tháng 9 23, 2014

Chàng gàn

Hồi học Đại học, bạn bè đã phong cho anh là đệ nhất gàn: “Nhất Ngát, nhì Huân, tam Bân, tứ Bật”. Tất nhiên chẳng có chuyện gì là không có lý do, mà xem ra lý do cũng không đến nỗi khó chấp nhận cho lắm. Này nhé học ngoại ngữ thì anh xé tự điển để buộc mình phải nhớ từ, thậm chí anh còn nhớ cả số trang có từ đó. Các bảng biểu trong các môn khoa học cơ sở anh có thể lập lại một cách vô tư như một máy phô-tô cóp-py loại “xịn”. Thêm vào ưu điểm trên, anh còn có tài nói chuyện rất hay, cứ như bạn bè thường ví von là “con cua trong lỗ cũng phải bò ra”...
Anh mê và thuộc lòng các chuyện Thuỷ-hử, Tam-quốc, Tây-du,...Thành ra riêng ở buồng anh, có 12 sinh viên trong một diện tích 12 mét vuông là đặc biệt được nghe buổi đọc chuyện đêm khuya rất hấp dẫn suốt năm năm học Đại học.
Tuy nhiên bạn bè cũng nhớ những nhược điểm của anh, mà chính những đặc điểm này tôn anh lên hàng đệ nhất. Đấy là lúc anh phải nói chuyện với bạn gái, người ta bảo rằng lúc ấy anh là một màn hình không có tín hiệu, sự trao đổi trở thành bất tương ứng, anh ứng đối lúng búng như ngậm hột thị. Niềm tin trong anh cũng rất cực đoan. Một lần các bạn học ở cùng buồng với Ngát trước khi đi ngủ muốn chọc cho vui, lừa lúc Ngát ra ngoài mới đố nhau:
- Ai trêu cho thằng Ngát chửi bậy được, thì ngày mai tao cho cái “bánh đấm” của tao - cái “bánh đấm” là tiêu chuẩn nửa xuất ăn của sinh viên lúc bấy giờ. Đó là một nắm bột mỳ thả vào chảo nước sôi, chín vớt ra tròn và cứng như một quả đấm.
Đúng lúc Ngát ở ngoài bước vào, Thiện nói thản nhiên với các bạn:
- Chúng mày có biết vì sao mặt Quan Công lại đỏ không? Bố mẹ sinh ra không thế đâu. Ông ta đỏ mặt vì xấu hổ đấy!
- Bố láo! Mọi người nhao nhao.
- Để im tao nói cho mà nghe. Lão ta làm điều bất chính, rất kín đáo. Sau bị lương tâm dằn vặt, xấu hổ nên mới đỏ mặt.
- Làm gì có chuyện đó! Mọi người vừa phản đối, lại vừa gợi ý. 
- Chúng mày có nhớ ở trận Hạ-Phì không, vì bị Tào Tháo vây hãm, Quan Công kẹt lại với nhị vị tẩu tẩu là Cam phu nhân và My phu nhân. Tháo cố ý bày trò ma bùn, chỉ cho ba chị em một gian buồng nhỏ. Quan Công là người trọng đạo nghĩa nên đã đốt đuốc quỳ trước cửa để canh cho hai chị dâu ngủ. Nhưng Tháo là một tên xỏ lá, nó cấp cho Quan Công những cây đuốc ngắn cứ phải thay luôn. Một lần thay đuốc, Tháo để ý thấy Vũ “tắt đèn” hơi lâu, cỡ  nửa tiếng chứ chẳng ít. Hôm sau Tháo tủm tỉm hỏi Vũ:
- Đêm qua tướng quân thay đuốc để “tắt đèn” “chi mà lâu dữ dậy”? Thì chỉ thấy Quan Công ấp úng rồi đỏ mặt lên.
Chả là khi ấy Quan Công chưa có vợ, nên chưa bao giờ được quan sát đàn bà nhất là lúc họ ngủ. Vì thế lần ấy khi cúi xuống cầm cây đuốc mới để thay thì vô tình nhìn thấy hai thân hình tuyệt mỹ ở trên giường. Lần đầu tiên trong đời thấy hai “hình thù kỳ quái” mà lại vô cùng hấp dẫn ấy nên bộ nhớ bị trục trặc và thế là đáng lẽ phải cầm cây đuốc mới để châm tiếp thì vì mải ngắm mấy cái “dị vật” kia, Quan Công lại vớ ngay chân mình để châm vào lửa. Tất nhiên lão ta bị bỏng nặng mà lửa thì lại tắt ngấm. Cũng may sau tìm được “cái bật lửa Gíp-pô” chứ không thì...toi.
Lập tức một trận cười kèm theo tiếng chửi rất tục của Ngát nổ ra như một luồng gió mạnh làm ầm ỹ đến nỗi trực ban phải đến gõ cửa, nhắc nhở.
Ai ở trong lớp cũng biết anh sinh viên quê Bắc Ninh này rất mê Tam Quốc diễn nghĩa, mà các nhân vật trong ấy cứ nói đến Quan Công là Ngát xuýt xoa thán phục. Ngát cũng thừa biết là các bạn chọc mình, nhưng bị Thiện châm trúng cái “bọng tức”, nhất là khi mất bình tĩnh anh ta có cái tật  là hay chửi bậy. Ở với nhau năm năm trong trường ai mà quên được những kỷ niệm như thế.
Rồi khi khóa học kết thúc, Ngát cùng các bạn tốt nghiệp ra trường. Anh được bộ chủ quản phân về một ban kiến thiết. Đó là một cơ quan có chức năng quản lý vốn và giám sát một số đơn vị thi công công trình nào đó. Vì vậy nó rất có quyền hành và cả quyền lợi nữa, ngay cả trong thời kỳ bao cấp ngày trước.
Chẳng cần thức thời như mấy bạn trẻ bây giờ, ngay như “me-xừ” Thái, Trưởng ban Kiến thiết, một nhà cách mạng nòi, chính giữa nhà, ông ta trương một cái ảnh gia đình chụp chung với một vị quan lớn, rất lớn. Ông ta được quan lớn quàng tay qua vai như một người ruột thịt, mà ông ta quả là cháu ruột của vị quan lớn kia thật. Bức ảnh to bằng hai phần ba cái chiếu đôi lồng khung trạm trổ rực rỡ làm cho ai nhìn cũng phải kính nể ngay lập tức. Trước hết vì bức ảnh to quá cỡ này mà tất cả các hiệu ảnh trong nước không có hiệu nào phóng nổi, tất nhiên nó phải được “chế tạo tại nước ngoài”. Sau nữa, vì vị quan lớn kia là một vị mà cả nước chẳng ai là không biết đến, lại cái cử chỉ rất thân mật của ông ta với chủ nhà làm cho ai trông thấy cũng phải nể hẳn.                 
Một người như ông Thái với tấm ảnh to nhường ấy, đáng làm một tấm gương chói lọi cho cả bàn dân thiên hạ. Thế mà với cái nhà nhỏ xây bằng gạch xỉ rộng hai chục mét vuông ông ta dựng trên đất công - tất nhiên là ông ta xin được - ở đầu cầu Hoàng Thạch đã được các đơn vị thi công mà Ban ông quản lý. Lúc tiện biếu anh vài tạ sắt để anh đổ mái - mình cứ tằn tiện mãi, khi mưa gió chẳng làm sao tránh được dột ướt. Lúc vét kho mang anh dăm tấn xi-măng - để anh láng nền cho đỡ ẩm - nhẩm ra đã dùng tới ba tấn sắt sáu, tấn rưỡi sắt cây, hơn hai chục tấn xi-măng mác cao - để làm cầu cho xe chạy - mà vẫn chưa hoàn thành căn nhà nhỏ bé kia.
Chả biết cậu kỹ sư dưới quyền nào đó đã dại dột nói đùa:
- Cái nhà gạch xỉ của ông Thái, có độ bền tính toán là 4000 năm!
Cậu ta lập tức bị “lôi ra làm lông”, vì phạm mấy “tội tày đình”:
    * Thứ nhất là tội hay soi mói và bất kính với thượng cấp.
    * Thứ nhì là dám đem lịch sử 4000 năm dựng nước ra để đùa cợt.
Cậu ta bị hành đến khổ mãi tới khi “me-xừ” Thái bị đi tù vì tội ký khống một khối lượng đất quá lớn, mà sau đó chẳng may công trình lại bị sập.
Ban kiểm tra của Bộ, của Chính phủ làm đi, làm lại đến dăm, bảy lần, nhưng vì chứng cứ quá rõ ràng mà uy tín của cái ảnh lớn quá cỡ kia, cộng với những lá thư tay, những “cú phôn” đột xuất, rồi sau cùng là một cái ô-tô đen bóng chở một “chuyên viên” thật to béo, thật đĩnh đạc, đi khắp các Cục, Vụ, Viện để “chỉ đạo và điều tra” cũng không cứu nổi “me-xừ” ấy. Lúc bấy giờ cậu kỹ sư này mới được trở lại làm việc.
Người không biết cứ nghĩ Ngát được làm việc ở một nơi như thế, thì dù là thày bói mù cũng cứ nhắm mắt mà đoán bừa là mả bố anh phải được táng vào hàm một con vật gì đó có bốn chân trở lên chứ chả chơi. Trưởng ban mười, thì cấp dưới cũng phải ba bốn “con nhà tông, chẳng giống lông, cũng giống cánh”, đằng này, để chữa cái mái ngói dột, Ngát lại đi mua mấy cân xi-măng về trát chít. Mãi sau có người tốt, phân tích việc ấy để Ngát thấy là mình có ba cái dở:
* Thứ nhất là mất tiền túi - mà ở đời phải biết quý tiền của mình. Có thoáng, có rộng thì chỉ thoáng, rộng “tiền chùa” thôi chứ!
* Thứ nhì Ngát làm như thế có khác gì trát “phân bón” lên mặt thượng cấp. Đã là cấp trên thì đều đúng, đều phải, làm gì cũng cố mà học tập, mà làm theo cho bằng được.
* Thứ ba lại mang tiếng là dở người! Ở ống thì dài, ở bình thì tròn, đằng này cứ ngang cành bứa thì ai mà chịu được, rõ thật vừa thiệt đơn, lại vừa thiệt kép.
Các đơn vị thi công anh theo dõi thì không ưa anh ra mặt. Nhiều hôm làm việc xong, đến bữa không có cơm ăn, anh đành ra chợ mua bánh đa ăn trừ bữa. Lại có lần kiểm tra dưới hố móng sâu, anh đã bị cả xẻng bùn hắt vào cổ, vào lưng lấm hết.
Lúc ấy anh chỉ cười nói:
- Người bị kiểm tra bao giờ cũng có thái độ không ưa người kiểm tra. Qua thái độ của đơn vị thi công, tôi biết tôi đã làm việc tốt.
Với anh, sắt bị gỉ không cho buộc, cát đá bẩn không được trộn bê-tông. Có một lần kiểm tra cốp-pha thấy không đạt yêu cầu kỹ thuật, anh đã ký biên bản đình chỉ thi công. Việc này làm  cho thủ trưởng đơn vị thi công kia dỗ ngọt không xong đã nổi khùng lên định đánh anh.
Anh đã chẳng sợ thì chớ, lại trừng mắt lên mắng lại:
- Này tôi nói để anh biết, anh đừng có doạ tôi, trong từ điển của tôi không có từ “sợ” đâu. Còn nếu muốn đánh, xin cứ việc, nhưng cũng báo để anh biết, tôi không chịu nổi nửa quả đấm của cái loại vũ phu như anh đâu. Tôi có thể chết ngay lập tức.
Câu nói bất ngờ rất thực mà lại như đùa của anh, đã làm cho anh chàng vũ phu kia phải chùn tay và hoảng sợ thực sự, bởi vì quả thực Ngát rất yếu đuối, cơm tập thể không ăn hết nửa xuất, mùa hè vẫn áo ấm, động vào anh rất có thể anh lăn đùng ra chết thật chứ chẳng chơi.
Sau này câu chuyện ấy đã thành chuyện cửa miệng của rất nhiều người. Và thế là lại tồn tại một nghịch lý nữa - Cái con người trói gà không chặt đó đã làm cho nhiều đơn vị thi công phải kiêng nể theo đúng nghĩa của từ đó. Họ đã phải thì thào với nhau là nếu ông Ngát theo rõi công trình nào thì phải làm ăn cho tử tế. Số bác già đứng đắn thì quý anh ra mặt, thường tấm tắc với nhau:
- Thế mới là đàn ông chứ !
Còn bọn choai choai hăng máu vịt, động một chút là có thể đánh nhau chí mạng, tự nhiên thấy ngượng, họ bảo nhau:
- Thì cứ xem đấy, ông Ngát có đánh nổi ai một cái bạt tai bao giờ đâu, sao lại có nhiều người nể sợ đến thế.
Họ hay nhại vui lại anh sau khi đã biến tấu đi:
- Mày có giỏi, mày đánh tao đi! Từ bé chưa đứa nào sợ tao cả!
- Cứ đánh thử xem! Tao sẽ nhừ xương với mày!
Ngát trở thành người vừa thân quen, vừa lạ lẫm, họ vừa thừa nhận anh lại vừa như chưa dám. Chuyện về anh vừa thật, vừa bịa, cứ loang rộng mãi ra. Cuối cùng đến tai một cô giáo cấp ba cùng huyện. Cũng thật ngẫu nhiên, trường cô dạy lại gần cạnh công trường Ngát đang làm việc.
Và rồi một hôm cô dẫn học trò đi tham quan công trường, họ đã gặp nhau ở đó. Cô nhìn anh thật ngỡ ngàng với cái thân hình cao gày, đôi mắt to mầu nâu trung thực và cặp môi hồng như thoa son. Người ta có cảm giác như Ngát là một cô gái cải trang. Song đặc biệt nhất vẫn là cái dáng vẻ lúng túng của một học sinh không thuộc bài đứng trước cô giáo nghiêm khắc. Anh cứ lắp ba lắp bắp trả lời từng câu cô hỏi. Song thật lạ, điều đó lại hấp dẫn cô. Rồi khi đã thân mật, cô mới hỏi đùa anh:
- Em có nghe người ta nói rằng trong tự điển của anh không có từ “sợ” cơ mà! Sao gặp em, anh cứ không được tự nhiên.
- Đúng là như thế! Ngát thừa nhận - Nhưng từ lúc gặp em thì tự điển của anh có lẽ phải bổ xung thêm từ nữa, đó là từ “run run”.
- Sao lại thế. Cô gái ngỡ ngàng hỏi.
