có sao đâu! Thế nhưng nếu anh ngồi đây cả đời thì em có muốn ngồi cùng anh không?
Lý rụt rè:
- Em không xứng với anh, em không dám!
- Ô hay chỉ ngồi gần nhau cũng không dám sao?
- Nhưng em là một đứa con gái lỡ làng và hư hỏng...
- Anh đã 31 tuổi rồi, cũng ế chỏng gọng ra đây này. Nhưng này, ai dám bảo em là một cô gái hư hỏng!
- Nhưng mà ở quê thì như thế là loại bỏ đi rồi!
- Nhưng nếu anh đem em ra tỉnh thì sao?
- Em không dám! Lý trả lời lí nhí trong hụt hẫng.
- Em chẳng bảo là em thích được theo dõi anh cơ mà!
Lý cười lặng lẽ không nói, Dư nhẹ nhàng kéo Lý vào lòng, ôm lấy cô. Hương lá thơm gội đầu trên tóc cô gái và hương đồng nội bay lên ngào ngạt.
Trong đêm tiếng dế lại rộ lên inh ỏi.

                                                    Hà Nội, 2007.

Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét