tháng 10 22, 2018

Cầu Long Biên


Nóc phố cổ Hà Nội


Góc vườn


Con mồi

Cư và Khải chơi với nhau từ lúc còn bé tí, thân nhau hơn cả anh em ruột.
Học cùng lớp từ trung học đến đại học, ra trường mỗi người mỗi ngả, nhưng vẫn gắn bó mật thiết, dăm ngày không gặp, không tin tức qua lại là không chịu được.
Nhưng các cụ thường chẳng bảo “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, đến anh em ruột cùng cha mẹ cũng chẳng thật giống nhau nữa là!
Cuộc đời có những lối rẽ khác nhau. Học xong đại học, Cư lớn tuổi hơn, cao khỏe hơn nên vào quân ngũ. Sau hơn mười năm chuyển sang Công an Hải Phòng, về hưu với cấp bậc Thượng tá, bố mẹ để lại cho ngôi nhà ngay mặt đường rất thuận tiện cho việc buôn bán.
Vậy mà cũng phải xoay lòng vòng từ một cửa hàng Photo copy nhỏ, đến buôn bán bánh kẹo rồi sau phát triển thành một cửa hàng lớn nhất phố.
Cư có hai con, lúc đầu thì hai đứa cũng đoàn kết, nhưng do xuất thân từ con cái nhà buôn, lấy đồng tiền làm thước đo cuộc sống, nên sau chúng chia rẽ, cuối cùng coi như thù địch không nhìn mặt nhau nữa.
Khải làm bên dân sự đến năm tư tuổi thì do cơ quan rất ít việc làm mà số năm công tác cũng đã xấp xỉ bốn mươi năm, nên về hưu với mức lương thấp nhất. Vợ ra chợ bán ốc luộc, chồng sửa xe đạp đầu đường, chật vật nuôi con và phải làm đủ mọi nghề để tồn tại. 
Khải và gia đình định cư tại Hà Nội nhưng nhà bố mẹ lại ở Hải Phòng, cạnh nhà máy Xi măng. Năm 1972 Mỹ ném bom đánh phá khu vực này thì nhà cửa tan nát cả.
Nhưng đúng là họa vô đơn chí tức là tai họa không chỉ đến có một lần. Nhà bị Mỹ phá sập, còn đất ở thì bị nhà máy Xi măng lấn ra chiếm nốt.
Từ năm 1993 Khải đã làm đơn khiếu kiện để đòi lại mảnh đất ấy. Nhưng cái cơ chế của nhà nước này giống hệt như con ba ba đã cắn vào đâu thì chỉ khi có sấm mới chịu há mõm ra (1). Khiếu kiện mãi đến hơn hai mươi năm sau mới được thành phố Hải Phòng và nhà máy Xi măng xét đến thửa đất bị chiếm giữ trái phép.   
Mảnh đất là của bố mẹ để lại nên Khải không quản công. Từ phường, xã đến quận, tỉnh, bộ này, tổng cục nọ, báo, đài từ địa phương đến trung ương. Tít trên cao tận Ban tiếp Công dân của Trung ương Đảng, không cửa nào không gõ, không vị La hán nào không thắp hương khấn vái.
Đơn từ và các loại công văn phúc đáp đã lên đến trên 200 lá, đóng lại dày như một quyển Từ điển Bách khoa Toàn thư đồ sộ. Kèm theo còn có các loại giấy tờ chứng nhận chính sách ưu tiên, nào là gia đình Liệt sĩ, cả nhà ai cũng có công với Cách mạng, Huân, Huy chương hàng vốc, thành tích hàng tệp.
Một anh trưởng Trưởng ban thời sự tờ tuần báo “Pháp Luật và Công Lý” khi được “khổ chủ” trình bày và cho xem tập hồ sơ đòi đất đã thốt lên:
- Tài liệu bác làm đầy đủ, rõ ràng và thuyết phục hơn cả một luận văn thi lấy bằng Tiến sĩ ở Viện Đại học Ha-vớt(2) bên Mỹ!
Cô con dâu Khải đang công tác ở Đài Truyền hình Trung ương thấy bố chồng vất vả hàng hai chục năm trời kiện cáo mà chưa có kết quả gì, góp ý:
- Bố ạ, bây giờ không ai giúp không ai cái gì. Bố làm đơn khiếu kiện trình bày dù đầy đủ, dù thuyết phục, thì có đến cả trăm năm cũng không đòi được đất. Muốn được việc phải tìm xem chỗ nào họ chuyên lo, chuyên chạy việc này, rồi phải “móc hầu bao” ra mới có kết quả. Bây giờ bố đã già rồi, mà cũng đã kiện tụng trên hai chục năm, chỗ nọ truyền chỗ kia y như trên một sân bóng không có khung thành, chẳng may xảy ra chuyện gì, thì coi như công lao đổ xuống sông, xuống biển cả!
- Con nói có lý, nhưng đã hơn hai chục năm trời (từ 1993 đến 2013), bố vác đơn đi khiếu kiện, đến đâu người ta cũng đối xử nhẹ nhàng, cũng hứa hẹn để mình không hết hy vọng. Không một ai phũ phàng, không chỗ nào người ta phủi tay từ chối, đâu đâu cũng tỏ ra thật thấu tình đạt lý. Nhưng tiến trình giải quyết công việc cứ “loanh quanh như chó mót ỉa”! Đi trọn một vòng rồi lại về chỗ xuất phát...!      
Bố thì già rồi, đã mệt mỏi rồi, con đang công tác ở một môi trường rộng lớn, thử tìm xem có nơi nào chuyên làm việc này, nhờ người ta lo cho vậy.
Ít ngày sau cô con dâu dẫn về một “chuyên gia” có vai vế hẳn hoi, ngoài việc chuyên môn ở Đài, còn làm thêm nghề tay trái là lo lót các vụ kiện tụng và tranh chấp dân sự.
Sau khi xem xét rất kỹ mọi hồ sơ tài liệu, anh ta nói:
- Việc này cháu nhận làm. Vì chỗ quen biết, cháu nói ngắn gọn thế này bác phải “thối lại” cho chúng cháu từ 20 đến 22% tổng số tiền bác được hưởng.
- Tôi đồng ý, nhưng vì đã về hưu, nên không có tiền ứng trước. Tôi xin thanh toán sau cho anh có được không?
Anh ta không nói gì, ngoảnh sang cô con dâu ông, chừng như hỏi ý.
Cô con dâu hiểu ra, vội nói:
- Em xin bảo lãnh việc này cho bố chồng em!
Công việc được tiến hành hơn tháng thì Cư biết chuyện. Cư đã rất nhiệt tình thuyết phục Khải giành lại việc trên để Cư làm với lý do bây giờ Cư đã về hưu rồi, cũng chuyên lo lót các vụ kiện cáo tranh chấp về dân sự.
- Ông thử nghĩ xem, nếu không có việc gì làm cho hết thời gian, mà tôi lại không biết viết truyện như ông thì chỉ còn nước ngồi đếm ngược đến ngày chết à?
Cư cũng đã nói rất hay, rất thuyết phục là sẵn có các mối quan hệ với các quan chức địa phương và biết các cửa để chạy chọt, luồn lách!
Vì nể và vì họ đã chơi thân với nhau từ bé, nên Khải rút hồ sơ về đưa cho Cư.
Thế là sau hơn hai mươi năm Khải tự thân vận động, đến tháng 12 năm 2013, Cư vào tiếp quản hồ sơ, cùng bàn bạc và chạy “tiếp sức” với Khải.   
Chạy đôn, chạy đáo, luồn lách khắp các ngóc ngách, cũng phải mất mấy năm nữa để đi đến kết quả rất bèo bọt: đất mặt đường mà thành phố quyết định đền bù một triệu rưỡi một mét vuông. Chưa chịu, lại kiện cáo đến năm 2015, lúc bấy giờ đã quá chán trường và cũng đã quá mệt mỏi rồi, họ bàn nhau là chấp nhận với giá chín triệu đồng một mét vuông đất. Một căn nhả với diện tích tám nhăm mét vuông đất mặt đường mà chỉ được đền bù có tám trăm triệu đồng.