- “Run run” chưa hẳn đã là sợ, anh giải thích, khi hồi hộp sung sướng quá người ta cũng “run run”, mà khi gặp em, anh thấy cứ “run run”.
Thế là họ cười rộ lên, từ đó họ thực sự thông cảm và si mê nhau.
Và thật lạ, một cô giáo cấp ba trẻ đẹp nhất huyện lại yêu ngay anh chàng “hâm cu-đơ”. Điều đó làm cho nhiều người cảm thấy không ổn. Người cảm thấy không ổn nhất lại là anh trưởng phòng Giáo dục huyện, thủ trưởng trực tiếp của cô giáo. Anh cao lớn, đẹp đẽ và điều đáng nói hơn cả là anh vừa có địa vị, lại vừa là con trai độc nhất của ông Giám đốc sở Giáo dục tỉnh nhà. Nhớ lúc cô mới về huyện nhận công tác thì tức khắc cô đã lọt vào “thấu kính đặc biệt” của anh. Cô đã được anh săn đón, chăm sóc tận tình chu đáo. Đâu đâu trên phòng, dưới ban cũng được anh bắn tin là hai người đã đính ước cùng nhau, chỉ đợi hai gia đình cho phép, sắp xếp là họ tổ chức cưới. Thế mà bỗng dưng cô lại dở chứng đi lại với Ngát. Mà nào chỉ có chuyện đi lại, người ta còn xì xào bao chuyện kinh khủng khác, làm cho anh Trưởng phòng kia cứ sủi lên sùng sục. Còn với Ngát thì ngược lại, cứ tỉnh bơ như anh chẳng có liên quan gì tới chuyện đó. Đã có lần cô lo lắng nói lại với anh, thì anh chỉ thản nhiên trả lời:
- Đừng sợ, kệ thiên hạ đồn đại. Người ta có thể dấu mọi cái, trừ cái bụng! Thế em có to bụng thật không mà sợ ?
Cô đã phát khóc lên khi nghe anh nói như vậy.
Rồi đến lúc bà trưởng ban nữ công của cơ quan không thể kiên nhẫn thêm nữa đã cho gọi anh lên góp ý và yêu cầu anh báo cáo về chuyện riêng của mình, thì Ngát thủng thẳng nói:
- Tôi là đoàn viên công đoàn và đoàn viên thanh niên, trong cả hai đoàn thể ấy, điều lệ không thấy nói là phải báo cáo với tổ chức về chuyện yêu đương, tìm hiểu nhau.
- Ừ, cứ cho là như thế! Nhưng tại sao anh không tranh thủ sự giúp đỡ của chúng tôi.
- Báo cáo với chị chúng tôi đang trong thời kỳ hôn hít, sờ mó nhau, chị có kinh nghiệm gì xin chỉ bảo.
- Này đồ ba láp, đồ gàn dở! Tôi nói để anh biết - chị kia bực tức đứng phắt dậy như “ngồi phải cọc” - người ta còn báo cáo cho tôi nhiều chuyện đi quá cái anh vừa nói kia!
- Thế đấy! Chuyện gì vậy, thế họ nhìn thấy hay nghe thấy? Họ là ai?
- Họ là ai không quan trọng. Nhưng không có lửa, sao có khói! Chị này khẳng định.
- Chị có thấy cái ống khói nhà máy Xi-măng tuôn khói ra ngào ngạt kia không? Ở đấy làm gì có lửa. Nói cho đúng, đấy cũng chẳng phải là khói đâu mà là bụi bẩn đấy. Hay là chị nghe lầm?
- Tôi mà lại lầm à? Chị này bực tức.
- Thế chị nhìn thấy à? Sao chị không lập biên bản?
Ở vào thời kỳ ấy, nếu đôi trai gái nào dại dột mà làm tình bất hợp pháp thì rầy rà to.
- Không phải tôi, mà là người khác.
- Ai vậy?
- Tôi không phải nói cho anh biết.
- Thế thì thế này. Tôi sẽ làm đơn khiếu nại lên cấp trên kiện chị về tội vu khống và cố ý bôi nhọ danh dự công dân.
- Không phải tôi!
- Tôi không thấy ai nói về việc này ngoài chị. Và chị khẳng định là chuyện đó có thật, lại không nói được ai tung tin, thế thì chả chị thì còn ai vào đây nữa!?
- Không phải tôi mà là cái Thắm nó nói.
- Thế thì chị phải gọi cô Thắm lên gặp tôi.
Vậy là cái tin kia từ cô Thắm sang cô Hương, rồi cô Hà, cô Thảo...Cô này bảo là nghe cô kia nói, chẳng ai dám nhận mình là người biết hoặc người nói đầu tiên cả.
Đến khi việc này được kết luận chỉ là chuyện suy diễn, đồn đại thì Ngát hạ một câu chủng chẳng.
- Các cô đúng là bầy vịt cái!
Những người dính đến chuyện này nghe cứ ức lên tận cổ, nhưng chẳng làm gì được mà chỉ lủng bủng:
- Đồ gàn, đồ hấp!
Nhưng vì Ngát “sinh ra dưới một ngôi sao xấu” như anh ta thường nói, nên chuyện này chưa qua, đã gặp ngay chuyện khác, mà toàn là chuyện không đâu.
Một hôm đi làm qua phòng trưởng ban, Ngát thấy có một cái bảng mới sơn rất đẹp, trên kẻ một bài thơ cũng bằng sơn cẩn thận. Anh đứng lại chăm chú đọc trên cái bảng rất đẹp và trang trọng ấy có một bài thơ như sau:
   “Lưu manh là kẻ rất lười,
         Chúng lười lao động, không lười ăn ngon.
    Bà con ta tỉnh táo hơn,
                    Đề cao, cảnh giác, ta thời tiến lên!”             
Anh xem đi, xem lại rồi không ngờ hạ một câu thật tục, và cũng thật không may ông trưởng ban lại đứng ngay sau đó.
Khoảng một tiếng sau, anh được gọi lên phòng làm việc của trưởng ban.
Anh em thì đoán già, đoán non:
- Kỳ này ông Ngát chắc chắc được đi bổ túc nghiệp vụ tại Liên-Xô, vì mọi người vừa được trên phổ biến là có hai chỉ tiêu đi nước ngoài mà bộ vừa thông báo cho ban. Hôm ấy lại đúng kỳ lương, thế là anh em lấy phăng lương của Ngát mua chè thuốc, kẹo bánh ở căng-tin để liên hoan. Anh em cử cậu Thiết đi nghe ngóng. Đến khi Thiết về thuật lại, mọi người mới vỡ lẽ:
 - Ông Ngát nhà mình vừa bước vào phòng, thì em thấy trưởng ban đứng dậy bắt tay - Thiết vừa kể vừa làm điệu bộ - Em đứng ngoài sướng quá suýt nữa thì nhảy xổ vào. Em thấy trưởng ban tráng ấm pha chè, lại rút cả thuốc lá ra mời nữa chứ. Khi hai người ngồi xuống, trưởng ban mới hỏi ông Ngát nhà mình :
- Anh có nhớ lúc nãy đã nói gì ở ngoài kia không?
- Anh bảo sao cơ ạ? Ông Ngát ngơ ngác.
- Ở ngoài chỗ cái bảng kẻ bài thơ cảnh giác ấy!
- Không, tôi không nói gì cả.
- Có, anh có nói! Trưởng ban khẳng định.
- Vậy à? Tôi không nhớ xin anh nhắc lại cho.
- Anh không nhớ thật à? Để tôi nhắc lại cho anh nghe vậy, anh đã nói: “Thơ với chả thẩn, như cái con đầu b...” Anh nhớ rồi chứ! Trưởng ban đắc ý dồn.
- Vậy à, có thể tôi đã nói như thế. Ông Ngát công nhận.
- Thế mà sao anh lại không nhớ?
- Nhớ làm gì một câu cửa miệng vu vơ. Tôi rất dốt về thơ, nhưng tôi nói thật bài thơ ấy quá dở, không nên phí một cái bảng, phí sơn, phí công vào đó mà lại chẳng có tác dụng gì.
- Anh có biết ai làm bài thơ đó không?
- Tôi mong rằng đó không phải là thơ của anh.
- Đúng, tôi không làm bài thơ đó, nhưng tham mưu của tôi làm. Anh Dương Trưởng phòng Pháp chế.
- Thế à, nhưng dù ai làm thì đó cũng không phải là bài thơ có thể đọc được.
Em thấy trưởng ban đứng dậy và bắt đầu cao giọng - Thiết kể tiếp:
- Các anh chỉ giỏn mồm chê bai, các anh có biết khi chúng tôi, những người lao động, phải cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận, để cho các anh lê đít trên ghế nhà trường mà học hành. Bây giờ có chút kiến thức, các anh lại coi thường những người lao động, ít học chúng tôi. Anh phải xem lại lập trường giai cấp của mình và hãy về làm một bản kiểm điểm trình lên Ban!
- Có lẽ ... tôi có lỗi vì đã văng tục - ông Ngát ấp úng nói - nhưng mong anh đừng bắt tôi làm kiểm điểm. Tôi không cố ý .
- Đây là vấn đề quan điểm lập trường. Tôi yêu cầu anh phải làm kiểm điểm về ý thức giai cấp .
- Sao anh lại áp đặt thế? Ông Ngát bắt đầu nóng tai.
- Anh bảo ai áp đặt! Trưỏng ban quát lên. Anh hãy về làm kiểm điểm ngay!
Ai ngờ ông Ngát cũng đứng lên trước mặt trưởng ban nói dằn giọng:
- Này thế lập trường của các anh là coi trọng kẻ vô học và căm ghét người có học sao? Ta ca ngợi cụ Nguyễn Du vì cụ làm truyện Kiều hay chứ đâu phải vì cụ là thày đồ hoặc vì là người xứ Nghệ. Nếu cho rằng người lao động tất nhiên là dở và chẳng có thể làm cái gì hay được, thì đấy mới chính là coi thường người lao động. Anh ạ, các cụ có dạy “Hay thì khen, hèn phải chê” có thế mới tốt dần lên được. Nếu bất kỳ cái gì của các anh tạo ra, ai cũng cứ phải tấm tắc khen nịnh thì thật là đáng buồn. Tôi không coi thường người lao động, nhưng tôi không thể khen cái gì xấu, cái gì dở, dù là của người lao động làm ra. Tôi lại càng coi thường cái gì dở, cái gì dốt mà cứ làm ra bộ hay ho. Ai lại đi “tự hào về sự nghèo khổ và dốt nát” bao giờ. Tôi nghĩ người phải kiểm điểm lại lập trường giai cấp chính là anh chứ không phải tôi.
- Tôi, tôi phải kiểm điểm? Trưởng ban ngơ ngác.
- Vâng, chính anh, mà về ngay cái lập trường giai cấp mà anh vừa nói ấy. Lại nữa tôi xin nói thêm, anh đừng kể công là đã đi đánh nhau để dành độc lập, tự do cho mọi người và để cho chúng tôi được học hành. Người ta có thể tìm thấy độc lập, tự do ở một hoang đảo giữa những con thú rừng. Anh đi chiến đấu, tôi đi học đều có thể đóng góp phần của mình cho đất nước. Để đánh giá chúng ta một cách khách quan hơn thì nên dành cho đời sau họ làm. Chưa chắc anh đã có công hơn tôi đâu, ông Trưởng Ban ạ. Nói xong ông Ngát vỗ vào vai Trưởng Ban một cái rồi bước ra.
Còn lại một mình giữa phòng, Trưởng Ban phủi tay kết luận:
- Thằng gàn này có nói cũng phí lời!
Việc này qua đi chưa hết dư âm, thì nửa tháng sau, Ngát lại vấp với ông Dương tác giả bài thơ cảnh giác. Sự việc thực ra chẳng có gì đáng nói cả, song ở đời đã “không ưa thì dưa có giòi”.
Chả là cơ quan có chở mấy ngàn gạch về để xây bếp tập thể, không may gặp phải tháng mưa dầm, đường lại xấu nên tay lái xe đổ ào gạch xuống đầu dốc. Cái dốc này là ngõ chung của bốn, năm cơ quan liên ngành, liên bộ và có đến hàng trăm hộ tập thể. Hơn tháng sau trời mới ngớt mưa và thợ xây mới khởi công được. Khi gom gạch lại thì chỉ còn già nửa. Thế là không đủ gạch để xây, việc phải báo cáo với lãnh đạo. Chỉ huy cho họp tham mưu để kiểm điểm và sau khi bàn bạc, ông Dương được chỉ định thành lập một tổ gồm Đảng, Chính, Công, Thanh, thêm cả Công an khu vực và Tổ dân phòng đi từng nhà kiểm tra, lập biên bản thu hồi gạch.
Những người trót lấy ít gạch thì lo lắng ra mặt. Tay Thứ đã phải “phân trần quyền”, đón rước niềm nở mà vẫn bị lập biên bản vì đã có lấy hai chục viên gạch sửa bể nước. Tay Bình láu cá hơn đã giấu gạch lấy trộm lên liếp trần nhà rồi đóng cửa giả vờ cả nhà đi chơi mới thoát. Tổ kiểm tra đi được vài nhà thì đến chỗ Ngát, đúng lúc Ngát đang xoay trần sửa xe cho cô giáo, tay chân còn lọ lem dầu mỡ. Khanh là bạn thân của Ngát trong đoàn kiểm tra nửa đùa, nửa thật gọi cửa:
- Ê, Ngát mở cửa để đoàn vào kiểm tra.
- Kiểm tra gì thế mày?
- Kiểm tra xem có lấy gạch không.
- Gạch nào? Mà tao lấy làm gì!
- Thôi cứ mở cửa ra để xem đã.
Ngát mở cửa và thấy cả một đoàn người đứng ngay trước cửa. Bấy giờ ông Dương mới trịnh trọng lên tiếng:
- Tôi thừa lệnh của Lãnh đạo Ban, lập tổ kiểm tra, đi kiểm tra xem ai lấy gạch công làm việc riêng không?  Anh cho chúng tôi vào kiểm tra trong nhà.
- Này có phải cái đống gạch đổ ở đầu dốc hàng tháng nay, không ai cai quản, bị mất bây giờ các anh đi kiểm tra chứ gì?
- Đúng thế. Ông Dương xác nhận ngay.
- Lệnh khám nhà của anh đâu?
- Cần gì lệnh khám nhà! Đây là nhà tập thể, còn các anh là cán bộ, công nhân viên của nhà nước.
- Anh là Trưởng phòng Pháp chế mà anh nói chẳng có tý luật pháp nào. Cán bộ, công nhân viên không phải là công dân sao? Tôi xin hỏi anh đưa về mấy nghìn gạch, sáu ngàn viên à, bây giờ còn bao nhiêu? Hơn ba ngàn thôi sao. Khi đổ xuống đầu dốc ai nhận gạch? Không ai à, vậy thì anh ra đầu dốc mà hỏi mấy cái cọc chứ sao lại vào đây! Vận chuyển hơn nửa vạn gạch từ Giếng Đáy đường xa trăm cây số, về đổ ào xuống đầu dốc không ai nhận thì sao biết xe chở về đó mấy ngàn viên. Đã mấy tháng nay mới đi thu  nhặt. Anh có biết ở đây có đến bốn năm cơ quan, gồm hơn trăm hộ tập thể, mỗi người chỉ cần nhặt vài viên kê hòm, kê chạn, thì đã là bao nhiêu gạch rồi không? Các anh ngần này con người mà không có một người nào đủ trí khôn để ngăn một việc làm vừa ngớ ngẩn, vừa phạm pháp như thế hay sao? Vì vô trách nhiệm để mất ít gạch mà các anh coi chúng tôi đều là quân ăn cắp à? Có séo ngay đi không hả đồ đểu!
Mấy vị đứng sau tháo lui ngay, họ thì thầm với nhau là thôi đừng có đụng vào “gã gàn dở” này thêm rách việc, vả lại hắn ở một mình, ăn tập thể thì lấy gạch làm gì. Song ông Dương thì bực lắm, hôm nọ là bài thơ cảnh giác của ông, Ngát đã làm cho không dám treo lên nữa. Hôm nay lại cái việc gạch ngói này.
Ông thấy bẽ mặt với mọi người và thấy cần phải nâng cao quan điểm:
- Anh dám chống lại lệnh của lãnh đạo, chống lại luật pháp phỏng? Anh định phá hoại sản xuất à?
- Này anh hãy về ngủ một giấc cho khoẻ, rồi ta hãy nói chuyện một cách tỉnh táo. Tôi chả dại gì chống lại luật pháp, tôi cũng không chống lại anh đâu, mặc dù tôi coi anh chẳng ra gì. Song anh cũng phải biết rằng anh đâu phải là luật pháp. Còn lãnh đạo ra lệnh cái gì đúng, cái gì phải ta ủng hộ, cái gì dở, cái gì sai ta phải can ngăn, thế mới là tham mưu, chứ cái gì cũng gật thì chỉ là “tham ăn” thôi, anh có hiểu không?
Đoàn kiểm tra bỏ nhà Ngát sang đến nhà Dư thì bị phản ứng dữ dội hơn, không chỉ bằng lời nói, mà bằng cả một thùng nước gạo hắt ra kèm thêm “một hồi chửi rất dân dã”.
Họ kéo nhau ra bể nước công cộng thì giải tán, vì chẳng ai đủ gan đi tiếp nữa và vì quần áo họ bị nước gạo chua vấy bẩn hôi hám quá rồi.
Sau đó khoảng trên dưới một năm Ngát và Băng tổ chức lễ thành hôn. Đám cưới thật đông vui. Hầu hết những người tới dự là do quý mến Ngát, số còn lại do tò mò. Quang cảnh diễn ra thật vui vẻ, thậm chí không đủ chỗ cho mọi người ngồi, trẻ em bám quanh các cửa sổ. Nhưng gần tàn hôn lễ mọi người đã phải thót tim chứng kiến cảnh anh Trưởng phòng giáo dục huyện gây gổ với Ngát.
Anh to cao, đẹp đẽ, diện rất sang, đứng ngang tàng trước một khung cửa, hất hàm hỏi Ngát:
- Này anh có biết tôi và Băng yêu nhau không?
- Thế à? Tôi tưởng chỉ có mình anh mê cô ấy.
- Chúng tôi yêu nhau và đã từng là của nhau.
- Thế cơ đấy!
- Và anh nên biết điều ấy xảy ra không phải chỉ có một lần.
- Thế rồi sao?
- Anh có phải là một thằng đàn ông không hả, đồ hấp?
- Sao lại không? Anh không tin à, vào buồng tôi cho xem.
- Mày là một thằng ngu, một thằng hèn! Nghe như vậy mà mày không có ý kiến gì sao? Anh ta cáu quá trước sự tỉnh bơ của Ngát.
- Anh là trưởng phòng giáo dục, mà ăn nói rất vô giáo dục. Tôi lại cứ tưởng vì hậm hực anh tới đây chỉ có mỗi mục đích là uống rượu để nuốt giận. Còn bây giờ anh muốn nghe ý kiến của tôi thì hãy nghe cho rõ đây này:
* Thứ nhất, tôi không cho phép ai lăng nhục tôi, nhưng vì hôm nay là ngày vui nên tôi bỏ qua cho anh.
* Thứ hai Băng là một cô gái đã trưởng thành, lại có trình độ. Trước lúc gặp tôi, tất nhiên cô ấy đã gặp và quen nhiều người đàn ông khác. Yêu nhau đâu phải là cái tội.  Có thể cô ấy đã yêu hàng chục người, trong đó cũng có thể có anh. Khi yêu nhau người ta thể hiện tình cảm bằng nhiều cách, kể cả ngủ với nhau. Nhưng sau khi đã chọn lựa rồi, đi tới hôn nhân thì người ta sẽ biết cách giữ cho nhau, thuộc về nhau, anh có hiểu không? Ý kiến sau cùng của tôi là kẻ nào dám xúc phạm vợ tôi, tôi sẽ không tha.
- Không tha thì mày làm được gì hả? Cái thứ trói gà không chặt mà cũng bốc phét. Anh kia vênh vênh đi quanh Ngát một vòng.
- Anh quả thực chỉ có cái mẽ bề ngoài. Vũ dũng như Lã Bố một mình địch được với ba anh hùng cái thế là Lưu, Quan, Trương mà bị một tiểu thư liễu yếu đào tơ là Điêu Thuyền trói lại. Cái loại người như anh mà cũng cho là mình mạnh lắm sao?
- Mày là một thằng chó chết! Rồi anh ta giơ tay định tát vào mặt Ngát.
Đến đấy người ta thấy Ngát hắt toẹt cả cốc rượu đang cầm trên tay vào mặt anh Trưởng phòng nọ. Khi anh ta mở được mắt ra và định xông vào Ngát thì cậu Lẫm thợ lặn, to lớn như hộ pháp, còn rất trẻ nhưng lại để bộ râu đen rậm như Trương Phi đứng chen vào giữa hai người, ưỡn bộ ngực lực sĩ vào mặt anh Trưởng phòng Giáo dục, rút khăn mùi-soa chấm chấm những giọt rượu trên mặt anh ta, rồi chậm chạp gấp chiếc khăn cất vào túi áo ngực. Lẫm một tay quàng qua cổ, một tay đưa cốc rượu đầy vào miệng anh chàng nọ. Anh ta cố dẫy dụa, nhưng không làm sao thoát ra được. Khi “cốc rượu bất đắc dĩ” đã cạn và khi Lẫm buông cánh tay nặng nề ra khỏi cổ anh kia, cầm cái cốc không lên ngắm nghía như xem một vật lạ, thì anh ta lùi lũi bước ra khỏi phòng giữa tiếng cười rộ lên của mọi người.
Tất nhiên sau đó cô giáo mất việc “trở thành mất dạy” như Ngát thường nói vui. Đôi vợ chồng trẻ phải đùm bọc nhau với bao khó khăn, không nhà cửa, không hộ khẩu, không tem phiếu.  Mỗi khi kẻng tan tầm, họ kê hai cái bàn làm việc lại, che ri-đô làm buồng hạnh phúc, và sáng tinh mơ hôm sau phải trở dậy thật sớm để kê lại bàn ghế. Và đến lúc bụng vợ to bằng cái trống cái, Ngát đành đưa vợ rời phòng làm việc đến trú tạm ở Tam quan một ngôi chùa gần đó, mà sư cụ trụ trì dù rất thương cũng không thể để họ vào Nội điện được. Cái mái Tam quan chỉ vỏn vẹn có gần ba mét vuông ấy phải dùng liếp che trước, chắn sau mà vẫn trống tuềnh, trống toàng, dột hắt tứ tung, có lẽ đã được bàn tay của Đức Từ bi che chở nên nó vẫn thành mái ấm của một gia đình hạnh phúc, vẫn thường vang lên tiếng cười và tiếng trẻ bi bô tập nói.
Khoảng hơn năm sau đó cơ quan Ngát có cất dăm gian nhà tranh nhỏ để cấp cho cán bộ, công nhân viên chưa có chỗ ở. Ngát cũng có tên trong danh sách được xét, nhưng vì chỉ có mình anh làm việc ở Ban, lại vì chẳng chịu thăm nom Trưởng Ban luôn, nên anh chỉ được xếp vào loại xét vớt. Cuối cùng chỉ còn một gian nhà mà có đến ba người sót lại. Lúc công đoàn đưa ra cọ xát, thì Ngát tự nguyện rút. Theo anh, cô Ngân cấp dưỡng có con ngoài giá thú đang ở trong một ngách bếp tập thể rất mất vệ sinh, còn anh Minh công nhân khảo sát mang bố ốm từ quê lên chăm nuôi phải nhường bố nằm giường, anh nằm đất đều là những trường hợp cần xếp trước.
Thế là hơn mười năm công tác lần đầu anh được xét phân nhà thì lại nhường cho người khác.
Được tin ấy Băng đã khóc mà nói với anh rằng:
- Nhiều người bảo anh là gàn, là hấp, nhưng với em, anh là một người đàn ông tuyệt diệu nhất.
Ngát đã ôm lấy vợ vỗ về mà nói với cô rằng:
- Tưởng chỉ có mình anh gàn, nào ngờ em cũng dở.
- Có thế mới xứng đôi chứ, chàng gàn của em ạ.

                                                              Hà Nội, 1995.  
                                        
Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét