tháng 9 23, 2014

Cái áo

Ngày nào cũng thế, hai mẹ con nhà chị cũng phải dậy rất sớm để đón chợ rau họp từ tờ mờ đất trên cái ngã tư chợ Mơ này. Cái lệ đã có từ bao giờ thì cũng chẳng ai nhớ, chỉ biết nếu cứ rõ mặt người thì chỉ còn ra mà quét chợ, bởi ngã tư này là một cửa ngõ giao thông của cả một vùng, người và xe cộ rất đông. Còn vào trong chợ ư? Trong chợ đã có hàng lối nghiêm chỉnh cả rồi, mà lại toàn là hàng hóa có giá trị chứ rau cỏ thì làm sao có vị trí trong chợ được cơ chứ, vì thế cứ nửa đêm mẹ phải dậy trước chuẩn bị xong xuôi một lúc mới gọi con. Dù đã quá quen thế mà sáng nào bị gọi dậy con bé cũng cứ phải dựng lên, đổ xuống dăm lần mới mở mắt ra được, vì nói ra thật tội nghiệp, nó mới mười ba tuổi đầu, cái tuổi “ăn không no, lo chưa tới” còn ham chơi chắt, chơi chuyền.
Cha nó bị tai nạn chết khi nó mới tròn năm tuổi, hình ảnh còn lại trong trí nhớ thơ dại của nó thì cha nó là một người đàn ông dong dỏng, gầy gò, đen đủi nhưng khỏe mạnh, rất thương yêu vợ con, đặc biệt là nó, vì mỗi khi đi làm về thế nào bố cũng “tiên” nó lên vai đi mua cái bánh đa đầy vừng ở đầu ngõ, món quà rẻ tiền mà nó thích nhất. 
Bố nó chết đi, hai mẹ con không nơi nương tựa, tất cả nhọc nhằn còn lại trong cuộc đời đều dồn vào đôi vai nhỏ yếu của mẹ nó. Làm quần quật từ nửa đêm đến tối mịt, bơ phờ, rời rạc ra cũng chỉ đủ cho mẹ con nó chi những khoản tối thiểu, bởi vì ngoài ăn tiêu ra lại còn tiền học hành, may vá, thôi thì cứ giật gấu vá vai chứ biết làm sao được. Có lẽ cũng do thế mà mẹ con nó rất thương nhau.
Nhưng như người ta đã nói “họa vô đơn chí” tai họa chẳng đến một mình bao giờ, có lẽ số con bé đã khổ lại càng khổ hơn khi mà mẹ nó trong một lần làm việc đã không may bị cả một cái rầm gỗ rơi trúng lưng gẫy xương sống. Biết chẳng thể sống được, khi hấp hối người mẹ nắm bàn tay con dặn dò:
- Mẹ chẳng may bị thế này, không còn được sống với con nữa.  Mẹ chết đi, một thân trên cõi đời này con biết nương dựa vào đâu, thật tội nghiệp cho con! Khi mẹ chết, con hãy giữ lại cái áo của mẹ mà mặc, nó còn lành lặn hơn cái áo của con và như thế là mẹ sẽ luôn được ở cạnh để chăm nom và phù hộ cho con.
Thế rồi người mẹ chết mà bàn tay vẫn nắm chặt tay đứa con gái nhỏ. Tiếng thét như xé ruột của con bé đã làm bao người chứng kiến không cầm được nước mắt. Khi nhập quan nó nhất định không lấy lại cái áo của mẹ đang mặc, dù ai nói thế nào đi nữa.
Lúc hạ huyệt, bỗng một cơn cuồng phong nổi lên dữ dội, bụi cát mù trời, lúc lâu sau khi quang quẻ trở lại, thì lạ thay cái áo của mẹ lại trùm lên trên đỉnh đầu nó lúc nào không rõ. Nó đã lăn khóc nhất định đòi chôn cái áo của mẹ xuống mồ. Sau bao lời can gián và kèm cả dọa dẫm “kiểu thần linh bí hiểm” của nhiều người, nó mới chịu mang chiếc áo của mẹ về.
Nhưng cũng từ ngày đó, con bé chẳng những không còn được đi học, mà đến cơm ăn cũng chỉ bữa no, bữa đói dù những người quen biết mẹ con nhà nó có muốn chia sẻ bao nhiêu đi nữa.
***
Cứ thế ngày tháng trôi đi, cô bé đã lớn lên nhiều, nhưng do cái áo của mẹ để lại vẫn còn quá rộng và lại còn vì nó quá thiêng liêng với cô bé nữa, nên cô gấp lại đêm đêm nằm ngủ ôm cái áo vào lòng, cảm thấy vô cùng ấm áp, mùi mồ hôi quen thuộc của mẹ phảng phất ru cô vào giấc ngủ êm đềm và dường như thấy như mẹ vẫn quanh quất ở đâu đây.
Trong cực khổ cô bé vẫn cứ dần lớn lên và trở thành một cô gái xinh đẹp.
Lần nào ra thăm mộ mẹ, cô cũng mang theo cái áo của mẹ. Một lần như thế, trời bỗng nổi cơn giông lớn cuốn đi mất cái áo. Cô quanh quẩn tìm mãi không thấy, đến tối chợt cô thấy mẹ hiện ra, đang đứng nhìn mình âu yếm. Sung sướng cô xô vào ôm chầm lấy mẹ, hai mẹ con nức nở, kể lể bao nỗi nhớ thương khi xa cách. Thế rồi họ dắt nhau về ngôi nhà cũ thân thuộc, nhưng cứ  gà gáy canh năm thì bà mẹ lại vội vã ra đi, tối nhọ mặt người mới trở lại, cứ thế nhiều năm họ sống bên nhau những ngày thật hạnh phúc.
Mãi đến khi cô gái đi lấy chồng, bà mẹ mới thôi không về nữa.

                                                                Hà Nội, 2003.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét