tháng 9 23, 2014

Báu vật

Sau buổi tụng cuối ngày, hoà thượng trụ trì thường có thói quen đi dạo quanh vườn chùa, khu vườn rộng nhưng cằn cỗi trên vùng bán sơn địa, chẳng thể trồng cây ăn quả được bởi chỉ toàn sỏi đá, cỏ mọc lơ thơ, tận cuối khu vườn mới nẩy ra vài bông hoa tím dại li ti.
Tuy vậy khu vườn vẫn là nơi sư cụ cảm thấy thật gần gũi, thật thân thiết, bởi nó gợi về những kỷ niệm xa xôi, mờ nhạt của một quá khứ dịu ngọt và thân thương, những hình ảnh xa thẳm của tuổi thơ nơi quê nhà lại lần lượt hiện về như một cuộn phim đèn chiếu cũ, bong lở, lốm đốm.
Cứ thế nhiều năm thành quen, kể cả những ngày xấu trời, sư cụ vẫn không bỏ buổi dạo quanh khu vườn chùa cằn cỗi sau buổi tụng thường nhật.
Chùa chỉ có ba thày trò, ngoài sư cụ, có một chú tiểu mới mười bốn, mười lăm tuổi và một người đàn ông tàn tật mà sau một trận bão lớn, cả nhà chết sạch chỉ còn lại một mình anh ta được nhà chùa cưu mang. Vì vậy cũng chẳng ai chú ý đến thói quen của sư cụ.
Đã sang thu, chiều xuống nhanh, chỉ còn những tia nắng yếu ớt xuyên qua tán lá cây, xoè rộng như chiếc nan quạt khổng lồ in những vệt sáng mờ lên phong cảnh hoang sơ và tĩnh lặng. Làn hương trầm mỏng manh lan toả trong cái se lạnh của buổi chiều mát mẻ làm người ta có cảm giác thật thanh thản và thoát tục.
***
Hôm nay là một ngày khác với ngày thường bởi có một người khách lạ tới thăm chùa. Đã từ lâu lắm, có lẽ phải đến hàng chục năm chưa thấy có người lạ tới đây. Thi thoảng cũng có vài người tới chùa nhưng cũng chỉ là những nông dân nghèo quanh vùng, tuần rằm mới đến. Chú tiểu cứ loay hoay mãi vì chưa bao giờ phải đón tiếp người lạ. Chú mời khách vào phòng ngồi đợi vì chỉ lát nữa sư cụ sẽ kết thúc buổi tụng chiều.
Người khách mệt mỏi vừa phủi những vạt cỏ may bám đầy trên hai ống quần, vừa xoa bóp hai vế đùi rã rời vì chặng đường dài đi bộ, vừa tranh thủ quan sát chung quanh. Ngôi chùa thật nhỏ nhoi và đơn sơ nằm nép dưới chân một quả đồi cằn cỗi, một cái giếng đào nằm phía hữu sân chùa núp dưới một cây lim già cũng cằn cỗi như nó. Trong nội điện, trên ban thờ phật chỉ có mấy pho tượng cổ cũ kĩ ngoài ra chẳng có vật quí giá gì nữa.
- Mô Phật, sau chuyến đi xa chắc thí chủ rất mệt?
Người khách ngoảnh lại thì sư cụ đã đứng ngay sát cạnh. Trước ông là một hoà thượng trạc ngoại bảy mươi, dỏng cao, khuôn mặt nhân hậu và đôi mắt thánh thiện thì toát lên sự nhẫn nhịn.
Ông khách vội đứng lên cúi đầu cung kính thưa:
- Bạch cụ, con đã khá hơn rồi ạ.
- Thí chủ đi đường xa mệt mỏi, xin hãy nghỉ ngơi, mai ta sẽ hầu chuyện.
Sau một đêm được nghỉ ngơi lại sức, sáng sau ông khách được sư cụ mời lên gặp. Ông ta vội hỏi ngay khi vừa mới tiếp xúc:
- Bạch cụ, con mạo muội xin hỏi cụ có phải người Nam Sang không ạ?
- Mô Phật, đó là quê cũ của bần tăng.
- Bạch cụ, cụ đã nương cửa Phật được lâu chưa ạ?
- Từ khi ta còn trẻ, tính cũng phải đến trên dưới bốn chục năm.
- Từ đó cụ có về thăm quê lần nào không ạ?
- Ở quê, ta không còn ai thân thích, vả lại đường xá xa xôi cách trở, mỗi tuổi mỗi già yếu, nên cũng có chiều trễ nải.