Khải cắt ra cho Cư hai trăm triệu, tương đương với 25% tổng số tiền được lĩnh.
Năm sau thì thửa đất được đền bù cho tái định cư là ba trăm triệu, Cư tự động trừ đi hơn một nửa là một trăm sáu chục triệu, tính gộp lại cả hai lần Khải chỉ được cầm bảy trăm bốn chục triệu, Cư lấy là ba trăm sáu mươi triệu tương đương với 33% (=1/3) tổng số tiền.
Khải đem tiền về không biết giải thích với vợ con ra thế nào! Nói thật ra thì sợ vợ hiểu lầm bạn, mà không nói ra thì ấm ức trong lòng thế nào ấy!
Cô con dâu Khải đem chuyện kể lại cho anh “Chuyên viên” thì anh ta nói:
- Ông lão số nhọ gặp phải tay nghiệp dư lại không biết việc, chạy không đúng cửa. Nếu vào tay anh ta thì lâu lắm cũng chỉ hơn năm và với thửa đất ấy, nằm ở vị trí ấy thì ông lão cầm chắc trong tay từ hai tỷ trở lên!
- Có thể là vậy, nhưng con cá mất bao giờ cũng là con cá to, vả lại nói lại chuyện đã rồi cũng chẳng giải quyết được việc gì. Khải đành an ủi con dâu như vậy.
Mãi sau khi biết mọi chuyện, vợ Khải mới kể lể với chồng rằng:
- Ở đời, những người lương thiện như chúng ta chỉ là con mồi cho thiên hạ. Ông cũng chỉ là một con mồi cho ông Cư bạn ông săn mà thôi!
Ai cũng nói tiền chẳng phải là tất cả, nhưng tiền lại là nguồn cơn sinh ra mọi chuyện, tiền là mục tiêu phấn đấu của hầu hết mọi người.
Từ khi lấy ông rồi quen biết ông Cư, tôi thấy hai người quá thân mật, quá quý hóa nhau, nên có nói gì ông cũng không nghe, không chịu hiểu.
- Gần như cả đời chơi với nhau mà tôi vẫn không biết hết được mọi việc! Khải ngập ngừng công nhận.
- Không phải chỉ có vụ cái nhà của các cụ để lại ở Hải Phòng đâu, mà từ lâu, rất nhiều việc ông đã bị ông Cư dẫn dắt, ông ta chỉ coi ông là công cụ để điều hành thôi!
- Thế sao tôi không biết!? Khải than lên với vợ.
- Cái vụ đi tiếp tế cho ông Hoàn phạm trọng tội hơn chục năm trước, ông Cư không dám đến mà “gí” ông vào. Ông chẳng bị giam trên Sở Công an Hà Nội suốt một ngày là gì? Khi ông Hoàn ở tù ra, đi thu thập tiền của mọi người để buôn thuốc phiện, đến hỏi vay tiền mình lúc đang sửa nhà rất ngặt nghèo, còn phải bán cả gói mỳ chính đi để góp nhặt. Hỏi lại ông Cư thì ông ta cũng đánh lừa mình nói đúng là vợ Hoàn đang ốm nặng, phải vay tiền bạn bè để đưa vợ đi mổ. Mình đã phải rứt ruột đưa cho Hoàn một triệu đồng tương đương với ba đồng cân vàng lúc bấy giờ. Trong khi ông Cư cho ông Hoàn có hai trăm nghìn, ông Lan cho ba trăm nghìn. Mà rồi ông Hoàn cũng lờ luôn tiền đã vay của mình không trả nữa.
- Bà có nói tôi mới nhớ dần ra - Khải công nhận Tại sao sau hơn mười năm đi tù ông Hoàn dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo của ông Cư đã mất phăng bốn, năm cái nhà và gần như toàn bộ gia sản trị giá hàng nghìn lạng vàng. Cuối cùng từ một đại gia, phải ra xóm bụi ở một gian nhà xây gạch xỉ có mười mét vuông cạnh đường tầu hỏa, sống nhờ mẹt thuốc lá của bà vợ già ở đầu ngõ. Rồi cả cậu Hiển anh em nối khố cùng sở Công an với ông Cư, đã lên ăn ở tại nhà mình năm lần, bảy lượt, cũng quay lại trở thành kẻ thù không đội trời chung với ông ấy. Lê Đình Liêm bạn học Ngô Quyền, Đinh Thế Tế bạn học Bách Khoa, phấn đấu có tí chức vụ cũng đều được đưa “vào tầm ngắm” của Cư! Trần Đức Kỷ cũng không thèm nhìn mặt Cư bao nhiêu năm.
Bà vợ bổ sung:
- Lại còn vụ khi mình để lại cái nhà ở Cầu Giấy cho cô Thoa được bảy lạng vàng, sau khi sửa nhà trên Trương Định còn dư ra bao nhiêu, ông Cư lên vay nốt về cho vợ buôn bán. Nhưng sau này khi con Trang nhà mình ốm, xuống Phòng vay tiền để chữa bệnh cho con thì với lý do là vợ ông quản lý rất khó lấy tiền ra cho mình vay, mà có vay cũng quy đổi ra Đô-la Mỹ, chứ không cho vay bằng tiền Việt! Ông tự ái đã không vay nữa, ông còn nhớ không?
Rồi thật bất ngờ, vợ Khải một người đàn bà xuề xòa lại triết lý:
- Phải có một thứ gì đó trong ông ấy đẹp đẽ lắm, to lớn lắm, nó mới che lấp được mọi cái khác, che lấp cả tình cảm và lý trí!
Khải hỏi vợ:
- Bà nói cái ấy là cái gì mà lại có thể che lấp mọi thứ đi như thế?
- Tiền!!!
Rồi thủng thẳng bà ta nói tiếp:
- Đến chị em ruột ông ta, cũng bị ông ta chi một số tiền nhỏ để lừa ký vào một bản thỏa thuận là không đòi quyền thừa kế chia tài sản của cha mẹ để lại!
Cái di chúc mà ông ta viết sẵn gửi ông, phòng khi bất trắc ra đi đột ngột cũng chứng tỏ từ lâu ông ta coi tiền là “linh vật chí tôn” rồi!
Nhưng cũng phải nói cho công bằng rằng ông ta cũng “rất có năng khiếu chạy chọt, luồn lọt” chứ như người khác thì có muốn làm cũng chẳng biết làm thế nào!
- Chẳng hẳn thế đâu!
- Ông thì chẳng biết thế nào, chứ trong đời tôi thì thấy ông ấy là một người có thực tài trong khoản này!
- Hải Phòng là nơi ông ta sinh ra và sống cả đời thì nhất định là phải có mối quan hệ nào đấy, mà cũng toàn quen cái loại “cán bộ vét đĩa”, lèm nhèm, chứ chỗ khác thì ông ta cũng chỉ là con muỗi kẹ!
Đấy như vụ chạy cho bà nhà văn Võ Thị Hương đòi lại căn nhà 279 Cát Dài Hải Phòng. Bà ta sống vào  Sài Gòn đã lâu nên khôn hơn mình, lại khách quan, không có mối quan hệ nào với Cư nên đã khoán trắng 50/50.
Từ đầu bà ta đã chẳng phải động chân, động tay vào việc gì cả, ngoại trừ làm cái giấy ủy quyền cho Cư. Thấy một đống tiền to như thế thì ham, nhưng chạy đi, chạy lại từ Hải Phòng vào Sài Gòn, lại lên cả Hà Nội tốn hơn trăm triệu tiền túi, “hộc tốc, đốc gan” gần chục năm trời mà chẳng thu về được đồng xèng nhỏ nào cả!
Đằng này mình đã tự chạy hơn hai chục năm từ 1993 đến cuối 2013, Cư mới tham gia cùng mình có ba, bốn năm từ 2013 đến 2015 mà thân thẩn lấy đến 33% thì thật là “càng quen, càng lèn cho đau”! Đúng thực ông ta coi tiền là trên hết!   
Cuối cùng Khải buồn buồn nói: 
- Cũng chỉ có cách lý giải như thế mới “gỡ được hết thắc mắc” trong lòng!
Nhưng tôi vẫn tiếc tình bạn chơi với nhau thân hơn anh em ruột năm, sáu chục năm trời mà cũng bị đem ra đánh đổi bằng tiền, nỡ biến bạn chí thân của mình thành con mồi để săn thịt.


Hà Nội, 2018.

(1) Tương truyền rằng khi bị ba ba cắn thì khi nào có sấm nó mới nhả ra.
(2) Ha-vớt: Harvard University: một trong những viện đại học danh tiếng nhất thế giới

tháng 10 08, 2018

Thơ tặng bạn đến chơi nhà


Bạn đến thăm nhà 

 (Tặng Phạm Gia Chúc & Nguyễn Trọng Hùng) 

 Bạn đến thăm ta tận hẻm sâu, 
Ngó đi, ngó lại, nói một câu: 
- Ừ, ở thế này cho "thoáng đãng", 
Sáng tác thơ văn nó mới "ngầu"! 

 Ngáp ngắn chán chê, lại ngáp dài, 
Đứng lên, ngồi xuống, chẳng thấy ai. 
Văn chương cũng "lỉnh" đi đâu mất! 
Đến lúc phải tìm mấy củ khoai! 

                                                                 Hà Nội, 2018.

tháng 9 28, 2018

Bến Phà Đen - Hà Nội năm 1961


Cúc trắng


Di but của nhà văn Tô Hoài



Tôi ra sách như thế nào

Hồi còn trẻ mới 16, 17 tuổi đang học lớp 10 cuối cấp Phổ thông Trung học trường Ngô Quyền Hải Phòng, đã trót dại viết bài gửi cho một tờ báo tiếng tăm nhất lúc bấy giờ, khốn nạn cho tôi là bài viết ấy lại được đăng. Sáu tháng sau tờ báo này bị “đóng cửa” chỉ vì đã muốn “mở cửa” quá sớm. Tôi thì “không đủ tư cách thi tốt nghiệp” và thế rồi phải đi đẩy xe than trong nhà máy Xi Măng mấy năm.   
Từ đấy tôi như con chim bị bắn trượt, sợ cả cành cây cong. Nhưng vì cái tật cố hữu “bỏ thì thương, vương thì tội”, nên tôi vẫn âm thầm viết.
Lúc trên bảy mươi, thì tôi đã viết được khá nhiều. Nhưng cứ luôn “bụng bảo dạ” rằng trước khi chết kịp dối dăng lại cho con cháu là phải đốt ngay đi, kẻo mang vạ vào thân, mang vạ cho cả dòng họ! 
Nhưng mà cứ y như cái duyên số nó vận vào thế nào ấy, một hôm Ngọc Hoàn, bạn học hồi Phổ thông, làm đến Tổng Giám đốc một Công ty Xây dựng to nhất Hải Phòng, đã “trót dại” cùng tay Sán Giám đốc Sở Lương thực rủ nhau bán thóc dự trữ Quốc gia chia nhau.
Sau hơn mười năm ở tù ra đến tôi chơi để cảm ơn vì khi ngồi trong song sắt ăn cơm nhạt với cá mắm thối, ngoài tôi ra thì chẳng có thằng chó chết hay con bạn đểu nào lai vãng, mặc dù khi Hoàn đang làm ăn được, chúng đã bám vào cậu ta khá đông.    
Hoàn có chút năng khiếu về văn học, sau bữa cơm, ngồi uống nước vô tình thấy tập truyện của tôi viết, xem vài truyện nói là tôi viết được, rồi xin bằng được quyển sách ấy.
***
Một hôm Hiếu một cậu bạn trẻ, rất giỏi về Tin học đến chơi báo cho biết là trên một trang Web(1) của nước ngoài mang tên: vantuyen. net có đăng truyện ngắn “Đội Ngự” của  tôi. Nó được xếp trang trọng dưới tiêu đề Hội ngộ Văn chương Toàn cầu. Số bạn đọc mới vài tháng, đã tới gần 6000 lượt người.
Bạn bè quen biết gọi điện đến chúc mừng. 
Hỏi ra mới biết Hoàn có đem quyển sách của tôi viết về Hải Phòng, rồi đưa cho ông em họ là Bùi Ngọc Tấn một nhà văn có tên tuổi đọc. Ông văn sĩ già này có lẽ khoai khoái thế nào ấy, nên khi qua Mỹ thăm con, mang theo quyền sách này. Rồi cũng chẳng hiểu sao họ tung lên trang Web trên (do một nhóm người thực hiện: Bùi Ngọc Tô, Huệ Thu, Tuấn Nguyễn, Phương Nguyễn, Tú Phương, Tâm Thơ, Long Nguyễn, Đăng Lê, Trần Thanh, Ngô Nguyễn Trần tại Hoa Kỳ - Pháp - Đức - Áo - Úc - Hoà Lan - Việt nam, Email: buitongoc@gmail.com : Chuyên mục truyện ngắn)
Tôi chưa kịp hiểu ra thế nào, thì có một ông bạn làm Công an đến bảo:
- Đừng vội mừng! Trong nước chưa ai biết, chưa chỗ nào đăng mà truyện của ông đã được mạng ở nước ngoài đăng lên một cách trang trọng, tức là có vấn đề đấy! Thử ví dụ thế này: Mấy “xừ” An ninh mạng, chẳng may “liếc” vào trang Web này đúng lúc đang gặp chuyện bực mình, gọi ông lên cho mấy cái bạt tai thì mả bố ông chôn chỗ nào cũng phải tông tốc khai ra hết.    
Lúc đầu tôi cũng “chí phèo” cãi:
- Cùng lắm là chết chứ gì! Có khi được chết bên cạnh vợ con, người thân, cũng đã là điều viên mãn lắm rồi!
Nói mạnh mồm vậy chứ trong lòng cũng lo lắm, vợ con cũng lo lắm, cả nhà cũng lo lắm. Đi tù lúc nào không biết! Với  cái thể trạng ốm o, với cái bản lĩnh nhút nhát, với cái tính cách “vừa đái, vừa nhòm” của mình, tôi gày sọp đi như một lão già bị suy nhược đã lâu ngày.
Vợ con lo sợ thì run rẩy, bạn bè cảm thông thì thương xót, hàng xóm thì xì xào lo phải đóng góp phúng viếng cho đám ma tôi sắp tới.  
Cũng may là “bọn đế quốc sài lang” mãi tận bên Mỹ, bên Đức ấy tuy rất láo toét, không biết phép tắc là gì, chưa xin phép tác giả đã in phứa truyện của một “công dân vĩ đại”, của một đất nước vĩ đại có chủ quyền trên thế giới hẳn hoi! Tuy bọn mất dạy này rất mất dạy, nhưng chưa đủ lưu manh thêm bớt một số câu vào để bôi nhọ, gây phương hại đến tổ quốc vĩ đại này, chứ không thì có khi người “công dân vĩ đại” là tôi cũng dễ bị xích tay như bỡn!   
***
Lo mãi, sau tôi nảy ra ý định hay là tìm đến một nhà văn lớn để xin được góp ý.  
Khi đã suy nghĩ rất kỹ và chọn lựa, tôi quyết định tìm đến nhà văn Tô Hoài, người mà tôi đã yêu quý từ khi còn thơ bé với “Dế mèn phiêu lưu ký” của cụ.  
Để gặp được một nhà văn lớn, nổi tiếng, đã ở tuổi chín mươi, lại rất sợ sự quấy rầy của đủ các loại người, thật không phải là dễ dàng chút nào.
Tôi không có ý định núp dưới bóng của cây đại thụ nào, lại càng không muốn nhuộm cùng màu với bất kỳ ai và nhất là không có ý định ra sách.  
Tìm đến nhà cụ số 21 ngõ Đoàn Nhữ Hài, Trần Quốc Toản, tôi chỉ gặp được cụ bà vợ nhà văn Tô Hoài.
Cụ bà nói:
- “Ông nhà tôi đã già rồi, lại lắm bệnh tật, nên không gặp bất kỳ một ai. Muốn ông ấy góp ý, thì đưa vài truyện cho ông ấy đọc. Có khỏe ông ấy mới đọc, vì thế cũng không thể hẹn trước được. Sau đó ông ấy sẽ góp ý nhiều hay ít là tùy vào truyện viết thế nào và tùy vào ông ấy nữa.
Cỡ một tháng sau ông hãy quay lại đây để lấy góp ý”.

Tôi viết gửi cụ Tô Hoài vài dòng, có kèm thêm 5 truyện ngắn viết từ 1990.

                                                            Hà Nội, ngày 30, tháng  6, năm 2010.
Kính gửi nhà văn Tô Hoài,
Thưa bác,
Tôi là một cán bộ kỹ thuật đã nghỉ hưu, có viết được một số truyện ngắn.
Biết bác là một nhà văn lớn, không có thời gian rỗi. Nhưng vì lòng kính trọng  và hâm mộ, tôi mạo muội làm phiền, mong bác thông cảm.
Rất mong được sự góp ý và giúp đỡ quý báu của bác, để có thể viết tiếp.
Rất mong được một lần gặp bác.
                                                                   Xin cám ơn và kính chào bác.
 
Tôi đã làm theo lời dặn dò của cụ bà cũng chỉ kém cụ ông vài ba tuổi, đi lại ba, bốn tháng vẫn chưa được nhà văn góp ý.
Lần thứ tư, tôi sững sờ khi nghe cụ bà nói:  
- Tôi có giục, nhưng lần này ông ấy bảo: - “Ông này tôi phải gặp”!
***
Cảm động nhất là khi nghe thấy tiếng tôi hỏi thăm đến nhà, cụ đã lần tường ra đón tận cổng. Lần đầu tiên được tiếp xúc với một nhà văn lớn, rất nổi tiếng ở P 108 -  C3, Nghĩa Tân, nhà bà Đan Hà con gái đầu của cụ, cũng đã trên sáu mươi là dược sĩ, tiện chăm sóc cho bố và cũng tiện để cụ “lánh” những cuộc gặp gỡ không cần thiết!
Đó là một cụ già đã chín chục tuổi, thấp bé, giản dị. Lần gặp gỡ đầu tiên này kéo dài tận hai tiếng đồng hồ, đã vài lần tôi đứng dậy xin phép cụ ra về vì sợ cụ mệt, nhưng cụ đều giữ lại.
Trong chuyện trò cụ kiệm lời, nói năng nhỏ nhẹ và đặc biệt là cụ nói chuyện rất có duyên, rất hóm hỉnh, cực kỳ tỉnh táo và minh mẫn. 
Trong khi trò chuyện, cụ có nói:
- Nếu muốn viết và để có thể trở thành một nhà văn thì nhất thiết phải có hai thứ:
* Thứ nhất phải giàu vốn sống.
* Thứ hai phải giàu vốn từ.
Tôi đùa hỏi lại cụ:
- Thưa bác, thế không cần giàu tiền bạc ạ?
Cụ chỉ cười hiền lành, nhìn tôi không nói gì cả.
Khi tôi từ biệt cụ ra về, cụ nhất định tiễn tôi ra tận cổng.
Bắt tay từ biệt, cụ nói thêm một câu:
- Ở ông, có cả hai thứ đó.
- Thưa bác, bác nói cháu có cả hai thứ gì ạ?
- Cái mà tôi nói lúc nãy ấy. Hãy viết tiếp nữa đi!
Tôi dùng dằng, mãi, mới dám thưa:
- Cháu cứ nghĩ là không được gặp bác, nhưng hôm nay cháu thật may mắn được gặp và chuyện trò với bác. Cháu xin phép hằng tháng được đến thăm bác, không biết như thế có làm phiền bác không ạ?
- Ông không cần xin phép. Muốn đến chơi với tôi thì phải gọi điện thoại trước. Bởi tôi thường xuyên thay đổi chỗ ở.
Thế là từ đấy tôi thường đến thăm ông cụ hiền lành, giản dị nhưng rất nổi tiếng ấy. Các lần sau tôi thường đưa những tác phẩm nhỏ bé của mình cho ông cụ đọc rồi xin cụ góp ý.
Lúc mới quen cụ vẫn gọi tôi là ông, bởi dù sao tôi cũng là một ông già trên bảy mươi tuổi rồi còn gì nữa. Tôi sinh sau cụ mười chín năm.
Do rất kiệm lời nên cụ chỉ khuyên tôi:
- Anh - sau này khi đã thân mật, cụ đổi cách xưng hô gọi tôi bằng anh chứ không gọi là ông như các lần trước nữa - nên đưa cho các tạp chí đăng bài, vừa có nhuận bút. Khi tập hợp được nhiều nhiều, họ sẽ xuất bản mà mình không phải bỏ vốn ra in.
- Thưa bác từ mấy năm trước, cháu đã đưa bài cho Tạp chí Văn nghệ ở 17 Trần Quốc Toản.
- Cụ thể là anh đưa cho ai?
- Cháu được nhà văn Ngân An nhận bài và trao đổi. Nhưng chỉ được bà ta khen, nhưng không thấy Tạp chí đăng bài.
- Nếu thế anh đưa bài sang cho Tạp chí Hội Nhà văn, ở 65 Nguyễn Du. Để tôi gọi điện thoại giới thiệu anh với Tổng biên tập. Trước tôi đã từng làm việc ở đấy.
Tôi đến địa chỉ trên, ông Tổng biên tập Nguyễn Trác đã ra tận cổng đón, vui vẻ mời tôi vào phòng làm việc.  
Cũng đi lại như đã đi lại ở Tạp chí Văn Nghệ, năm lần, bảy lượt, cũng được khen là bài viết tốt, tuy nhiên vẫn không được đăng. Lần thứ năm, thứ sáu gì đó ông Trác mới ngập ngừng nói với tôi:
- Tạp chí chúng tôi còn nghèo lắm. Để đăng bài cho hội viên trong hội Nhà văn cũng đã chật vật lắm rồi. Bài của người ngoài Hội phải được đánh giá là rất xuất sắc mới chọn đăng. Chúng tôi rất lấy làm tiếc. Anh thông cảm.
Ra về tôi hiểu là những bài viết của tôi tuy được khen là tốt nhưng chưa “được xếp vào loại rất xuất sắc” để được đăng trên tạp chí và vì “tạp chí còn nghèo lắm”!!!
Lần sau đến thăm cụ, cụ có hỏi tôi là đã gặp ông Trác chưa? Tôi đành nói thật:
- Thưa bác không phải cháu không lo được vài triệu đưa cho Tạp chí để đăng bài. Nhưng làm như vậy, cháu cứ thấy nó hèn hèn thế nào ấy!
Ông cụ chỉ đăm đăm nhìn tôi mà không nói gì cả.
Cuối cùng cụ khuyên tôi:
- Chỉ còn cách đưa cho nhà xuất bản. Nhưng như vậy sẽ tốn kém đấy. Tôi thấy anh không phải là người có nhiều tiền, nhưng phải cố gắng vậy thôi. Thời tôi còn khỏe đi làm, thì nhà xuất bản có hỗ trợ cho tác giả sách mấy chục phần trăm. Nhưng bây giờ không biết có còn chế độ này nữa không?
Tự nhiên tôi thấy yêu mến cụ già tốt bụng này biết bao. Cứ suy từ cụ mà ra, là một nhà văn nổi tiếng với bao nhiêu giải thưởng lớn của nhà nước và của cả quốc tế, đi nước ngài trên chục lần, mà đến thăm cụ quan sát thì chung quanh cụ chỉ toàn sách là sách, sách nhiều vô kể. Một bộ bàn ghế xuềnh xoàng để tiếp khách, một cái bàn viết nhỏ quay mặt ra cái cửa sổ và một vỉa hè vắng vẻ, một cái đèn bàn rẻ tiền và một cái quạt cây cũ kỹ. Bên trong phòng ngủ có một cái giường nhỏ và một cái ti-vi cổ, đít lồi.
Hà Nội vào mùa hè có những hôm nóng đến ba tám, ba chín độ, mà chỗ ở một danh nhân không thấy có một cái điều hòa!
Một số người nói với tôi:
- Có khi cụ không chịu được điều hòa nên không lắp.
Có người còn ác ý:
- Có khi ông cụ “đóng kịch” đấy!
Tôi thì nghĩ khác. Một người như cụ tuổi đã trên chín chục, gần đất xa trời rồi còn “đóng kịch” thì đóng để ai xem? Mà đóng kịch vì mục đích gì cơ chứ! Để tỏ ra đặc biệt khác người, để nổi tiếng à? Cụ đã chẳng phải chạy trốn “cái sự nổi tiếng” rất vất vả đó sao!
Có lần cụ đã nói với tôi:
- Nghề viết văn không làm giàu được. Muốn làm giàu thì đừng viết văn!
Tôi cũng hiểu rằng viết là cái nghiệp. Nó đã vận vào thân, gỡ cũng chẳng ra. Mà gỡ ra rồi để làm vương, làm tướng gì cơ chứ? Kinh doanh làm giàu à? Hay phấn đấu để trở thành “đầy tớ của dân”!
Trong lời tựa quyển sách đầu tay tôi viết:
Ai cũng chỉ có một cuộc đời.
Vài chục năm trong cuộc đời ấy thì viết cũng là một cuộc chơi.
Đã bước qua cái ngưỡng của tuổi bảy mươi, tôi mới dám viết, phải chăng là quá muộn mằn?!
Nhưng như người xưa đã dạy: “Muộn còn hơn không!”
Viết, với tôi giờ đây là một nhu cầu tự thân. Viết cho mình, cho bạn bè, cho người nào muốn đọc và cũng bởi vì khi mà tuổi trời sắp hết, trí lực cạn dần, không viết thì còn biết làm gì nữa!
 Có điều gì làm người đọc chưa vừa lòng, cúi xin rộng lòng tha thứ.
***
Di bút của nhà văn Tô Hoài, tháng 09 năm 2012, hai năm trước lúc cụ đi xa.


***
Cuối cùng thì cũng phải vay mỗi nơi một ít để xuất bản tập truyện đầu tay chỉ gồm có ba mươi truyện ngắn.
Nói vậy không phải là để kế khổ đâu.
Bởi bây giờ Văn hóa Đọc” không còn được coi trọng nữa. Người ta có rất nhiều cách để đọc:
  • Trên mạng xã hội.
  • Trên Iphone thông minh.
  • Trên Ti-Vi.
  • Thậm chí chỉ là trên một cái đài bán dẫn nhỏ xíu.
  • ...
Thuận tiện, lại không mỏi mắt, đã có người đọc cho nghe rồi, vừa đỡ tốn tiền mua sách, đỡ tốn thời gian, lại không phải mang sách đi lại thêm phiền toái...
Thành ra sách in ra chỉ để biếu bạn bè thân. Tôi cũng chỉ dám in có 400 quyển mà vợ chồng đã phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” rồi.

Tuy nhiên bù lại cũng có vài mẩu chuyện vui và đáng nhớ phết:

·  Có một ông văn sĩ già tận Sài Gòn, nhà văn Xuân Hồng được ông bạn tôi cho mượn sách đọc đã lọ mọ ra Hà Nội, tìm đến nhà để được gặp người viết, ăn với nhau bữa cơm và chỉ để xin một quyền sách có chữ ký của tác giả.

·  Một ông bạn học thời Phổ thông, ông Thành sau trở thành một kỹ sư Địa chất tài ba, được giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1975, vì đã có công lập bản đồ Khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000.
Ông này được tôi biếu một quyển truyện, sau đó gặp tôi nói:
- Truyện mày viết tao xem thích, nên đưa cho thằng Minh đạo diễn số một của Việt Nam mượn  đọc. Xem xong nó nói: Truyện Đội Ngự viết hay, tao thấy nó còn sâu sắc hơn truyện phim hay nhất của tao. Tiếc rằng không thể dựng thành phim được bởi nội dung không phù hợp với hiện tại!

·  Có hai ông người Hà Nội đi Mỹ từ 1975, nay đã trên 80 tuổi về nhà cô em gái cạnh Chợ Mơ thấy có quyển “Đội Ngự” ở đầu giường bèn bảo đứa cháu mua hộ mấy quyển để đọc và làm quà cho bạn bè bên Mỹ. Các ông ấy nói ở bên kia các ông đã đọc truyện này trên vantuyen. net thấy ưng, nên muốn mua bằng được.
Cô cháu gái mò mẫm thế nào đã tìm mua được mấy quyển mãi tận Giảng Võ. Khi biết truyện tôi in không ký gửi ở đâu cả, mấy ông bạn bực mình lắm, bàn là phải kiện bọn in sách lậu, nhưng mấy ông khác lại nói:
- Có mà “con kiến mà kiện củ khoai”! Xét đến cùng nếu đã là người Việt Nam thì mấy ai không biết nói dối và ăn cắp vặt! Trong xã hội này, muốn đi tìm công bằng, cố đi tìm chân lý, nếu không phải người điên thì cũng là người chập cheng!
Một ông an ủi nói:
- Như vậy là sách của bác cũng còn có người muốn đọc. Mà sách in lậu với sách in chính thống có khác đếch gì nhau! Chỉ có điều là bác không thu được xu nào cả!
***
·  Có một vị Tiến sĩ Văn học, ở tận bên Đức viết một bài dài về “Đội Ngự”:

 

"Những người quanh ta"

08-08-2012 | 04:05
Tập sách gồm 30 truyện ngắn - ở mỗi truyện hiển thị một vài nhân vật mà ta thường gặp trong cuộc sống qua nhiều thập kỷ nay. Mỗi nhân vật có hoàn cảnh, thân phận, phẩm chất và tính cách riêng.

     Đó là đội Ngự (“Đội Ngự”, tr.5 – được lấy tên đặt cho tập sách), là lính bảo hoàng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong khi, cô Mai – vợ anh lại là xã đội trưởng, phụ trách đội du kích chống càn, đánh đồn rất anh dũng. Địch bắt được Mai và chúng biết rõ Mai chính là vợ của Ngự. Tên tây lai đồn trưởng gọi Ngự đến để hai vợ chồng nhận nhau, từ đó, hy vọng Mai sẽ khai báo tất cả cơ sở bí mật của ta. Mai đưa mắt làm tín hiệu cho Ngự để họ không nhận nhau là vợ chồng và khước từ mọi yêu cầu của chúng. Tên đồn trưởng đưa khẩu súng lục cho Ngự ra lệnh cho Ngự bắn chết vợ. Ngự bàng hoàng, không thi hành lệnh. Một lần nữa, Mai lại đưa mắt nhìn Ngự, như năn nỉ “anh cứ bắn em đi; ở trên trời cao kia em hiểu anh và tha thứ cho anh!”. Trong khi đó, tên đồn trưởng la hét, giục giã Ngự làm cái việc mà ai trong hoàn cảnh ấy cũng không chịu nổi. Mai lại đưa mắt nhìn Ngự như ra lệnh – một mệnh lệnh còn hiệu lực hơn cả mệnh lệnh của tên đồn trưởng. Khẩu súng trong tay Ngự khạc ra tiếng nổ. Máu từ ngực Mai bắn ra tung tóe, cô ngã gục, Ngự cũng ngã xuống theo vợ. Sau cơn bàng hoàng, Ngự nâng vợ lên, anh gục xuống, lịm đi! “Sau khi chôn cất Mai, anh chỉ còn lặng lẽ như một cái bóng. Anh không nói gì và cũng không ai dám nói gì với anh. Anh sống vật vờ, câm lặng và đôi khi thấy anh ngước lên trời như đang tìm kiếm ai ở đó” (tr.19).
      Đó là cô Lanh (“Cái vỏ”, tr. 21) góa chồng từ khi 18 tuổi, mọi đòi hỏi ham muốn dục tình bị nén lại qua lao động như trâu húc mả, khiến cho các nhà lãnh đạo, quản lý khâm phục, rồi bồi dưỡng Lanh trở thành anh hùng lao động. Khi trở thành anh hùng lao động, Lanh lên chức như diều, trong khi ham muốn dục tình không thể nguôi ngoai, nhưng lại muốn giữ mình, nên cô thầm kín quan hệ, có khi với một nam nhân viên cấp dưới, có khi với chàng trai giúp việc trong nhà. Có thai nhiều lần, nhưng vì chức cao quyền trọng, nên cô đều phá thai. Thế rồi, đến một lần chuyện phá thai không trót lọt, Lanh bị phát hiện và bị kiểm điểm, rồi bị thi hành kỷ luật, xuống “phụ trách” trại chăn nuôi. Thân bại, danh liệt, cô ốm đau rồi chết trong một đêm mưa buồn. Nhân vật trong truyện đối thoại với Lanh giúp người đọc thấy bản chất con người Lanh: “Bản chất chị không phải là người xấu...Nhưng chị bị người ta biến thành một người khác, được bọc một cái vỏ hoàn toàn không phù hợp với con người thực của chị... Xung quanh toàn bọn tay chân nịnh bợ và vì thế chúng đã biến chị thành quái vật...Phải chăng do luyến tiếc cái vỏ hào nhoáng kia mà chị đã không gớm tay hạ thủ chính con mình đẻ ra.” (tr39).
     Đó là Ngát (“Chàng gàn” – tr.103) làm công việc kiểm tra chất lượng công trình ở một công trường nọ. Với công việc ấy, nếu anh làm qua loa, xí xóa cho  các đội xây dựng bớt xén nguyên vật liệu và làm ẩu, thì anh tất yếu được nhận những khoản “thù lao” hậu hĩnh. Nhưng, anh đã làm ngược lại, nên không những túi rỗng mà còn bị chê là gàn. Cũng bị chê là gàn, khi anh thẳng thắn đấu tranh chống lại những nếp nghĩ, những việc làm sai trái ở công trường mình. Nhiều người không chỉ chế giễu Ngát  là gàn, mà còn coi anh là cám hấp, là chập mạch, vì anh nhường suất nhà của anh - do cơ quan phân - cho người khác, trong khi hai vợ chồng anh và đứa con nhỏ đang ở nhờ dưới cái mái Tam quan vẻn vẹn gần ba mét vuông của một ngôi chùa. Người ta gọi Ngát là chàng gàn, chàng hấp, nhưng anh ý thức và tự hào về những điều anh nghĩ, những việc anh làm. Cũng vậy, vợ anh cũng ý thức và tự hào về chồng mình, Chị tâm sự với anh: “Nhiều người bảo anh là gàn, là hấp, nhưng với em, anh là một người đàn ông tuyệt diệu nhất...” (tr.123).
     Đó là Liên (“Liên”, tr.130) có một người chồng nói chung là tốt. Tuy nhiên, vì quá ham mê đọc sách đến mức gần như quên mình có vợ. Lời một nhân vật kể về cuộc sống hôn nhân của vợ chồng Liên: “Bây giờ chúng nó vẫn còn rất thương nhau. Nhưng “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Nó bảo anh ấy cứ đều đặn một giờ sáng trở dậy đọc sách đến bảy giờ. Lục cơm nguội, có thì ăn, không thì thôi, sau đó lặng lẽ dắt xe đi làm đến tối... Ngoài sách vở thì anh chẳng chú ý đến cái gì nữa... Nó còn bảo, có khi cả tháng anh ấy chẳng nói với nó một câu, hỏi nó một lời, cứ lặng lẽ như cái bóng... Thế rồi nó lẩn thẩn nghĩ rằng, hay là giả vờ ngoại tình để anh ấy phải chú ý đến nó. Nhưng nào ngờ giả hóa thật, thằng cha kia “cứ dính như keo, giằng không đứt, dứt chẳng ra” (tr.138). Thế là Liên sa vào nhiều cuộc ngoại tình tiếp theo; vợ chồng ly dị, Liên lấy một ông chồng hơn mình hai chục tuổi. Cô ốm yếu, rồi chết trong cảnh buồn thảm.
     Đó là vị hòa thượng trụ trì ở một ngôi chùa nọ đã có cuộc tình duyên trắc trở từ thời trai trẻ (“Báu vật”, tr.180). Chàng trai ấy khỏe mạnh, đẹp trai, nhưng nhà nghèo và cô gái xinh xắn, nết na con nhà phú hộ giàu có yêu nhau, nhưng họ không lấy được nhau. Nàng đi lấy chồng; chàng xuất gia, lên chùa xuống tóc từ đó. Rồi một chiều mùa đông, có một cậu trai đến gặp hòa thượng mang theo một chiếc hộp gỗ nhỏ cũ kỹ dâng cho hòa thượng. Hòa thượng mở hộp hộp gỗ ra, thì đó là một con trâu đất mà thuở thiếu thời, hòa thượng đã nặn và tặng người yêu mình và cũng chính là người mẹ của cậu trai kia. Trước khi qua đời, người mẹ tội nghiệp ấy giao cho con cái hộp gỗ với con trâu đất và dặn con đến chùa dâng tận tay hòa thượng. Mắt rưng rưng, hòa thượng ngắm nhìn, tay vuốt ve con trâu đất; chào từ biệt chàng trai rồi đi vào phòng trong đóng cửa. “Hôm sau, đã muộn không thấy nhà sư trở ra, người ta đẩy cửa vào thì thấy người ngồi thiền ngay ngắn trước ban thờ Phật nhưng đã viên tịch từ lúc nào, hai tay vẫn trân trọng ôm chiếc hộp gỗ nhỏ cũ kỹ như một báu vật” (tr.189).
      Chỉ qua năm truyện ngắn trong tập, bạn đọc đã gặp quanh ta những con người muôn vẻ cuộc đời mà phần đông là hoàn cảnh, số phận bất ổn của họ.Với cả ba mươi truyện ngắn của Trần Quốc Khánh bạn đọc sẽ còn gặp nhiều hơn thế nữa những nhân vật, mà thực chất là những người quanh ta với mọi dạng vẻ như chính cuộc sống vậy đã tồn tại qua nhiều thập kỷ và còn hiện hữu cả đến hôm nay.
     Hình thức thể hiện của truyện ngắn Trần Quốc Khánh theo lối truyền thống; rất chú ý xây dựng tính cách nhân vật trung tâm, khiến người đọc cảm thấy các nhân vật trung tâm ấy càng thêm gần gũi, như họ là những người quanh ta vậy!
Mai Thanh
Họ tên: Mai Thanh - Tiến sĩ Văn học Tốt nghiệp tại CHLB Đức
Giới tính: Nam
Ngày sinh: 05/12/1952
Địa chỉ hiện tại: Bộ Thông tin và Truyền Thông
Liên hệ:  Điện thoại: 01248355940       Email: maithanh52@gmail.com


·   Ít năm sau, một số bạn gọi điện đến giục tôi:
-  Xuất bản tập thứ hai đi, chứ nhà văn, nhà viếc gì mà lại chỉ xuất bản có mỗi một tập truyện!?
-   Cố đợi ít bữa nữa, bán được nhà, mình sẽ đưa xuất bản ngay!
-   Ôi! Cậu thật là đồ nhà văn giẻ rách!!!
-   Nếu nhà văn mà không giẻ rách, thì ai sẽ là giẻ rách đây???   


Hà Nội, 2018.
(1)   Web : World wide web viết tắt là WWW: mạng toàn cầu




Ngựa đàn


Bãi biển Đồ Sơn Hải Phòng dưới nắng vàng rực rỡ



Mẹ con


Tri kỷ


1.
Tôi với hắn cùng được xếp là hạng thợ nhọ đít(1), ngồi bệt xuống đất rồi. Xấp xỉ tuổi nhau. Biết nhau từ lúc còn bú mẹ. Luôn cặp kè nên bên ngoài ai cũng tưởng là hợp nhau lắm, nhưng thực tế lại hay cắn nhau như chó với mèo”.
Bọn tôi ở chung với nhau trong một gian kho cũ mượn tạm của người quen, thành ra cũng tiện. Chủ thì đỡ mất tiền thuê người trông kho, mình lại không tốn tiền thuê chỗ ở, tháng tháng cũng tiết kiệm được ít tiền tiêu vặt.
Ăn cùng mâm, ngủ cùng giường nhưng nghĩ ngợi thì chẳng mấy khi giống nhau. Các cụ thì hay nói chữ theo kiểu của mấy ông đồ gàn là “đồng sàng dị mộng”(2). Nhưng rồi đâu cũng vào đấy, bởi có việc gì to tát đâu mà xảy ra xung đột cơ chứ!
Công việc, ăn ở thì ngày nào cũng như ngày nào, đến nỗi gặp nhau không buồn nhìn, nhưng vắng nhau lại thấy thiêu thiếu!
Hắn đã đoảng lại vô tâm, tôi thì hay soi mói rồi suy diễn.
Có lắm cái chúng tôi vặc nhau chỉ vì những chuyện không đâu:
- Làm đéo gì mà cứ rình mò đằng sau người ta như thằng ăn trộm thế?
- Không rình thì làm sao biết cậu đang định giở trò gì!
- Đồ cám hấp! Thế cậu biết tớ đang định giở trò gì?  
- Chẳng làm cái đéo gì sất!

2.
Sáng sớm hôm ấy hắn lảng ra chợ mua bánh cuốn về ăn. Lúc hắn bảo tôi ra ăn. Vì không bảo trước nên tự ái tôi nói:
- Tớ không ăn.
- Sao không ăn?
- Không ăn tức là không ăn!
- Không ăn thật à? Thế thích ăn cái gì?
- Bánh đúc!
- Mai mua bánh đúc.
Hỏi thế rồi hắn ngồi tem tẻm một mình đánh hết gần nửa cân bánh cuốn và hai lạng chả béo ngậy. Hắn nhơn nhơn tự đắc, nhưng sau đó có vẻ đầy đầy, cứ ợ lên, ợ xuống, thỉnh thoảng lại liếc trộm về phía tôi như muốn nói gì đấy nhưng thấy tôi thờ ơ, nên cuối cùng hắn cũng không hỏi nữa. Đến trưa tôi nấu cơm có canh chua là món hắn thích nhất thế mà khi gọi ra ăn, hắn chẳng nói, chẳng rằng ra đầu ngõ, ngồi xổm xem trẻ con đánh đáo.
Mãi tối, hắn mua mấy củ khoai luộc về bảo tôi ăn.
Tôi làm bộ vô tình:
- Bỏ cơm chiều, tối lại mua khoai về ăn là sao?
- Thích thế!
- Này, mai cậu lại mua bánh cuốn về, tớ sẽ pha nước chấm thật ngon có cả rau thơm Láng nhớ! Tôi tảng lờ.
- Muốn ăn thì mua mà ăn một mình!
- Sao thế!
- Chả sao với giăng gì sất!

3. 
Đêm qua đã khuya đi đâu về, hắn gọi toáng lên từ ngoài ngõ là nhà có khách.
Tôi dậy thì thấy vợ hắn từ quê ra thăm. Tay xách, nách mang, dưa cà, khoai gạo và cả hai đứa con nhỏ, đứa lẫm chẫm đi, đứa còn ẵm ngửa.
Hắn thì vui ra mặt, đon đả, tíu tít đun nước pha chè.
Tôi uống với vợ chồng hắn chén nước, ngồi một lát rồi biết là chẳng còn cách nào khác, phải tìm chỗ mà ngủ để nhường cho gia đình hắn gian kho nhỏ với cái phản nhỡ độc nhất.
Hắn có vẻ ái ngại hỏi lấy lệ:
- Đi đâu đấy, bây giờ đã khuya rồi?
- Khuya cũng phải đi chứ biết làm sao?
- Ừ thôi, thông cảm nhé!
Sáng sau hắn ra sân thấy tôi nằm trên bãi cỏ tít ngoài ngõ, đầu gối lên gốc cây xà cừ.
Hắn cởi áo đắp lên người tôi. Tôi lờ đi như không biết.

4.
Hắn làm phụ nề trong một công trường xây dựng, ở đấy có tay tổ trưởng đã đểu, hay quịt tiền công thợ lại dâm dê, cứ sểnh ra một cái là lại rình nhìn trộm mấy đứa con gái tắm chuồng trong con mương gần đấy. Hôm bị bọn nó phát hiện, đuổi đánh. Chẳng hiểu mô-tê răng-rứa gỉ, hắn cũng cứ phăm phăm xông ra can gián. Bị nửa viên gạch vào đầu, máu me lênh láng, nhưng vẫn cố nghển cổ lên cãi:
- Sao lại vô lý thế! Nó nhìn thì có mòn tí nào của chúng mày không?
- Thế nếu vợ cậu tắm có đứa nhìn trộm thì sao?
- Đập cho què luôn!
- Thế thì chỉ của mình mới giữ à?
- Tất nhiên!
- Chả trách vỡ đầu cũng phải!

5.
Một chiều khi tôi đi làm mãi tận làng bên về hơi muộn, tới nhà thì thấy có một bà lão ăn mày đang ngồi ăn cơm cùng hắn.
Tôi hỏi:
- Quen à?
- Không.
Thế làm sao lại đưa về đây?
- Thấy đi xin ăn mà nói không ra hơi. Hỏi mới biết là hơn hai ngày rồi không có miếng gì vào bụng.
- Đêm nay để bà ấy ngủ ở đâu?
- Trên phản chứ còn đâu nữa! Tớ mới cậu nằm ngoài hiên, đã có mấy vỏ bao xi-măng tớ mang ở công trường về.
Tôi nhìn hắn hơi ngỡ ngàng, nhưng trong lòng thì chấp nhận.
- OK!
Sau đó hắn bàn bạc với tôi hay là để bà lão ở lại đi chợ nấu cơm cho hai thằng!? Mình chỉ việc đi làm về tắm táp xong là đã có cơm ăn, chẳng sướng hơn hay sao?! Tôi đồng ý ngay. Nhưng còn chỗ ở cho bà lão thì loay hoay mãi mới giải quyết được.
Thời gian sau mới biết bà ta ở ngay làng bên, chẳng may gặp cảnh về già còn bất hạnh, có thằng con mất dạy nghiện hút, lấy vợ rồi đuổi mẹ đi ăn mày.
Hắn cay lắm, tìm sang nhà bà lão gây sự bị vợ chồng thằng mất dạy kia đánh cho một trận nhừ tử.
Tôi đùa hắn:
- Tưởng thời Séc-văng-tét mới có Đôn-ki-hô-tê(3), thế mà không ngờ Đôn-ki-hô-tê lại ở cùng mình, ăn cùng mình, ngủ cùng với mình đấy!?

6.
- Ngoài xóm có người khoán làm vệ sinh vườn tược cả cái trang trại rộng lắm.
Hắn về rủ tôi cùng làm. Tôi đồng ý, hắn nói luôn:
- Tớ tìm ra việc, cậu phải trả thù lao và chênh lệch.
-  Được rồi, thế bao giờ làm?
-  Ngay ngày mai.
- Thù lao 10% cộng chênh lệch 10% nữa, tức là tổng tiền có bao nhiêu, tớ 60% còn cậu 40%.
-  Tức là cậu gấp rưỡi tớ?
-  Ờ, đúng rồi!
-  Ăn đéo gì mà ăm lắm thế?
-  Có làm không, để gọi thằng khác!
-  Đéo làm!
-  Thế rút xuống còn 45% - 55% được chưa?
-  Rồi.

7.
Bình thường hắn ăn khỏe, làm không khỏe hơn tôi là mấy, nhưng cũng chẳng yếu hơn nhiều. Được cái chịu khó, chăm đi chợ, nấu ăn, phải cái hay ăn quà vặt ngoài hàng. Có lần có người quen đến chơi giữa chừng, tôi thấy hắn đã đi chợ từ sáng rồi, sợ thiếu thức ăn, nên đi ra định mua thêm cái gì đó, thì thấy hắn đang ngồi ở hàng bánh đúc, đánh tem tẻm hết ba, bốn tấm ngon lành. Tôi bảo mua thêm cái gì đó để đãi khách, hắn gật đầu rồi vẫn ngồi ăn tì tì.
Tôi nói:
- Ăn nhiều thế thì tí nữa ăn làm sao được cơm?
- Không thành vấn đề (In ni a pa đờ Prô-blem)(4) - Hắn quen mồm thêm cả tiếng Pháp vào. Làm tôi chợt nhớ ra là hắn đã tốt nghiệp Trung học Giao thông từ hai chục năm trước. Lúc hắn mới mười chín tuổi đã được đề bạt là Phó ty Giao thông. Một hôm hắn nóng tiết đánh ông Trưởng ty một bạt tai rõ đau, chỉ vì ông này đã bắt nạt một nhân viên cấp dưới, rồi phủi quần bỏ ra bên ngoài làm tự do, can ngăn kiểu gì cũng không được.  
Nghĩ đến đó vừa thấy là lạ, vừa nể nể thành ra ít để ý đến nhược điểm của hắn nữa. Vì vậy chúng tôi vẫn là một đôi tuy không hoàn hảo, cũng vẫn là một đôi gắn bó hơn hai chục năm rồi!
Làm gì cũng cùng, ăn ở cũng cùng, tuy thi thoảng cũng hục hặc tí chút.

8.
Chuyện cũ kể lại, hắn tát lão trưởng ty, rồi phủi đít quần bỏ về, thì lúc ấy cán bộ kỹ thuật còn ít lắm, còn quí lắm. Cụ Giám đốc Nha Giao thông Bắc Việt, Đảng viên Quốc dân đảng duy nhất có chân trong Quốc hội từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập năm 1946, mới phải lọ mọ đến nhà mắng cho hắn một mẻ, rồi bảo:
- Bây giờ anh có hai lựa chọn:
a-     Một là đi tù vì tội hành hung cấp trên và tự ý bỏ việc nhà nước.
b-    Hai là trở về cơ quan đi làm ngay ngày mai!
Tất nhiên là hắn chọn cách thứ hai. Người ta phải đổi “xừ” trưởng ty cũ đi chỗ khác cho êm chuyện. Vì vậy khi về hưu, lương hắn khá cao, người ta luôn lấy cái mốc cao nhất trong thời gian công tác để tính lương hưu, mà bét ra hắn cũng đã từng là Phó trưởng ty, chứ có phải cứt đâu. Thằng em tôi tốt nghiệp Bách khoa mười năm trước mà lương chỉ bằng già nửa lương hắn. Tuy lương hưu cao so với người khác thế vẫn không đủ nuôi vợ con, nên hắn phải tìm việc làm thêm.
Ngoài cái kỹ thuật làm ở bàn giấy, hắn chỉ còn biết mỗi việc là đi làm phụ vữa.
Bình thường hắn là người phóng khoáng, ăn hôm nay không lo đến ngày mai. Nhưng khi hết tiền cũng vẫn đàng hoàng chứ không sút mút như người khác.
Hôm nọ, có người từ quê ra thăm, hắn dám sang hàng xóm vay tiền mua đồ ăn hết phăng cả tháng lương. Mấy hôm sau thấy tôi đi làm xa về, hắn mừng lôi chai rượu ra, rồi lục tung cả chạn vẫn không còn có cái gì đáng đem ra làm mồi nhắm. Lúc sau hắn cười hề hề bê bát tôm rang ra cùng ngồi nhâm nhi với nhau.
Thấy cái cung cách ấy nó vừa “chân chất nhà quê”, lại vừa đáng yêu thế nào ấy.

9.
Năm trước có ông anh rể hắn đã từng làm Tỉnh trưởng một tỉnh cỡ trung ở Miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa từ Mỹ về thăm. Ông ta mở va-li quần áo ra bảo hắn lấy mấy bộ mà dùng, hắn lắc đầu từ chối, nói là làm lao động dùng quần áo này không tiện. Sau ông ta cứ nài nỉ mãi, hắn nhặt một bộ, mà chiếc áo sơ-mi có đôi khuy măng-sét(5) mạ vàng long lanh rất đẹp.
Lúc ông ta về, tôi bảo:
- Đem bộ khuy này ra hàng vàng mà bán chắc được khá tiền!
Hắn cười bảo:
- Đồ nhựa mạ thì hàng may nó cũng đấm thèm vào, nói chi đến hàng vàng!
- Nhựa mạ à? Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Cầm lên xem thì biết! Tớ nể lấy một bộ cho ông ấy đỡ nghĩ, cứ mời mọc nhiệt tình mãi, phiền!
- Thì ra vậy!  

10.
Hôm rồi tôi bị cúm rất nặng, gần như mê man, bất tỉnh. Hắn chạy đôn, chạy đáo chăm sóc làm tôi thấy thật cảm động. Mấy hôm sau đã đỡ mệt tôi mới được bà lão giúp nấu cơm cho biết là hắn đã phải vay mượn khắp nơi mua thuốc men và cái ăn bồi dưỡng cho tôi.
Thế mà lúc tinh tỉnh tôi nói lời cám ơn, không ngờ hắn nổi cáu mắng nhiếc không tiếc lời.
Thật đúng câu:
“Ai ơi, mật ngọt chết ruồi, những nơi cay đắng là nơi thật thà”.
Các cụ cũng có nói: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” cấm có sai bao giờ!


  Hà Nội, 2018.

(1)   Nhọ đít: Làm tự do, không có nghề chuyên môn, gặp gì làm nấy.
(2)   Đồng sàng dị mộng: nghĩa đen là ngủ chung giường, nhưng làm mộng khác nhau. Bên ngoài có vẻ gắn bó, nhưng tâm tư chí hướng khác nhau.
(3) Đôn-ki-hô-tê: Don Quijote (tiếng Tây Ban NhaDon Quijote de la Mancha / Don Quijote xứ Mancha là tiểu thuyết của văn sĩ Miguel de Cervantes Saavedra (1547-1616).   
(4)   In ni a pa đờ prô-blem: Il n’y a pas de problème: không vấn đề gì (tiếng Pháp).
(5)   Măng-sét: Tay áo sơ-mi loại sang – Manchette (tiếng Pháp)