tháng 3 23, 2018

Phong Lan


Hoa Đỗ Quyên phấn hồng


Sau tắm


Nhà tôi

Nhà tôi, nơi tôi sinh ra lớn lên và gắn bó từ nhỏ, lớn lên, đi học tại trường Phổ thông Trung học Ngô Quyền. Đến năm 1961 mới rời nhà lên Hà Nội học.
Địa chỉ thường gọi là số 14 ngõ Đền Đống Đóm, Thượng Lý quận Hồng Bàng Hải Phòng.
Nhà tôi là gian đầu tiên (sát với Cầu Xi Măng) trong sáu gian nhà mà ông chủ là cụ Cửu Lạc xây dựng từ những năm 1940 để ở và để bán. Sáu gian nhà này đều hướng ra phía sông đào Hạ Lý (phía Đông).
Chủ các gian nhà là: (kể từ gian đầu tiên)
         A-  Cụ Trần Hữu Quý (Bố tôi).
         B-  Cụ Lũy.
         C-  Cụ Lạc (tức cụ Cửu Lạc, chủ của cả dãy nhà).
         D-  Cụ Quý (bố đẻ Nguyễn Văn Hữu: bạn học).
         E-  Cụ Hạ.
         F-  Cụ Dư (mẹ đẻ Cục trưởng Cục Xăng dầu Trương Thao) 
Từ xóm 6 nhà này ra đường lớn có 2 lối:
1- Lối đi thứ nhất: Men theo tường ngăn do nhà máy Xi Măng xây ra đường Vạn Kiếp, mặt đường cạnh đó là Đền Đống Đóm (vì thế mới gọi là ngõ Đền Đống Đóm), bên cạnh nhà ông Cai Sính (bố Phùng Văn Viên, bạn học cùng lớp).
2- Lối đi thứ hai: Đi xuyên qua một lối nhỏ khoảng 10 mét là tới cạnh cầu Xi Măng, mà bây giờ gọi là Cầu Thượng Lý (đoạn vuốt dốc của đường lên cầu).
Sau trận ném bom vào Hải Phòng và Nhà máy Xi Măng của Mỹ năm 1972, xóm sáu nhà trong Ngõ Đền Đống Đóm bị san bằng.
Tôi về kịp đón bố mẹ lên sơ tán, nếu không cha mẹ tôi cũng bị bom Mỹ ném chết rồi.
Đến 1992 UBND Thành phố Hải Phòng có chủ trương mở rộng nút đầu cầu Xi Măng với các Quyết định số: 475 - QĐ/UB Ký ngày 24 tháng 03 năm 1992 và số: 735 - QĐ/UB Ký ngày: 22 tháng 06 năm 1992
Nhân cơ hội này, năm 1992 Nhà Máy Xi Măng Hải Phòng đã “mượn gió bẻ măng” để chiếm đất trái phép. Họ cho xây tường bao ra ngoài khu nhà của cả xóm Ngõ Đền Đống Đóm, trong khi đó khu vực này không nằm trong dự án mở rộng nút giao thông đầu cầu Thượng Lý (phía Hà Nội).
Nhà tôi (lô đất D-15 – 153) chỉ cách mép vỉa hè đường “Không tên” 5 mét (theo tài liệu xác minh ngày 17-5-2017 của Tổ xác minh Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng).
Đường “Không tên” chính là đường Hà Nội. Tại điều 3 Quyết định 475/QĐ-UB ngày 24-3-1992 của UBND thành phố Hải Phòng “Phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật xây dựng nút giao thông cầu Xi măng (phiá Hà Nội) và đường vào nhà máy xi măng Hải Phòng thì: Cắt ngang đường vào nhà máy xi măng, phần xe chạy rộng 8 mét hai bên hè mỗi bên rộng 5 mét.
Nhà tôi (thửa đất D-15 – 153) có vị trí VT1 đường Hà Nội, nằm giữa Cổng Nhà Máy Xi Măng Hải Phòng và Công ty Cổ phần Xây lắp điện Hải Phòng. (Bản đồ 1/500 do Trung Tâm Kỹ Thuật của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hải Phòng lập tháng 01/2010).
Mọi biển hiệu công khai trên đường phố, các thông tin trên mạng, các giao dịch, các chứng từ của Bưu Chính Hải Phòng và các cơ quan có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đều công nhận và liên hệ với Công Ty Xi Măng Hải Phòng là số 1 Đường Hà Nội, Công ty cổ phần xây lắp điện Hải Phòng là số 2 đường Hà Nội, thì chẳng biết vì sao ông Dương Đình Ổn, Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng và vài công chức quận lại cho nhà tôi ở trong ngõ để tính giá trị bồi thường VT2 đường Hà Nội ??
Từ năm 1993 đến nay tôi đã làm hàng mấy trăm lá đơn trình bày, đơn khiếu nại. Không cửa nào không gõ, không “Vị Bồ tát” nào là không vái. Hơn 20 năm qua tôi đã in ra hàng trăm tập hồ sơ dày như tự điển gửi khắpcác cơ quan chức năng từ Phường, Quận, Thành phố. Gửi đến các báo đài kể cả Đài Truyền hình Trung ương, Báo Cộng luận và Pháp luật. Lại cả bộ Tài Nguyên và Môi Trường, rồi cả Ban Thanh tra Trung ương Đảng đến nay mới được công nhận thửa đất D-15-153 là đất của gia đình nhà mình.
Nhưng khi tôi làm đơn xin lại đất của gia đình thì thửa đất đã được giao cho Ban Quản lý dự án khu đô thị Xi Măng. Giờ thì nó được chuyển nhượng lại cho tập đoàn VinGroup để xây dựng khu đô thị hoành tráng Vinhomes Riverside kiểu Mỹ, Pháp, Ý, Hy Lạp,.. rồi.
Thế là chỉ còn cách duy nhất là nhận đền bù theo sự áp giá của Thành phố mặc dù đó không phải là công trình phục vụ an ninh quốc phòng hoặc công trình công ích.
Năm 1940 thì khu này đúng là nằm trong ngõ, nhưng giờ đây mọi thứ đều đã thay đổi rồi.
Nếu họ vin vào cái địa chỉ gọi từ năm 1940, thì khi đền bù sao họ không lấy giá đất năm 1940 để áp giá cho nó đồng bộ, cho nó “hợp lý”!?
Hỏi các vị “trên cao, dưới thấp” tên cái ngõ ấy là gì? Hay tạm gọi nó là Ngõ Quan Liêu??? Ngõ của Nhóm Lợi Ích???    
Anh cả tôi là Liệt sỹ Trần Hạnh Phúc hy sinh tại Điện Biên Phủ từ 1954 đến nay vẫn chưa tìm được xác. Bố, mẹ tôi và bản thân tôi cũng đều có Huân, Huy chương.
Một gia đình chính sách , một gia đình có công với cách mạng, một gia đình là nạn nhân chiến tranh. Mà bị đối xử như thế sao! Thằng Mỹ phá nhà, thằng “Nhóm Lợi Ích” cướp đất.
Phải kể lể ra những điều này thật ngượng, thật xấu hổ, nhưng không nói thì ấm ức lắm, chết cũng không nhắm mắt được!


Hà Nội, 2017.

tháng 3 18, 2018

Chân dung - Cháu nội chụp


Liền chị


Ngựa đàn


Cái xe bán hàng lưu động

Cái xe đẩy trước để chở thằng Tũn đi chơi, bây giờ được dùng chở hàng hóa như thuốc lá, kẹo vừng, kẹo lạc, tăm…đi bán rong quanh ngõ xóm. Nó đã biến thành một cái xe bán hàng lưu động nhỏ bé từ nửa năm rồi.
Mới bảy, tám tuổi đầu con bé còn nhỏ quá, sức còn yếu quá, không thể bê vác cái thùng các-tông đựng hàng hóa đi rao bán trên tay được. Đành phải lấy cái xe đẩy của em làm cái xe bán hàng lưu động.
Trước đây ít tháng, hai chị em còn vô tư, trong trẻo, lấp lánh như những hạt sương mai nhấp nháy trên lá cây, ngọn cỏ, chưa hề biết lo nghĩ. Việc lớn nhất đối với hai chị em nó là hằng ngày phải chịu khó ăn uống, chịu khó học hành, chơi ngoan và vâng lời bố mẹ.
Nhưng như bị một gáo nước lạnh giội xuống đỉnh đầu. Hai chị em con bé đột nhiên không còn cả cha lẫn mẹ. Không phải cha mẹ chúng đã chết, mà là họ bỏ nhau. Cũng thật không may, chị em nó được sinh  ra đúng vào cái thời mà mọi người yêu nhau dễ dàng, lấy nhau quá dễ dàng và rồi bỏ nhau cũng thật dễ dàng.
Làm sao mà hai chị em nó hiểu được những điều rối rắm ấy và thích nghi ngay được.
Nó chỉ biết gần đây bố mẹ thường lảng tránh không ai nói với ai câu gì. Sau đó bố nó bỏ đi đâu không biết nữa. Mẹ nó buồn rầu, thường lén khóc một mình và cáu gắt vô cớ, hay quát mắng hai chị em nó, thậm chí còn đánh đòn chúng rất đau nữa. Thằng Tũn từ xưa được nuông chiều là thế giờ cũng đã phải đòn, đầu tiên nó còn ăn vạ. Nay mẹ quát là đâu vào đấy ngay. Còn nó là chị Bống, được mọi người luôn khen là học giỏi, là ngoan ngoãn mà nay cứ nhìn thấy mẹ là nó thấy sợ, thấy ngại, nói cũng không dám nó to. Đã có lần nó đã bị một cái tát trời giáng của mẹ vì cái tội nói lí nhí mãi không thành tiếng. Nhưng khi thấy mặt nó sưng tấy lên. Mẹ nó lại ôm lấy nó mà khóc, mà dỗ dành. Cả ngày đó mẹ không ăn uống gì. Sau đó cứ đi làm về nhà là lại nằm vật ra khóc rấm rứt. Tháng trước đang đi trên đường mẹ nó đã xô vào chiếc ô-tô đi ngược chiều. Người ta đưa đi cấp cứu, nằm mãi mà nay vẫn chưa về với chị em nó.
Bà ngoại phải bỏ cả nhà cửa ở quê lên chăm cháu. Nhưng bà nghèo lắm, không làm sao nuôi cháu được. Thế là chị em nó phải nghỉ học và phải đẩy cái xe hàng đi bán rong để lấy tiền đong gạo.
Cái xe có đủ các loại hàng thông dụng rẻ tiền nhưng hằng ngày cũng có đồng ra đồng vào, đong được vài lẻ gạo để bà cháu lần hồi.
Trên cái xe hàng nhỏ bé ấy có treo cả những món đồ chơi cũ của thằng Tũn. Chị đẩy xe đi trước, em lon ton chạy phía sau. Đôi lúc nó còn ngúng nguẩy vòi chị cho nghịch đồ chơi và đòi ăn cái kẹo vừng trong hộp.
    Cái xe nhỏ đi đến đâu người ta nghe thấy tiếng đồ chơi của thằng Tũn va vào nhau, tiếng rao hàng nho nhỏ của con Bống và cả tiếng líu lô của thằng bé em lũn tũn chạy theo phía sau chị nó.
Chiều nay gặp cơn mưa bất chợt, hai chị em và cái xe hàng nhỏ bé ướt cả.
Núp dưới mái hiên hai đứa trẻ đứng nép vào nhau khóc, run lên vì rét và vì lo sợ.
Nước mắt và nước mưa vẫn rơi đều đều, như đang cố muốn xóa nhòa đi hai khuôn mặt còn thơ dại và nỗi buồn đau của chúng!
Hà Nội, 2018.

Cháu nội


Hoa Loa kèn - Lis


Thiếu nữ


Ông giáo già lẩn thẩn

Sáng sáng tôi dậy từ năm rưỡi ra sân đình Hoàng Mai cạnh nhà để tập thể dục môn đi bộ. Đây là môn thể dục hợp với người già. Trước đó dăm năm tôi mới ngoài bảy mươi còn có thể chống đẩy được vài, ba chục chiếc, không chịu theo vợ ra Hồ Đền Lừ để đi bộ, bị vợ chê là lão dở hơi. 
Nhưng khi đã có tuổi, ai cũng sẽ thấm thía câu:
“Mỗi năm, mỗi tuổi nó đuổi xuân đi - Cái già xồng xộc, nó thì theo sau”.
Tôi thì lại nghĩ không phải nó chỉ đuổi xuân đi đâu, mà có khi nó còn đuổi cả cái sinh mạng nhỏ nhoi của ta đi nữa!
Sự xuống sức hằng năm nó hiện lên rất rõ ràng. Năm sau yếu hơn năm trước một cách rất rõ rệt. Tôi đành theo vợ ra đi bộ ở quanh Hồ Đền Lừ.
Ở đây mới thấy không chỉ có ta, mà có cả Tây, Tàu, Nhật Bản…cũng ra đấy đi bộ, chạy bộ khá đông và đều đặn. Bên ngoài họ cũng giống như chúng ta, nhưng nếu quan sát kỹ một chút sẽ thấy vẫn có những cái khác.
Họ lặng lẽ tập tành, cũng đi, cũng chạy nhưng không gây tiếng động ồn ào, cố không làm ảnh hưởng tới người chung quanh.
Ta thì ngược lại. Trên hai cái sân quanh hồ, có vài nhóm tập thể dục nhịp điệu. Mà đã là thể dục nhịp điệu thì ắt phải dùng loa, để hát và hò hét cho nó thành nhịp điệu. Nhóm này dùng bộ loa này, nhóm khác dùng bộ loa khác. Ai cũng cố khoe mình sành điệu hơn “bọn” bên cạnh, loa bên mình phải kêu to hơn loa “hàng xóm”. Các âm thanh choang choác, hỗn loạn chói lỗ nhĩ. Nó làm ta có cảm giác như đang ở trong một thùng rác đầy ruồi nhặng. Ầm ĩ và bức bối. Lại có cô đã luống tuổi, chắc trước ở nhà hát tuồng, chèo nào đó vừa về nghỉ vẫn còn thấy ngứa nghề, đeo bên vai một bộ loa nhỏ, vừa hát, vừa lượn lờ quanh đám người đang ngồi nghỉ để cố phô diễn lại cái giọng đã “về vườn” của mình. Tôi suýt nữa thì bị một fen(1) của cô ta “choảng” cho một trận vì cái tội đã ngứa mồm góp ý.
Gần đây khi yếu hơn nữa, vợ tôi lại “khuyên” là chỉ nên đi bộ ở sân đình cạnh nhà, đã gần lại không phải sang đường. Tránh trường hợp chẳng may có anh, chị nào đó vô ý xô vào cho một phát, lúc ấy khỏe chả thấy đâu, mà có khi phải ngồi tịt ở nhà ăn ỉa tại chỗ cũng nên!
Trên cái sân đình mỗi chiều rộng trên dưới chục mét nhưng được lát đá xẻ Ninh Bình sạch sẽ, phẳng phiu, có kê hơn chục cái ghế đá và cả ghế gra-ni-tô(2). Ở đây sáng nào cũng hiện lên cả một xã hội thu nhỏ. Trẻ có, già có, nhỡ nhỡ, nhàng nhàng cũng có. Người thì đi bộ, kẻ đánh cầu lông, có người ra chỉ ngồi thư giãn, người mang bữa sáng ra đây ăn, lại còn có cả người mang cháu nhỏ ra chăm sóc và xi ỉa.  
Ngồi cạnh tôi hôm ấy là anh Đa, khoảng trên năm mươi tuổi, làm nghề xe ôm, khỏe mạnh, mau mồm miệng, đang cố “cày” để nuôi hai đứa con đang học Đại học.
Anh Đa hay hút thuốc lá nhưng biết tôi không thích, nên đã dụi điếu thuốc trước khi đến ngồi gần nói chuyện:
-   Ông à, ông Lâm cạnh nhà ông, có lẽ cũng ngang với tuổi ông, ông nhỉ?
-   Ông Lâm bảy nhăm, thua tôi bốn tuổi.
-   Ông à, cháu thấy ông ấy lẩn thẩn thế nào ấy?!
-   Sao anh lại nói thế?
-   Con cái nhà cửa khang trang, giàu có nhất nhì vùng này mà ông ấy cứ tha thẩn nhặt nhạnh mấy cái chai nhựa, mấy cái bếp than tổ ong cũ người ta đã bỏ đi.
-   Thấy mấy người vứt bừa ra lối đi, ông ấy nhặt xếp gọn lại cho mấy anh, chị dọn vệ sinh dễ nhặt.
-   Thế mà cháu cứ tưởng. Nhưng hôm nọ nói chuyện với ông ấy thì thấy ông ấy lẩm bẩm cái gì ấy!
-   Anh thấy ông ấy nói gì?!
-   Đang nói chuyện với cháu về giá sinh hoạt thì ông ấy lại thì thầm như đang nói với ai: - “Ở dưới ấy có lạnh lắm không, bố gửi thêm cái chăn cho con nhớ!”
-   Ông lão có cậu con giai út tốt nghiệp đại học đã trên mười năm, vợ con tử tế, mới đây không may bị tai nạn chết, nên ông ấy chưa quên ngay được.
-   Thế cái nhà to đùng cạnh nhà ông là nhà của cậu ta à?
-   Không. Đấy là nhà con gái ông ấy. Cô ta làm luật sư cho một ngân hàng lớn, lương trên nghìn Đô-la Mỹ.
-   Hèn nào, cháu thấy ông lão vẫn hay ra vào nhà ấy.
-   Ừ, lúc ở đấy, lúc ở nhà cậu con giai út mới mất, hai nhà cũng chỉ cách nhau một quãng ngắn.
-   Thế bây giờ ai nuôi ông ấy ạ?
-   Ông bà đều là giảng viên đại học, lương hưu trên chục triệu đủ ăn rồi, cần gì phải có ai nuôi!
-   Thế ạ! Thế mà cháu cứ tưởng…
-   Anh Đa này, hôm nọ ngồi uống nước với tôi, ông ấy tâm sự: “Ông ạ, tôi với ông cùng quê nên tôi mới nói điều này, tôi xuất thân nghèo khổ, lớn lên may mắn được học hành rồi lấy vợ, sinh con. Tôi có dặn chúng nó là: “Sau khi tao chết chúng mày cho thiêu đi rồi rắc ra ruộng, nơi khi bé tao thường ra mò cua, bắt ốc. Để tao được thanh thản, được trở về với thiên nhiên, với cội nguồn”.
-   Thật thế hả ông?
-   Anh không tin à?
-   Thế mà cháu cứ tưởng!
-   Tưởng cái gì?
-   Ông ơi, sao một ông già lù dù(3) lại có suy nghĩ lành mạnh và thiện lương đến như thế ông nhỉ?
-   Anh cũng nghĩ vậy à?
-   Cháu thấy ở ta, chưa ai có suy nghĩ tốt đẹp được như thế!
-   Có đấy, nhưng đã lâu lắm rồi.
-   Ai ạ?
-   Đó là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đức độ và chiến công của ngài tự cổ đến giờ chưa có ai sánh kịp. Cụ qua đời vào ngày hai mươi, tháng tám (Âm lịch) năm 1300. Khi sắp mất, Trần Hưng Đạo có dặn các con rằng: "Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào,..." Ngài được nhân dân cả nước tôn thờ là Đức Thánh Trần.
-   Đúng ngài là một vị thánh, đời đời mọi người phải biết ơn và kính trọng.
-  Anh không biết, chứ nhiều nước quanh ta đã làm thế từ lâu rồi. Họ thiêu rồi rắc tro xương ra sông suối.
-   Thật thế hả ông, họ thật đáng học tập và kính nể!
Tôi bất ngờ với quan niệm trong sáng và cao đẹp của những con người như ông Lâm, như anh Đa bình dị, sống gần gũi ngay cạnh tôi.
Tôi hiểu thêm được một điều nữa trong cuộc đời này là:
“Đôi khi cái tâm sáng bóng, lại nằm trong một cái vỏ thật xù xì!”

Hà Nội, 2018.
(1)   Fen: (Fan: tiếng Anh): người hâm mộ
(2)   Gra-ni-tô: Vật liệu nhân tạo: Hỗn hợp của xi-măng với đá hạt, bột đá (Tiếng Anh: Granito).
(3)   Lù dù: Chậm chạp, thiếu lanh lẹ,