tháng 5 29, 2017

Chợ vỉa hè


Hai bà cháu mùng một tết viếng chùa


Thiếu nữ


Con vịt lạc

Hạnh đi học về, thì thấy trong bu cạnh đầu hè có một con vịt nhỏ, thằng Trọng thì thầm với chị là bà nội và mẹ đi gặt ngoài đồng bắt được con vịt lạc.
Con vịt còn bé lắm, mới chỉ như một nắm bông màu vàng nho nhỏ. Lại còn cái mỏ nữa, bé xíu kêu chem chép đáng yêu quá chừng.
Hạnh hỏi mẹ:
-   Mẹ ơi mẹ cho con con vịt này nhé?
-   Ừ, cho hai chị em.
-   Có mỗi một con vị bé tí xíu mà mẹ cho hai chị em!
-   Bà với mẹ bắt được có một con, cho hai đứa chơi chung. Con không bằng lòng, hay mai mẹ mang ra đồng thả nó đi nhé?
-   Sao lại thả đi. Ở ngoài đồng, nó đói ai cho nó ăn, ai cho nó uống?
-   Sau mùa gặt người ta xua cả đàn vịt ra ngoài đồng để nó kiếm hạt rơi, hạt vãi. Đói làm sao được?
-   Thế nó bị lạc đàn hả mẹ?
-   Ừ.
***
Thế là ngày nào hai đứa cũng vui hẳn lên, chúng chăm sóc con vịt thật chu đáo, lấy thóc cho ăn, lấy nước cho uống. Được ít lâu, quen nhau rồi thì thả vịt ra sân, chị em ríu rít, tung tăng chơi với chú vịt nhỏ như với một người bạn.
Đối với trẻ nhà nghèo, thì một con vịt nhỏ vừa là đồ chơi, vừa như một người bạn thân thiết. Chị bế vịt lên tay một lúc, lại đến em một lúc, chứ không ai được “đặc quyền” bế lên lâu quá.
Đã nhiều lần Hạnh hỏi đấy là con vịt cái hay vịt đực, nhưng cả bà và mẹ đều nói là phải đợi nó lớn lên mới biết được.
-   Thế vịt cái khác vịt đực ở chỗ nào hở mẹ?
-   Vịt cái nó kêu “quác, quác”, còn vịt đực thì nó kêu “quạc, quạc”!
-   Con cái kêu to hay con đực kêu to hở mẹ?
-   Con đực thì tiếng nó khàn khàn, còn con cái thường kêu to hơn.
***
Hơn bốn tháng sau thì con vịt đã lớn lắm rồi, và cả nhà ai cũng biết nó là con vịt cái. Hai cái cánh đã xếp chéo nhau, người ta gọi là vịt chéo cánh. Hai chị em ao ước sẽ nuôi cho nó đẻ ra vịt con, để rồi có cả một đàn vịt, như thế mới thật là thích.
Nhưng ông nội thì bảo:
-   Nó có đẻ cũng chỉ đẻ ra trứng, chứ không thành vịt con đâu cháu ạ.
-   Sao lại thế hả ông?
-   Cháu ạ, trứng phải có trống, mà lại phải đem ấp mới nở thành vịt con. Bao giờ lớn hơn, các cháu sẽ biết.
Thế là những ước ao của hai đứa trẻ lại chưa thành.
Bà nội đành an ủi:
-   Khi nào có tiền bà đi chợ mua thêm mấy con nữa về cho các cháu nuôi.
***
Sáng qua cụ Bát Vinh trong làng mới mất, cụ đã nhiều tuổi lắm rồi. Cụ Bát Vinh là bạn học thưở nhỏ của ông nội. Ông nội học giỏi đỗ Cử nhân nhưng nhà nghèo đành về đi dạy học nên gọi là cụ Đồ. Còn cụ Vinh nhà giàu chỉ đỗ Tú tài vớt, nhưng nhà giàu chạy cho cái Bát phẩm, vì thế mới gọi là cụ Bát.
Nghĩa tử là nghĩa tận, ông nội muốn sang viếng bạn mà nhà chẳng có gì để mang đi. Trẻ con thì vô tư, nhưng người lớn thì nghĩ ngợi.
Sau một đêm trằn trọc, mẹ bàn với Hạnh:
-   Hay con cho lại mẹ con vịt, để mẹ mang ra chợ bán, mua chút lễ vật cho ông nội sang viếng bạn.
-   Không, không! Hạnh giãy nảy lên.
Rồi hai mẹ con ôm lấy nhau cùng khóc. Một lúc sau Hạnh gỡ tay mẹ ra nói trong nghẹn ngào:
-   Nhưng mẹ không được cho thằng Trọng biết cơ!
Mẹ ôm chặt lấy đứa con gái bé bỏng, trong lòng trào lên một tình thương vô bờ bến.


Hà Nội, 2017.  

tháng 5 23, 2017

Vũ điệu Flamenco bùng cháy


Bãi biển Đồ Sơn Hải Phòng dưới nắng vàng rực rỡ


Lý Nhân Hà Nam quê tôi - Chiêm khê mùa thối


Chẳng lẽ lại là như thế?

Bên thi thể của con gái còn ấm, không muốn tin vào những điều đang hiện ra trước mắt. Cô muốn dối mình rằng đây không phải là sự thật mà cố tưởng tượng ra cảnh con bé hay giận dỗi làm nũng với mình.
Nhưng khi ông bác sĩ già thông báo kết quả khám nghiệm tử thi thì cô quỵ hẳn. Không khóc được mà chỉ cố níu giữ để nhìn thêm khuôn mặt đã nhợt nhạt của con.
Người ta dìu cô về nhà, cử người trông chừng để còn lo tang lễ. Không ai dám đả động đến việc vừa qua. Mãi khi mẹ cô nghe tin từ quê lên, vồ lấy cô khóc nức nở. Tiếng hờ cháu của bà lão kéo cô về thực tại. Lúc bấy giờ mới thấy hai hàng nước mắt cô không ngừng dào dạt chảy ra. Mặt trắng bệch thất thần, miệng mếu máo những câu không rõ nghĩa.
Dăm ngày sau đó vẫn không ăn được chút gì, ngồi không vững. Người nhà đành đưa cô vào bệnh viện để truyền nước.
Cô cứ sống như thế nhiều ngày, không ra tỉnh, không ra mê. Người ta sợ cô không trụ được. Nhưng rồi cô vẫn lại hồi phục lại dần dần, nhưng chỉ như một cái bóng lặng lẽ vào ra.
Đồn đại thì nhiều lắm, người thì đồ rằng con bé con thất tình phẫn trí uống thuốc ngủ tự tử. Người thì bảo hai mẹ con có mâu thuẫn gì nghiêm trọng, không thể giải quyết được, nên con bé nó mới dại dột tìm đến cái chết. Sự việc như thế nào thì chỉ có hai người biết. Nhưng giờ đây đứa con gái duy nhất của cô không còn nữa. Trên đời chỉ còn lại có mình cô.
Cô không còn trẻ nữa, nhưng vẫn chưa già, mới xấp xỉ bốn mươi. Như người ta nói trẻ sắp qua, già chưa tới.
Nhớ lại thuở đầu đời, lúc cô mới mười bảy, mười tám, trẻ trung xinh đẹp, đang như một chồi cây, xanh non mơn mởn thì bị ngay một tên lừa đảo “cho vào rọ”. Khi cái bụng đang lùm lùm nổi lên thì “gã Sở Khanh” kia “mất hút con mẹ hàng lươn”.
Thế là dù không muốn vẫn phải làm một bà mẹ đơn thân. Gia đình ruồng bỏ. Một mình nuôi con thiếu thốn trăm bề, nhưng cái thiếu thốn lớn nhất đối với cô bấy giờ lại là một bờ vai để dựa khi yếu đuối, một vòng tay để yêu thương khi trống vắng.
Tuy nhiên trời chẳng phụ người, đến giờ cô đã gây dựng được một cơ sở để kiếm ăn và nuôi con khôn lớn. Cũng vì vậy mẹ con cô rất gắn bó.
Hiện cô đang là chủ một quán cà-phê nhỏ nhưng rất đông khách vì nó ở ngay trước cửa một bệnh viện hạng trung trên con phố đông đúc. Một mình xoay xở không kịp, cô đã phải mượn thêm người giúp. Nhưng thay đổi mãi mà vẫn chưa kiếm được người nào ưng ý. Cuối cùng thì cũng gặp may, “vớ” ngay được một anh chàng đã tốt nghiệp cao đẳng nhưng chưa có việc làm, kém cô gần chục tuổi. Thế là hai chị em cộng tác làm ăn, chung vốn, chung việc. Cả hai cùng tỏ ra biết điều, biết nhường nhịn nhau, có cơ hợp tác được lâu dài.  
Thời gian cứ thế trôi đi. Tình cảm chị em ngày càng trở nên khăng khít.
***
Tuy nhiên chàng trai lại là con trai trưởng của dòng họ ở quê, mãi chẳng chịu lấy vợ. Cứ như “bị” một cái lưới vô hình nào đó “chụp gọn”, không thoát ra được nữa.
Bố mẹ cậu đã tìm hết đám này đến đám nọ mà cậu ta vẫn chẳng chịu “OK”. Đến khi mọi người trong nhà sồn sồn lên vì đã gần bốn mươi tuổi rồi chứ còn ít ỏi gì nữa.
Có lúc cùn lên cậu ta nói:
-   Nào bây giờ các cụ muốn lấy ai cho con thì lấy đi!
-   Ai cũng được à, không có yêu cầu gì sao?
-   Phải dưới hai mươi!
-   Mày ba bảy, ba tám tuổi rồi, lấy nhãi ranh về để mà xi nó ỉa à?
-   Thế chả lẽ lấy bà già?
-   “Cao không tới, thấp không thông”. Thôi kệ cha mày!
-   Đã bảo cứ từ từ mà ai cũng cứ “cuống cà kê” cả lên như không lấy vợ ngay thì chết ặc ra không bằng! Cậu ta vẫn lại còn đùa giỡn được!
Lần lữa mãi, nhắc đi, nhắc lại mãi. Thế rồi cậu ta thỉnh thoảng cũng dẫn về lúc cô này, lúc cô nọ, xinh có, không xinh cũng có. Đi đi, lại lại cũng được dăm, ba lần. Nhưng thái độ của “cậu chủ” cứ “đủng đỉnh, dửng dưng như chuyện của hàng xóm”. Và rồi những cuộc “đi lại” ấy cũng tan nhanh ra như bong bóng xà-phòng.
Mọi người đã chán không còn muốn “nhắc nhỏm” đến nữa, thì đùng một hôm cậu dẫn về một cô gái kém chục tuổi, nhan sắc bình bình, tuyên bố tuần sau là tổ chức cưới. Mọi người đều nghĩ cũng lại như các lần trước cậu ta chỉ “đùa” cho vui, cùng lắm cũng chỉ là sự thể hiện “cái hâm hấp” của anh chàng đã quá tuổi chưa có vợ!   
Nhưng vài ngày sau đó thấy cô cậu dẫn nhau đi đăng ký kết hôn, thì mọi người mới “ngã ngửa” người ra. Thì ra lần này cậu ta “làm thật”, chứ không “cợt nhả” nữa!
Mọi người “vắt chân lên cổ” để chạy theo các yêu cầu của cậu trưởng tộc. “Vắt chân lên cổ” để chạy theo các yêu cầu của nhà gái. “Vắt chân lên cổ” để chạy theo các yêu cầu của “cô dâu”. Cuống cuồng lên như “lũ phá đê làng”.
***
Đúng lúc cô cậu dẫn nhau vào hiệu chọn váy cưới thì nhận được tin dữ.
Tất cả mọi việc đều đình lại. Cậu ta chạy bổ về để kịp nhìn mặt cô bé lần cuối. Cậu ta sụp xuống, khóc nấc lên bên chiếc quan tài nhỏ bé.
Người ta xì xào rằng có lẽ chú cháu nó yêu nhau! Xưng hô là chú cháu từ lúc mấy người mới gặp nhau, lúc ấy cô bé mới tám, chín tuổi, chứ có họ hàng “dây mơ, rễ má” gì đâu. Hai đứa chênh nhau có bảy, tám tuổi, mà ăn chung, ở lộn với nhau hàng gần chục năm trời. Chúng thuộc sở thích của nhau từng li, từng tí. Thế rồi chúng yêu quý nhau cũng là lẽ thường tình.
Người ta giao lại cho cậu ta một cái phong bì. Bên trong có tấm ảnh hai đứa mới chụp chung còn bá vai nhau cười rất tươi và một dòng chữ ghi sau ảnh:
- “Giờ thì anh đã là chồng người ta”!  
Đến lúc này người ta mới hiểu là tại sao cậu ta dù là trưởng tộc, dù đã lớn tuổi mà cứ dùn gắng mãi không chịu lấy vợ. Khi thằng em trai sau cậu ta kém đến ba, bốn tuổi đã thành gia thất và đã có đến hai con.
Ai cũng phải đặt câu hỏi là tại sao những lần dẫn bạn gái về gia đình lại không thấy lần nào dẫn cô bé này về cho cha mẹ xem mặt.
Rồi cũng chẳng ai hiểu vì sao cậu ta lại đùng đùng đi đăng ký kết hôn với một cô gái mới quen và rồi cũng đùng đùng đòi tổ chức hôn lễ.
Mỗi người đặt ra những câu hỏi, nhưng không ai trả lời được.
Mãi sau này người ta mới tìm thấy cuốn nhật ký của cô bé, trong đó đã viết những dòng đẫm lệ:
“Con cứ tự hỏi tại sao mẹ lại không cho con yêu anh ấy, khi chúng con lớn lên cùng nhau hàng chục năm trời, hiểu nhau và lại rất thương nhau?
Mãi đến lúc nghe lén câu chuyện giữa hai người trao đổi con mới hiểu ra rằng thì ra mẹ cũng yêu anh ấy! Mà lại rất yêu là đằng khác! Trong câu chuyện mẹ đã nhắc đi, nhắc lại mấy lần là nếu anh ấy không lấy mẹ thì cũng không lấy được con!
Chẳng lẽ lại là như thế? Tại sao lại là như thế?
Mẹ ơi, con sẽ phải làm gì đây, phải sống thế nào đây, khi không được yêu và lấy người mà mình yêu quya nhất đời?”


Hà Nội, 2017.