- Nhưng những năm còn khỏe, cụ cũng chưa lần nào về quê?
- Mô Phật, ta lên đây để đi trốn nên không dám nghĩ đến đường về.
- Cụ trốn nợ?
- Một món nợ mà suốt đời ta không bao giờ trả nổi!
- Con nghĩ đến bây giờ đã quá lâu rồi, mấy ai nhớ nữa, cụ còn ngại gì ạ!
- Chắc là thế! Nhưng giờ thì ta đã quá già yếu, không dám nghĩ đến việc vượt một quãng đường dài nữa, mong thí chủ hiểu cho.
- Bạch cụ con hỏi cũng chỉ vì tò mò thôi ạ.
- Mô Phật, ta cũng hiểu là như vậy, nhưng vì là một con nợ, nên ta dễ bị trạnh lòng mà thôi.
- Bạch cụ, bà Tâm ở Nam sang là cô ruột con.
- Mô Phật, ta cũng có linh cảm là như vậy.
- Thế ạ? Vì sao cụ lại nghĩ thế?
- Ta biết thế nào cũng ngày hôm nay và vì chẳng ai vượt một quãng đường dài dường ấy, tới một nơi hoang vắng như vầy để thăm nom cả. Vả ở quê ta cũng chẳng còn ai thân thích.
Người khách lộ vẻ vui mừng không dấu diếm vì đã tìm được đúng người cần gặp. Sau một hồi thăm hỏi, người khách thổ lộ:
- Cô con năm nay cũng đã già yếu lắm rồi, có ý nguyện tìm lại cụ, nhưng chẳng biết cụ ở chùa nào nên không thể lặn lội lên đây. Đây là chùa thứ bảy, thứ tám con đã đến tìm.
- Nhưng sao lại biết ta ở chùa, mà tìm.
- Khi tâm hồn tan vỡ, ta thường tìm tới cửa Từ Bi.
Đêm đó hai người đã ngồi nói chuyện gần suốt đêm vì đã hơn bốn mươi năm xa cách tưởng rằng không thể nào nói hết được.
- Bạch cụ, lúc cụ còn ở làng, con mới chín, mười tuổi, mà giờ đây con đã hơn năm chục tuổi rồi.
- Mô Phật, lúc đó ta còn là một lực điền trẻ, chuyên làm thuê cho những nhà khá giả trong làng để kiếm sống.
- Con còn nhớ, lúc ấy cụ là anh lực điền trẻ khoẻ nhất làng, lại rất siêng năng, khéo léo nên ai cũng muốn thuê làm và chắc cụ cũng biết có bao nhiêu cô nông dân trẻ, xinh xắn đã từng thương thầm, nhớ trộm anh lực điền ấy. Nhưng khổ nỗi trái tim của anh ta đã có chủ, nên đến trên ba mươi tuổi anh ta vẫn không lập gia đình, tuy con còn bé cũng đã biết là như vậy, nhưng quả thực con cũng không thể ngờ người làm chủ trái tim anh lực điền ấy lại là cô ruột con. Bạch cụ, nhắc lại câu chuyện cũ, có làm cụ phiền lòng không ạ?
- Mô Phật, những kỷ niệm cũ nhiều lúc làm ta vô cùng buồn khổ, nhưng những kỷ niệm đau đớn và ngọt ngào ấy lại là cái duy nhất níu giữ ta ở lại với cuộc đời này. Còn nhớ xưa cha ta từng là một ông trùm nghề mộc ở Hà Nam, nhưng không may sau một cơn bạo bệnh bị liệt phải nằm một chỗ, gánh nặng gia đình trút toàn bộ lên đôi vai gầy yếu của mẹ ta, mới mười ba tuổi, ta đã phải đi học nghề để giúp thêm cho mẹ, một lần do lỡ tay đánh đổ mất lọ muối lúc làm cơm cho nhà chủ, sợ phải đòn, lén về nhà lấy muối, về gần tới nhà mới biết nhà mình đang bốc cháy. Ta chạy vội vào chỗ cha nằm, thì lửa đã liếm đến chân giường. Cha ta vừa ho sặc sụa vừa cố xua ta ra khỏi vùng lửa dữ. Mặc dù rất hoảng sợ, vì dẫu sao ta cũng vẫn chỉ mới là một đứa trẻ, nhưng ta đã nói với cha là nếu ông không để ta cõng ra thì ta sẽ ở lại chết cháy cùng ông. Cuối cùng thì ta cũng kéo lê được bố ra khỏi đám cháy. Ông không chết cháy nhưng bị bỏng rất nặng, nhà cửa lại cháy sạch cả. Nghèo túng và buồn khổ, vì thế chỉ ít lâu sau đó thì cha ta mất. Mẹ ta cũng chỉ ở lại cùng ta vài năm nữa, rồi theo cha ta về cõi vĩnh hằng, còn lại mình ta trên cõi đời này, một chàng trai mười bảy, mười tám, nghèo xơ xác, không nghề nghiệp, không một tấc đất cắm dùi. Và thế là ta trở thành một lực điền, chuyên cày thuê, cuốc mướn cho những nhà khá giả trong làng để kiếm sống, mà thường thì là làm mướn cho ông cụ nhà cô Tâm, vì đó là nhà phú hộ giàu nhất Lý Nhân ta.  
- Bạch cụ, con cũng còn nhớ hồi đó cô con đã lớn tuổi mà nhất định không chịu xuất giá. Bà đã lấy hết lý do này, đến lý do khác để trì hoãn hôn nhân, nào ngờ nguyên nhân ấy bây giờ mới được sáng tỏ...
- Mô Phật, số kiếp cả thôi, biết tránh làm sao cho được! Thế bao giờ thì thí chủ xuôi?
- Nếu không có gì thay đổi, thì sáng mai xin phép cụ cho con về, để cho cô con khỏi mong, vì con đi tìm cụ cũng đã hơn tháng nay rồi ạ.
- Bây giờ cũng đã khuya lắm rồi, thí chủ hãy đi nghỉ, lấy sức mai xuôi.
- Bạch cụ, cô con có gửi con mang lên đây một vật thiêng lâu đời mà dòng họ nhà con rất quí, truyền lại từ cụ cố tám, chín đời. Cô con muốn dâng lên cửa Phật nơi cụ nương mình, mong Phật độ cho người và cũng như một sự hiện linh mà bà muốn được nhắc nhở cùng người, sự tồn tại của mình nơi trần thế.
Nói rồi người khách dở trong bọc ra một bát hương cổ dâng lên sư cụ.
Sư cụ trân trọng đỡ lấy bát hương, ôm vào trong lòng trìu mến nâng niu như đối với một sinh vật quí, một lúc lâu sau mới nói được lời cảm tạ.
Cung cách quá ư trân trọng của nhà sư đã làm người khách càng cảm thấy thấm thía sự mong mỏi của bà cô già nơi quê nhà và sự vất vả mà mình đã bỏ ra bao ngày để tìm kiếm trên cả quãng đường dài vô định không đến nỗi uổng phí.
Sáng sớm hôm sau, sư cụ tiễn người khách xuống núi. Nắm lấy bàn tay người khách, giây lâu mới nói được lời từ biệt, rồi chầm chậm tháo chuỗi tràng hạt đang đeo trên cổ trao cho khách, sư cụ nghẹn ngào nói:
- Không có vật gì quí giá, ta, kẻ tu hành chỉ có chuỗi tràng hạt cũ dùng đã nhiều năm tặng lại, như trả nghĩa người trong muôn một.
Chia tay được lúc lâu, đi đã xa, trước lúc rẽ vào khúc ngoặt của eo núi, người khách chợt ngoảnh lại vẫn thấy bóng sư cụ in trên vách núi qua ánh sương mai mỏng mảnh, lặng lẽ dõi theo mình.
Để mặc cho dòng nước mắt lăn dài trên má, người khách lặng lẽ rảo chân bước nhanh xuống phía chân đồi, lúc này ông lại chợt nhận ra thêm một điều rằng ở trên cõi đời này còn có những cái quí giá mà ta không thể nhìn thấy hoặc hình dung cụ thể ra được.
***
Năm, sáu năm sau, vào một chiều mùa đông, có một người khách rảo chân bước lên đồi, nhưng đó là một chàng trai còn trẻ chỉ mới ngoài ba mươi. Sương chiều lãng đãng, bao quanh bóng người đang một mình lầm lũi bước vội làm cho khung cảnh càng trở nên hoang vu, quạnh quẽ. Khuôn mặt và lưng áo chàng trai đã ướt đẫm mồ hôi, dáng đi cũng đã chậm và uể oải dần làm cho ta cảm nhận thấy quãng đường thật dài và vất vả.
Tới trước cửa chùa thì bóng chiều cũng vừa ập xuống, tối sẫm, chàng trai chợt thấy sư cụ đã đứng sẵn ở đấy như đang chờ một ai vậy.
- Bạch cụ, cụ vẫn khoẻ chứ ạ?
- Cảm ơn thí chủ đã thăm hỏi, ơn Phật bần tăng vẫn bình thường.
- Bạch cụ, cụ đang đợi ai đấy ạ?
- Mô Phật, người đợi cũng đã đến, ta đợi thí chủ ở đây đã lâu lắm rồi.
- Sư cụ đợi con? Vì sao người biết là con sẽ đến mà đợi?
- Cái gì phải đến, tất đến. Tránh sao được!
Sự điềm đạm và trầm tĩnh của nhà sư làm chàng trai tuy chưa gặp lần nào vẫn cảm thấy rất gần gũi và biết là mình đã gặp được đúng người mình cần gặp. 
Hai người cùng vào trong nội điện, sư cụ nắm lấy tay chàng trai hỏi:
- Thân mẫu thí chủ bây giờ thế nào rồi?
- Bạch cụ, người đã về cõi vĩnh hằng! Trước lúc ra đi, người dặn chôn theo chuỗi tràng hạt nhà sư đã ban và dặn con nhớ phải tìm gặp bằng được cụ, gửi lại người vật này. Nói rồi chàng trai dâng lên một cái hộp gỗ nhỏ cũ kỹ.
Đêm đã sâu, không gian thật tĩnh lặng, trên ban thờ mấy nén hương và đĩa hoa cúng ngào ngạt tỏa hương. Mỗi khi có một cơn gió nhẹ thoảng qua bóng hai người in lên vách lại lay động dưới ánh sáng mờ ảo của ngọn nến nhỏ. Chàng trai như chờ đợi một điều gì đấy nhưng chưa dám lên tiếng, sợ làm tan mất sự tĩnh lặng của bầu không khí thiêng liêng.
Sự trân trọng của chàng trai làm nhà sư thật sự thấu hiểu. Lặng lẽ để suy tưởng và để sắp xếp thứ tự lại những kỷ niệm từ sâu thẳm ùa về. Mãi lâu sau đó nhà sư mới buồn rầu kể lại:
- Đó là chuyện xẩy ra cách đây đã lâu lắm rồi. Ta và thân mẫu thí chủ là bạn cùng làng, thuở nhỏ cùng bắt bướm, thả diều và uống chung nước một dòng sông chảy ven làng. Thế rồi lớn lên thương nhau lúc nào không rõ. Nhưng ta thì nghèo, mà nhà thân mẫu thí chủ lại là nhà phú hộ, vì thế chẳng thể thành đôi. Đến khi người thành gia thất cũng là lúc ta xuất gia, tìm lên đây tu hành, từ đó bặt tin.
Cách đây cũng đã lâu, có người cháu tìm lên dâng chùa một bát hương và nói cho ta biết tin về thân mẫu thí chủ. Người vẫn sống trong khắc khoải, trong chờ mong vô vọng. Người đã vì ta mà ngóng đợi suốt cả cuộc đời, không đòi hỏi gì và ta cũng chẳng thể đền đáp được gì.
Lúc nãy khi vừa gặp thí chủ, ta nhận ra ngay đôi mắt của người trong mắt thí chủ và ta cũng linh cảm là điều gì đã xảy ra.     .     
Ôi Phật pháp linh diệu vô biên, nhiệm màu khôn tả, có vay, có trả, chẳng thể vượt qua.
Nói rồi nhà sư mở chiếc hộp gỗ nhỏ ra, trong đó chỉ là con trâu bằng đất nặn đã khô, cái đồ chơi mà bất kỳ đứa trẻ nhà nghèo nơi thôn dã nào cũng có thể làm được, đó là kỷ vật mà ông đã làm tặng bà lúc còn thơ bé ở quê.
Nhà sư ngừng lời đã một lúc lâu, không gian như ngừng trôi và trong suốt, ta có cảm giác như có thể nghe được cả tiếng côn trùng rả rích ngoài bãi cỏ sau vườn chùa và tưởng như mình có thể tan vào miền không gian tĩnh lặng và trong trẻo ấy.
Hoà thượng nắm lấy tay thí chủ hồi lâu rồi từ biệt vào phòng trong đóng cửa.
Hôm sau, đã muộn không thấy nhà sư trở ra, người ta đẩy cửa vào thì thấy người ngồi thiền ngay ngắn trước ban thờ Phật nhưng đã viên tịch tự lúc nào, hai tay vẫn trân trọng ôm chiếc hộp gỗ nhỏ cũ kỹ như một báu vật.

                                                                                                   Hà Nội, 2004.


Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét