tháng 5 15, 2016

Người bạn mới

Tomoski Fukushima là Giám đốc dự án Xây dựng Mười cầu lớn phía Bắc trên Quốc lộ 1A từ Mẹt đến Đồng Đăng.
Hôm ở Nhật vừa sang Việt Nam nhận nhiệm vụ, gặp nhau ở hành lang Văn phòng Cơ quan chính(1) thuê trên tầng bốn của tòa nhà PMU18(2), gần Mỹ Đình, ông đã cúi rạp xuống chào tôi sau lời giới thiệu của ông Ikiro Tanaka là kỹ sư hiện trường, làm tôi hơi hoảng và lúng túng. Mãi sau mới hiểu ra người Nhật là như thế, sau này quen lâu đã khá thân mật tôi mới dám chuyện trò vui vẻ với ông.
Khi biết Tomoski Fukushima là Kỹ sư bậc nhất(3) đã tốt nghiệp Kỹ thuật trường Đại học Na-goy-a(4) sau đó có học nâng cao ở Mỹ với bằng tốt nghiệp xuất sắc.
Tôi hơi nể vì sự hiểu biết nhiều mặt ngoài kỹ thuật làm cầu đường và điều hành dự án của ông.  
Tomoski Fukushima chỉ khoảng xấp xỉ năm mươi, trông rất thư sinh, chứ không giống như dân “lục lộ” bọn tôi.
 Đã có lần tôi tâm sự với một đồng nghiệp:
-   Mình có cảm giác tay này giống một “gián điệp” hơn là một kỹ sư cầu đường!
-   Làm “gián điệp” thế quái nào được với cái bộ dạng “trói gà không chặt” này!
-   Thế cứ là gián điệp thì phải “vai u, thịt bắp” à?
Và rồi lần đi nhận tuyến mới vỡ ra là ông ta rất khỏe, đi bộ cực dẻo dai, nhưng lại rất sợ rắn rết và các côn trùng khác trong rừng.
Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng. Ai lại đi so bì với nhau, khi tôi hơn ông ta hàng chục tuổi lại là người Việt Nam.
Trong bữa ăn chiều ấy, tôi tình cờ ngồi cạnh Fukushima, ông ta có trao đổi với tôi và lúc đó tôi mới biết ông ta còn giỏi cả chữ Hán nữa.
Tôi khen ông ấy là người thông minh, nhưng ông ta cười rồi nói:
- Ông còn thông minh hơn!
Tôi hỏi vì sao ông nói vậy? Ông ta bảo nhìn thấy trên mặt tôi hiện ra cả chữ Nhật và chữ Nguyệt. Mà hai chữ đó hợp lại thành chữ Minh.
Tôi cười hỏi là ông ta biết xem tướng nữa à! Ông ta cười gật đầu công nhận.
Tôi đùa hỏi thêm:
- Thế ông có thấy trên mặt tôi hiện lên chữ Giàu không?
Ông ta cười lắc đầu:
- Không thấy! Nhưng tôi nghĩ không có gì đáng quý bằng sự thông minh.
Có lẽ ông ta nói thế là để an ủi tôi thôi, vì tôi biết làm sao mà giàu được dù có thông minh đến đâu đi nữa!
Khi dự án đã vào guồng thì ai cũng bận, nhưng dù điều hành ở Văn phòng Chính Hà Nội, thỉnh thoảng ông ấy cũng Fax(5) xuống cho tôi, lúc chỉ là một câu thăm hỏi sức khỏe mà lại bằng tiếng Trung Quốc như: - “Nỉ hảo, pú hảo?”(6), mới ngộ chứ! Lúc là một bức tranh trên mạng.
Khi nhận được Fax tôi cũng muốn trao đổi lại. Nhưng cũng may có một anh bạn trẻ tốt bụng góp ý là không nên làm vậy, vì “trao đổi” như thế rất nguy hiểm. Chẳng ai biết đó là cái gì, nhưng đúng là không “minh bạch”!
-   Bác không nên trao đổi với người nước ngoài qua Fax. Mấy anh An ninh mạng không biết bác và ông Fuk(7). trao đổi với nhau cái gì, nhất là lại bằng tiếng Anh, cái thứ tiếng mà họ không giỏi và không thích lắm! Rất dễ sinh ra hiểu lầm. Lỡ như hôm nào đó các anh ấy không được khỏe trong người, bực lên ghép mình vào tội này, tội nọ! Lúc bấy giờ có mà giời cãi!
-   Lại đến thế cơ à? Tôi kinh ngạc hỏi lại.
-   Dự án kéo dài trên năm trời lại toàn là công trình trọng điểm cỡ Quốc gia, làm sao tránh được những sự cố. Nếu là bác, bác có đặt vấn đề những ai cứ thì thầm trao đổi khi mà bác không biết là họ đã nói với nhau cái gì sau lưng mình không?
-   Ờ, thế ra mình còn ngù ngờ quá nhỉ! Tôi thốt lên công nhận và vội vàng cám ơn cậu ta.
Mãi sau tôi mới biết anh bạn trẻ góp ý cho mình hôm đó chính là một nhân viên An ninh trong Dự án, tôi còn biết anh chàng này rất dốt tiếng Anh và cũng rất ghét ai hay trao đổi với nhau bằng tiếng Anh nhất là khi anh ta đang có mặt ở đấy.
Nên khi gặp lại ông Fuk tôi đành nói dối là máy Fax chỗ tôi hay trục trặc, vả lại tôi đi vắng luôn nên không trả lời ông được.
Mãi sau này khi gần kết thúc dự án ông ta mới gần như hiểu ra một phần của sự viêc và tỏ ra rất thông cảm với tôi. Vì cứ thử nghĩ mà xem, tôi chỉ là một nhân viên kỹ thuật làm hợp đồng, một người bị điều hành, lại được Giám đốc Dự án hay thăm hỏi, đấy chẳng phải là điều hơi kỳ lạ và khó lý giải ư?

***
Fukushima làm việc ở văn phòng tại Hà Nội, nên ít va chạm với các nhà thầu và vì vậy không có nhiều “kinh nghiệm chiến trường” như Tanaka.  
Ở đời, có hợp tất có tan. Hơn năm sau khi Dự án kết thúc, tôi về nghỉ và cái buổi tối chia tay với Giám Đốc Dự án Fukushima sau này làm tôi còn nhớ mãi.  
Hôm đó ông có đặt một bữa cơm nhỏ ở một quán ăn trên phố Lê Văn Hưu Hà Nội để chia tay mọi người và ông thông báo trước là sẽ không nhận bất kỳ một món quà nào.
Tôi cũng được mời tới dự. Tôi biết ông ta rất thích tranh tôi vẽ nhưng không lần nào dám “request”(8) như Tanaka. Tôi còn biết chính ông là người đã “tư vấn” cho Tanaka xin tranh của tôi. Tôi cuộn một bức tranh lụa vẽ hai con chim bồ câu và bắt chước kiểu chữ Hán cổ để viết vào tranh hai chữ “Hòa Bình”. Theo tôi thì đấy cũng là cái tranh đẹp, bởi cứ vẽ cái nào là bán hết cái đó.
Khi gặp Fukushima, tôi nói:
- Tôi biết ông không muốn mang quà từ Việt Nam về Nhật. Nhưng tôi cũng biết là ông rất thích tranh. Vì thế tôi mang đến đây một bức tranh lụa, thể hiện lòng quý mến của tôi đối với ông. Nếu ông không nhận, tôi sẽ rất buồn.
Ông xem tranh và bắt tay tôi rất chặt. Ông hớn hở hỏi tôi chữ đề trong tranh:
- Hòa bình, hòa bình. Đúng không?
- Đúng.
- Tôi nhận, tôi nhận. Rất cám ơn ông! Ông hấp tấp nói.
Nói xong ông cuộn tranh cẩn thận và cất vào chỗ cao nhất trên mắc áo. Quay ra ông mời mọi người nâng cốc vui vẻ.
Lát sau, Đỗ Ngọc Chung bước vào. Anh ta tươi cười chào mọi người.
Mọi người đều nể sợ anh ta vì mấy lý do:
* Anh ta tuy chỉ là một trưởng phòng Kỹ thuật, nhưng lại đại diện cho PMU18 một Ban Quản lý to nhất của Bộ Giao thông, có quyền tuyển chọn các nhà Đầu tư nước ngoài cũng như các nhà thầu thi công trong nước.
* Anh ta là người có năng lực, giỏi chuyên môn và ngoại ngữ (anh ta được cơ quan cho đi học thêm tiếng Anh ở Úc hơn hai năm) nên các vị lãnh đạo PMU18 gần như dựa hẳn vào anh ta và anh ta cũng nhân cơ hội ấy luôn tự tung, tự tác. Cũng vì vậy anh ta rất xấc xược, thường không coi ai ra gì.
Mọi người ra chào hỏi anh ta rồi cậu Hải Râu, để lấy lòng “sếp” đã thì thào mách với Chung:
- Fukushima nói không nhận quà của ai, nhưng lại nhận tranh của ông Khánh.
Chung bèn quay lại hỏi Fukushima:
- Ông Khánh tặng ông cái tranh gì đấy?
Fukushima đành mang cái tranh đã cất rất kỹ trên cao xuống cho anh ta xem.
Anh ta quay sang nói với tôi:
- Anh vẽ đẹp thế này mà không cho em một cái, lại cho Fukushima?
Tôi nói:
- Tôi tưởng anh không thích tranh!
- Tranh thì ai chả thích! Chung nói không mấy vui vẻ.
Rồi thật bất ngờ Chung rút bút dạ ra ký đằng sau tấm lụa, thế là bọn người bậu xậu(9) cũng bắt chước hắn, hè nhau ký tá. Họ hùa làm theo Chung một cách vô thức để chứng tỏ lòng “trung thành” của mình như một bầy “tôi tớ tội nghiệp”!
Nhưng do tranh tôi vẽ bằng lụa tơ tằm mỏng mảnh, thành ra chỉ loáng sau đó, cái tranh đã loang lổ, đủ các màu mực in lên mặt trước, nhem nhuốc như một bãi rác.
Tôi nghĩ chắc là Fukushima tiếc cái tranh lắm, nhưng vì là người thông minh nên không có một phản ứng nào, ông biết rằng bây giờ có nói gì, làm gì cũng không “làm sạch” được cái tranh nữa rồi.
Tôi cũng biết Chung “không ưa” gì tôi, khi tôi không chịu xun xoe với hắn.
Khi uống được vài tuần thì Chung quay sang để “cà khịa” với tôi bằng trò “đấu rượu”.
Tôi cười, nói với anh ta:
- Tôi đã gấp đôi tuổi anh thì làm sao mà “đú” với anh được! Với lại tôi thấy cái trò thi ăn, thi uống này chẳng hay ho gì!
Nhưng anh ta không nghe, còn mượn rượu lè nhè nói rằng:
- Đã đến đây uống rượu mà nói là không uống được rượu là nói láo. Ông biết tôi ghét nhất gì không?
- Anh ghét gì?
- Tôi ghét nhất những người giả dối như ông…
- Thế anh có biết tôi ghét nhất gì không?
- Ông ghét gì?
- Tôi ghét nhất những thằng xấc xược và mất dạy như anh…
Hắn định xô vào tôi, nhưng cũng may hắn cũng đã lươn khươn và mọi người kịp thời can ra nên cũng không xảy chuyện gì cả.
Ít lâu sau chả biết hắn hỗn láo với ai mà bị đâm gần chết ngay ở cổng cơ quan PMU18.
Hắn không chết, kiện cáo tứ tung, chẳng ăn thua gì. Cuối cùng đành chuyển sang một cơ quan nhỏ hơn để kiếm sống.
Chẳng biết Chung có biết rút ra bài học gì cho cả quãng đời còn lại rất dài của hắn không? 
***
Sau nhiều năm tôi đã đi làm một, hai dự án khác, rồi cũng quên chuyện ông Giám đốc dự án Tomoski Fukushima. Hôm nọ tôi đang ngổi nhà thì cậu Hòa cũng trạc tuổi Fuk trong dự án Mười cầu phía Bắc làm Computer(10) trên Văn phòng chính tìm đến cho hai lọ Đông trùng Hạ thảo Hàn Quốc và hai lạng cao Ngựa bạch.
Anh em rủ nhau ra vỉa hè uống mấy vại bia cỏ, tâm sự lan man.
Hòa nói:
- Hôm nọ thằng Tuấn Anh làm dự toán trong gói V ở Lạng Sơn với bác, bác còn nhớ nó không? Gặp nhau nó định rủ bé Thủy Béo cùng em hôm nào tới thăm bác.
Trong khi chuyện trò, chúng tôi có nhắc đến Fuk.
Tôi hỏi:
-   Thế ông Fuk dạo này thế nào?
-   Ông ấy đã định cư hẳn ở Việt Nam rồi.
-   Thế có nhập quốc tịch Việt không?
-   Ông ấy lấy vợ Việt, đã nhập quốc tịch và hiện ở trong một căn nhà mới mua trên đường Thụy Khuê, cạnh Hồ Tây.
-   Thế Fuk không về Nhật nữa à?
-   Ông ấy mới về Nhật an táng vợ con, rồi vì không muốn cứ mãi ám ảnh với kỷ niệm không vui, nên lại xin với Jica(11) cho đi làm tiếp.
-   Vợ con ông ta vì sao mà mất?
-   Động đất và sóng thần.
-   Nhà gần biển à?
-   Ở Nhật Bản thì chỗ nào chả bị ảnh hưởng động đất với sóng thần!
-   Tội nghiệp, cầu cho linh hồn họ siêu thoát! Sao ông ta không chọn nơi nào khác, mà lại chọn Việt Nam để định cư?
-   Hôm nào rỗi em rủ anh và vài thằng đệ đến thăm Fuk uống rượu. Lão uống tốt lắm.
-   OK.
Hòa nói thêm:
-   Anh à, ở ta, Fuk lấy tên Việt là Nguyễn Phúc Điền.
-   Ờ, nguyên chữ Fukushima có nghĩa là Phúc Điền, tức là thửa ruộng tốt tươi, màu mỡ.
***
Mấy người chúng tôi rủ nhau đến chơi, thăm Phúc Điền vào môt chiều thu mát mẻ. Trong căn nhà vừa phải, rộng vài chục mét vuông mới được Fuk mua ở cuối đường Thụy Khuê. Trên bộ bàn ghế gỗ đơn sơ, một bộ ấm chén Bát Tràng thanh mảnh, giản đơn nhưng tuyệt đẹp, hương chè bay lên ngan ngát, phảng phất gió từ Hồ Tây nhè nhẹ thổi vào làm cho không khí gần như trong suốt, mỏng mảnh và cực kỳ thanh khiết.
Chúng tôi ngồi vây quanh trò chuyện vui vẻ, bỏ lại sau mọi thứ vướng bận hằng ngày. Phúc Điền nói thạo tiếng Việt, đặc biệt là ngữ điệu.
Tôi hỏi:
-   Anh Điền sang Việt Nam bao lâu rồi mà nói tiếng Việt sõi thế?
-   Dạ, cũng hơn hai chục năm rồi còn gì, anh!
Lát sau, một người phụ nữ trẻ trên dưới ba mươi, dáng nhỏ nhắn từ trong buồng bê một đĩa hoa quả ra mời. Cô rụt rè chào mọi người, đặt đĩa hoa quả xuống bàn rồi định quay vào.
Phúc Điền nắm lấy tay cô giữ lại và nhỏ nhẹ giới thiệu với mọi người:
-   Các anh à, đây là nhà em, cô ấy tên Thanh.
Tôi nhanh nhẩu đoảng:
-   Em là người Thanh Hóa ta à?
-   Không ạ, em người bên Gia Lâm.
-   Thế à, em ở Gia Lâm, vùng nào?
-   Dạ, em ở Bồ Đề, sát với Bát Tràng.
-   Nhà em mới sinh cháu được mấy tháng, nên còn yếu. Nhưng chủ yếu là cô ấy rút rát, ngại giao tiếp. Phúc Điền vội thuyết minh thêm như thế.   
Anh còn cho chúng tôi biết thêm là anh vẫn tham gia các công trình của Jibic(12), mới từ Dự án Đường Đông Tây phía trong, mới ra Bắc ít lâu.
Chia tay với gia đình của Phúc Điền, Thủy Béo (bây giờ đã gày bớt) kể thêm với bọn tôi:
-   Phúc Điền gặp Thanh trong trường hợp cô ấy đang bị bọn Bảo kê “dằn mặt” do không chịu “đi khách” theo ý bọn chúng. Hôm ấy Phúc Điền bị bọn nó đánh một trận tơi tả may mà có Công an đến kịp, không thì cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra.  
Thủy kể tiếp
-   Thanh vào bệnh viện chăm sóc Fuk, rồi họ quen nhau từ đó. Phúc Điền đã bỏ tiền chuộc Thanh từ nhà chứa ra. Thằng nhỏ cũng là đứa trẻ bị bỏ rơi trong bệnh viện Phụ sản Trung ương, họ đón về chứ không phải con của họ đâu!
-   Thế sao Phúc Điền lại nói là vợ mới ở cữ?
-   Nói thế cho nó thuận, chứ mới về ở với nhau chưa đầy nửa năm thì sao mà đẻ nhanh như vậy được!
-   Thiếu gì có những cặp mới cưới bốn, năm tháng đã có con, mà vẫn nuôi tốt đấy thôi!
-   Xem ra cặp này còn nghiêm chỉnh hơn khối người. Mấy tháng trước họ đăng ký kết hôn có tổ chức một bữa cơm nho nhỏ mời bạn bè. Cháu cũng được mời đến dự, cảm động ra phết, bác ạ. Mà nghe nói hình như Thanh đã bị nhiễm Si-đa giai đoạn cuối!
-   Thì ra ở ngay sát bên ta vẫn có những người tốt.
Tôi triết lý một câu mà bất kỳ đứa trẻ con nào cũng thuộc.

Hà Nội, 2016.
(1)               Văn phòng Chính: Main Office
(2)               PMU18: Project Manage Unit: Ban Quản lý Dự án 18
(3)               Kỹ sư bậc nhất: First-Class Engineer
(4)               Trường Đại học Kỹ thuật Na-goy-a (Nagoya Institute of Technology)
(5)               Fax: tờ sao ra rồi gửi đi
(6)               “Nỉ hảo, pú hảo”: Ông có khỏe không? (tiếng Trung Quốc)
(7)               Fuk: Gọi tắt ông Fukushima
(8)               Request: Yêu cầu, thỉnh cầu  
(9)               Bậu xậu: bọn tay chân, tôi tớ
(10)             Computer: chuyên viên xử lý máy tính
(11)             Jica: Japan International Cooperation Agency: Một tập đoàn lớn của Nhật chuyên đấu thầu các                  công trình Xây dựng cỡ Quốc tế.
(12)             Jibic: chi nhánh của tập đoàn Jica.

tháng 5 14, 2016

Chèo


Vẽ gốm - Bát Tràng Hà Nội


Xóm nhà lá Xi-măng Hải Phòng


Những nhà Ảo thuật

Năm 2002, tôi được PMU18(1) mời làm Tư vấn Giám sát một số cầu nhỏ và trung tại Hưng Yên trong Dự án Giao thông Nông thôn do Ngân hàng Thế giới(2) cho vay vốn và quản lý.
Làm Tư vấn Giám sát đối với tôi, thì không còn lạ gì. Bởi trước đó tôi đã làm qua mấy Dự án nước ngoài.
Tôi theo ông Chiến Trưởng phòng Kỹ thuật của PMU đi Hưng Yên, lúc bấy giờ mới tách khỏi tỉnh ghép Hải Hưng.
Cái việc ghép rồi lại tách các địa phương ra, thì mấy ông rỗi việc đã có làm vè:
“Vĩ đại như thể nước Nga,
Vấn đề tổ chức cũng tách ra nhập vào.
Bé nhỏ như thể nước Lào,
Vấn đề tổ chức cũng nhập vào tách ra.
Anh hùng như thể nước ta,
Vấn đề tổ chức cũng tách ra, nhập vào….”
Nhưng suy đến cùng thì đúng là như vậy. Hợp nhất Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình thành Hà Nam Ninh, rồi đến Bắc Giang, Bắc Ninh thành Hà Bắc,...Để rồi dăm năm sau lại tách ra như cũ.
Mọi người cứ hay nghĩ ngợi rồi nói linh tinh, chứ mấy ông Tổ chức không làm cái việc “tách ra, nhập vào” ấy, thì còn có việc gì mà làm nữa? 
Nhập vào được “đánh chén vui mừng kết hợp”, được mua sắm trang thiết bị, được xây dựng dinh cơ lớn hơn để tương xứng với cái tên ghép hoành tráng mới, được chi tiền “chùa” hợp lý và vì cái chuyện xê xích là tất nhiên và rồi tất nhiên ai cũng có lợi.
Tách ra cũng phải làm những việc tương tự như khi nhập vào. Lại được “đánh chén chia tay”, được mua sắm bổ sung thêm thiết bị cho hai ba nơi, vì có cái dùng cho một cơ quan thì được, nhưng là hai, ba cơ quan thì không dùng được, ví như cái phòng bảo vệ. Toa-let cũng không thể dùng chung cho hai, ba cơ quan. Thế là lại được xây dựng thêm, được mua sắm thêm là tất nhiên, rồi do xê xích cũng là tất nhiên và rồi tất nhiên ai cũng có lợi.
Khi Hưng Yên được “hoàn lương” sau một thời gian bị “cưỡng hôn” với Hải Dương thì bỗng dưng nó lại trở thành một “cô thanh nữ” trẻ trung mơn mởn.
Trụ sở các cơ quan đoàn thể của Thị xã Hưng Yên được xây dựng “thả phanh” trên một khu vực mênh mông rộng gần bảy mươi nhăm ki-lô-mét vuông, phía Bắc giáp huyện Kim Động, phia Đông giáp Tiên Lữ. Sông Hồng là ranh giới tự nhiên với hai huyện Duy Tiên và Lý Nhân của tỉnh Hà Nam. 
Thành phố mới mà, ai ngăn được ta xây dựng trên đất của ta? Chẳng hơn khi bị “ép duyên” với một tỉnh khác lớn hơn, mạnh hơn, luôn bị chèn ép đến “nghẹt thở”. Lúc ấy các cơ quan lãnh đạo của “tỉnh ghép” đều nằm ở Hải Dương, còn Hưng Yên chỉ được coi là vùng nông thôn, ngoại thành!
Các công trình Xây dựng mới của Hưng Yên đua nhau mọc lên như nấm sau mưa. Công trình sau nhất định phải to hơn, hoành tráng hơn cái trước, tuy biết rằng khi làm xong rồi, không biết dùng để làm gi cho hết công năng? Thí dụ như Hội Cựu chiến binh, cả tỉnh có vài trăm vị hội viên, mà trụ sở cũng phải làm năm tầng, mỗi tầng hơn mười phòng, vị chi là trên năm mươi phòng. Khuôn viên xây dựng mấy trăm mét vuông, vườn hoa cây cảnh không được thiếu một thứ gì! Mỗi năm họp nhau một lần để vài ông lên nói mà chẳng có ai nghe. Ăn với nhau một bữa, rồi chia tay hẹn năm sau gặp lại. Nguyên cái việc phải thuê người trông nom, quét dọn, cũng tốn kém ra phết, đấy là chưa kể đến khấu hao công trình.
Hội Cựu Chiến binh đã hoành tráng thế thì Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên lẽ nào lại chịu “lép”? Tòa nhà nào cũng năm sáu tầng, cao ngất ngưởng, cực kỳ hoành tráng và luôn trống vắng chẳng mấy khi có người lai vãng.
Cũng do là tỉnh mới lập, cái gì cũng mới toanh, nên được Ngân hàng Thế giới đầu tư cho vay vốn để xây dựng các công trình Giao thông Nông thôn. Vì vậy tôi được PMU18 thuê đi làm Tư vấn, Giám sát mười một chiếc cầu từ nhỏ đến trung ở Hưng Yên này.
Trước khi cùng ông Chiến đến Hưng Yên nhận nhiệm vụ, tôi đã được “trên phổ biến” khá kỹ càng.
Đây là các công trình Giao thông Nông thôn chỉ dành cho các nhà thầu nhỏ, không chuyên. Vì thế Giám sát Thi công phải nương nhẹ, phải hướng dẫn, uốn nắn là chính để các nhà thầu chưa có kinh nghiệm vẫn có thể làm được.
Trong mười một cây cầu nhỏ thì có cầu Thuần Xuyên thuộc hai huyện Ân Thi và Mỹ Hào là dài hơn cả, dài tới bảy mươi nhăm mét.
Công ty Xây Dựng 699 trúng thầu nhưng lại “nhờ” hai ông Lịch và ông Tùng là chánh, phó giám đốc Công ty Xây dựng Hồng Anh chỉ huy hộ. 
Tuy cầu dài nhưng nằm trên vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, mà như có một nhà thơ đã viết về vùng đất yên ả này: “Những cánh đồng phẳng như gỗ xẻ” thì việc xây dựng cầu chẳng có gì khó khăn cả.
Công việc thì cứ “tuần tự, nhi tiến”, đội làm mố, đội làm rầm cầu. Công việc của Giám sát cũng chỉ có thế. Cùng nhà thầu đem các mẫu thép, vật liệu bê-tông như xi-măng, cát, đá đi thí nghiệm, rồi theo dõi họ buộc cốt thép, dựng cốp-pha(3) và cuối cùng là đổ bê-tông.
Sau hôm đem các loại thép đến Viện Kỹ thuật Giao thông ở Cầu Giấy Hà Nội để thí nghiệm. Nhận kết quả ra về, tôi đinh ninh rằng thế là đã có thể “kê gối cao mà ngủ”.
Ngày hôm sau tôi nhận được giấy báo mời xuống nghiệm thu cốp-pha để đổ bê-tông rầm. Nhưng khi quan sát lại những thanh thép còn lộ ra trên mặt rầm thì thấy chúng “ngây ngây” thế nào ấy! Tôi yêu cầu dỡ vài tấm ván thành để nhìn cho kỹ hơn thì anh Tùng ngăn lại nói:
- Anh à, côp-pha bọn em đã cho ghép thành tấm thế này mà dỡ ra, sau đó lại lắp vào phải mất vài tiếng. Cơm canh đã chuẩn bị xong rồi, chỉ đợi anh vào cùng bọn em dùng kẻo nguội. Mất ngon!
- Mình xuống đây là để Giám sát chứ có xuống để ăn đâu, nên phải làm việc trước đã, ăn uống để sau.
- Anh ạ, chưa giám sát công việc để lại cũng không “bị nguội”, nhưng những món ăn đang nóng mà “để nguội” thì mất ngon!
- Anh thông cảm, hay anh cứ vào khai tiệc đi, để các khách mời khỏi chờ. Tôi xem xong rồi vào sau một chút có sao đâu!
- Không được, không được. Ở đây anh là người quan trọng nhất mà lại vào sau thế nào được? Anh chiều em một chút.
Tôi đã siêu siêu rồi nhưng hình ảnh mấy thanh thép “dại dại” như lại hiện lên trước mắt. Tôi gỡ tay Tùng ra và rứt khoát đi về phía mấy thanh rầm đã được ghép côp-pha kín mít. Tôi nói với mấy anh công nhân đứng gần đấy:
- Anh cho dỡ mấy tấm côp-pha thành rầm ra hộ tôi.
- Chúng cháu không “được phép” ạ.
- Thế ai cho phép thì các anh làm?
- Anh Tùng Phó Giám đốc ạ.
Tôi quay về phía Tùng đề nghị:
- Anh Tùng này, anh ra lệnh để công nhân làm giúp tôi.
- Tôi không có quyền, tôi chỉ được phép làm, chứ không ra lệnh phá ra! Tùng đột nhiên trở mặt.
- Thế ai có quyền?
- Giám đốc Nguyễn Ngọc Lịch.
- Anh cho mời giám đốc về chỉ huy công trường.
- Giám đốc đi vắng dài ngày, không có nhà.
- Nếu thế tôi sẽ triệu tập hội đồng Giám sát ngay bây giờ tại công trường để điều hành. Hiện tại đây đã có đủ các thành phần:
* Anh Tùng là Phó giám đốc Công ty phụ trách thi công tại hiện trường, như văn bản đang có trong tay tôi.
* Đồng chi Phạm Thị Mùa, Huyện ủy viên huyện Mỹ Hào, phụ trách Xây dựng của huyện, được Sở Giao thông phân công Giám sát công trường này.
* Tôi là giám sát của PMU cùng hai kỹ sư Sơn và Tuấn trực thuộc Sở Giao thông Hưng Yên.
* Đồng chí Minh là tổ trưởng Công nhân đại diện cho những công nhân đang thi công trên công trường.
Tôi xin triệu tập cuộc họp tai hiện trường để kiểm tra cốt thép rầm cầu.
- Tôi phản đối, Tùng lớn tiếng. Nếu làm theo lời ông, chậm tiến độ thì ai chịu trách nhiệm, ai đền bù thiệt hại cho Công ty?
- Tôi chịu trách nhiệm.
Tùng vênh mặt lên láo xược:
- Ông là cái thá gì mà đòi chịu trách nhiệm?
- Chả là cái thá gì cả, nhưng tôi đang làm đúng phận sự của mình!
Lúc ấy mọi người có mặt ở đấy nhao nhao cả lên. Cậu Sơn kỹ sư trẻ của phòng Kỹ thuật Sở Giao thông Hưng Yên đi cùng tôi, đỏ vần cả mặt mũi, định xông vào Tùng. Mấy người phải vất vả lắm mới can họ ra được.
Tôi nói với Sơn:
- Đừng nóng nảy, chỉ cần đánh hắn một cái tát thì bao nhiêu sai sót lại chuyển về phía Giám sát chúng ta.
- Bác cứ để cháu cho thằng khốn nạn này một trận rồi có bị đuổi việc cháu cũng chấp nhận.
- Hắn chỉ mong có thế! Cháu đừng sa vào bẫy của hắn!
Lúc bấy giờ chị Mùa lên tiếng:
- Hôm bác Khánh cùng anh Tùng đem mẫu thép lấy trong đống thép ở công trường đi Hà Nội thí nghiệm, thì ngay sau đó anh Tùng đã cho chuyển hơn trăm tấn thép Thái Nguyên đi đâu không rõ. Rồi lại ùn ùn chở hàng trăm tấn thép Đa Hội về để công nhân buộc cốt thép rầm. Tôi có hỏi thì Anh Tùng nói là:
- “Chúng tôi đã được Sở Giao thông và PMU “cho phép” rồi”.
Tôi yêu cầu anh Tùng xuất trình “văn bản cho phép thay thế thép”, nhưng làm sao mà anh Tùng có văn bản ấy được?
Trước nhân chứng sống là chị Mùa, Tùng không còn cãi được nữa, nhưng vẫn hung hăng ra lệnh với đám công nhân đứng quanh đó:
- Thằng nào dám dỡ côp-pha ra, tao sẽ đuổi việc ngay lập tức!
Tôi đành ghi mọi ý kiến vào Nhật ký Công trình, đưa mọi người ký nhận rồi ra về, dù sau đó rất khó khăn để từ chối bữa cơm mời thịnh soạn đã dọn sẵn.
Lúc chia tay chị Mùa, tôi nhân tiện hỏi chị:
- Làm sao chị biết thép đem về thay thế là thép Đa Hội?
- Anh chưa biết chứ, em cũng đã tốt nghiệp Trung cấp Xây dựng. Bài thi tốt nghiệp của em đề tài là phân biệt các loại thép. Bài này em đã đạt điểm tuyệt đối đấy. Anh à, thép Đa Hội rất rẻ, không bằng nửa giá thép Thái Nguyên.
Tôi nhìn người đàn bà đã đứng tuổi và không lấy gì làm xinh đẹp này, mà lòng trào lên một niềm cảm phục và yêu quý.
***
Mấy hôm sau Giám đốc Sở đã cho triệu tập cuộc họp đột xuất.
Gặp tôi ông Quân Phó Giám đốc Sở kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án và cả ông Chiến đại diện PMU người đã thuê tôi xuống giám sát đều vồn vã, xoa dịu:
- Anh à, đây là dự án Giao thông Nông thôn. Mình nên mềm mỏng để hướng họ vào quỹ đạo. Chúng tôi biết là anh không sai, nhưng quá “nghiêm khắc”, e không chạy việc!
- Tôi còn nhớ anh Quân nói trong hội nghị đầu tiên là Dự án đã phải bỏ ra hơn trăm triệu đồng để PMU18 thuê Tư vấn Giám sát các cầu ở Hưng Yên. Tôi cũng biết là tôi không sai. Nhưng tôi cảm thấy xấu hổ khi tháng tháng tôi nhận được hơn bốn triệu đồng lương anh Chiến trả mà không làm tròn trách nhiệm. Tôi đã được tham gia nhiều dự án nước ngoài, cũng biết đây là dự án Giao thông Nông thôn nên không thể “quy lát”(3) như các dự án kia được. Nhưng thi công “kiểu làm Xiếc” như hai ông Lịch và Tùng thì tôi xin “đầu hàng”, không thể tiếp tục làm việc được.
- Ý anh là sao? Hai ông ý tứ hỏi.
- Tôi từ chối giám sát cầu Thuần Xuyên.
- Làm thế sao được? Cầu Thuần Xuyên chả lẽ lại đình lại, không thi công nữa?
- Đề nghị anh Chiến báo cáo lại với PMU để tìm cách xử lý, hoặc thay giám sát.
- Anh không nên đặt chúng tôi vào tình trạng “bế tắc” này! Đã giám sát thì giám sát luôn cả chứ ai lại chừa lại một cầu?
- Nếu thế, PMU nên tìm người khác thay thế tôi luôn, tôi xin nghỉ việc để khỏi mang tiếng các anh.
Trong hội nghị mọi người như chị Mùa và mấy cậu kỹ sư trẻ của Sở kiên quyết đề nghị biên bản phải ghi đúng như việc đã xảy ra hôm trước. Nhưng lúc làm xong biên bản thì ông Lịch và ông Tùng nhất định không chịu ký. 
Họ thản nhiên nói:
- Chúng tôi không phải người của Công Ty Xây dựng 699, là công ty trúng thầu cầu Thuần Xuyên.
- Thế các ông là ai và tại sao hai ông lại xuống chỉ đạo thi công cầu Thuần Xuyên? Mọi người hỏi.
- Chúng tôi là chánh, phó giám đốc Công ty Xây dựng Hồng Anh cùng tỉnh Hải Dương với Công ty Xây dựng 699. Họ nhờ chúng tôi trông nom hộ!
- Quả thật hai ông là những nhà Ảo thuật đại tài! Tôi kinh ngạc thốt lên!
***
Mấy tháng sau kết thúc Dự án Giao thông Nông thôn ở Hưng Yên. Rỗi rãi tôi đạp xe đến Chợ Giời phố Thịnh Yên, mua mấy thứ lặt vặt thì vô tình  gặp lại “cặp bài trùng Ảo thuật” Lịch, Tùng lúc này đang là chủ một quầy bán phụ tùng xe máy lẫn đồ điện.
Nhận ra tôi họ vui vẻ “tay bắt, mặt mừng” như người thân lâu ngày mới gặp. Tuy chẳng mua bán gì ở đây, tôi vẫn ghé vào chơi với họ khá lâu. Đến trưa lại còn ăn với nhau một bữa cơm bụi ngay mép chợ.
Khi ra về tôi nắm tay nói với họ:
- Bữa cơm hôm nay hai anh cho ăn, tôi thấy ngon hơn bất kỳ một bữa tiệc thịnh soạn nào.
Họ cũng bộc bạch:
- Khi nào rỗi, anh ghé đây chơi với bọn em. Bây giờ buôn bán lặt vặt, kiếm được đồng tiền thật vất vả nhưng lại thấy thanh thản hơn là làm ăn kiểu “chụp giật” như lúc bọn em đi làm Nhà thầu Xây dựng.
- Thật thế sao? Tôi cười hỏi lại.


Hà Nội, 2016.
  
(1)   PMU18: Ban Quản lý Dự án 18 thuộc Bộ GTVT (Project Manage Unit tiếng Anh)
(2)   Ngân hàng Thế giới: Wold Bank:
(3)   Cốp-pha: ván khuôn (coffrage tiếng Pháp)
(4)   Quy lát: khóa nòng ổ súng. Ở đây là “từ lóng” có nghĩa là quy củ, chính quy.

tháng 5 08, 2016

Thiếu nữ


Cháu ngoại lấy chồng


Lớn khôn cháu phải lấy chồng, 
Dẫu rằng biết vậy, nhưng ông vẫn buồn.

Câu cá bên hồ


Cầu Gia Minh


Sau khi ra trường năm 1965 tôi được phân công về làm việc tại Viện Thiết kế Giao thông, số 278 Hàng Bột, Hà nội.
Không được về nơi chôn nhau cắt rốn của mình là Hải Phòng. Cha mẹ và chị hai tôi, nhất là bao bạn bè từ thời thơ ấu, vẫn ở đấy.
Dù ở Thủ đô thật, nhưng gia tài của tôi chỉ có một cái ba-lô cũ, một chỗ nằm trên cái phản gỗ mượn của cơ quan, cùng với ba người nữa trong một gian phòng mười tám mét vuông ở gác tư tập thể Kim Liên, phòng 425. 
Cứ đều đặn vài tháng một lần, tôi làm đơn xin chuyển công tác về Hải Phòng. Đến lần thứ bảy thì tôi được “đồng chí” Lưu là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Bộ gọi lên bảo:
-   Nếu tôi nhận được thêm lá đơn xin chuyển công tác nữa, thì “đồng chí” sẽ nhận được quyết định chuyển công tác hẳn vào Quảng Bình.
Rồi “đồng chí” Lưu đã cao giọng nói với tôi rằng:
-   Có người tốn bao công sức, cậy cục xin về Hà Nội chả được, đằng này đang ở Hà Nội lại cứ “nguây nguẩy” xin đi nơi khác! Rõ là dở người!
Thế là tôi “tắt ngay” ý định xin chuyển công tác về Hải Phòng!
***
Đi “thập phương, tam đạo” làm cầu, làm đường, tôi vẫn cứ tâm niệm trong lòng là sẽ có một ngày nào đó về Hải Phòng làm một cây cầu hay một đoạn đường để trả cái nghĩa nơi đã sinh ra mình.
Năm 2003 thì phải, tôi được ông bạn học cùng lớp Cầu đường Bách khoa, vào quân đội xuất ngũ với hàm Thượng tá, đang làm tham mưu cho một Công ty Dịch vụ Tổng hợp Hải Phòng, rủ về làm một cái cầu nhỏ qua mương.
Dịp thực hiện ước ao bấy lâu nay đã đến, tôi lập tức nhận lời.
Đồ án thiết kế kỹ thuật đã được Tỉnh ủy duyệt rồi, không phải “lăn tăn” gì nữa. Nhưng hai anh em vẫn cứ rủ nhau đi thị sát hiện trường.  
Đó là một cây cầu dài khoảng gần hai mươi mét, bắc qua một con mương lớn ở xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, ngoại thành Hải Phòng.
Sau khi đi hiện trường, tôi tìm hiểu thêm về đồ án đã được duyệt.
Để thi công mố bên kia mương, người ta dự tính cho làm một cầu tạm tổng kinh phí lên đến một tỷ sáu trăm triệu đồng.
Ông bạn tôi đã đề xuất với lãnh đạo dùng rầm cầu quân dụng, kết hợp mố rọ đá, nên đã rút xuống còn sáu trăm triệu và được lãnh đạo tỉnh rất hoan nghênh.
Tôi đã từng mò mẫm khắp nơi, đã từng làm nhiều chiếc cầu dài nhiều trăm mét trên tuyến chính của Quốc lộ 1A, nên cũng đã có một số kinh ngiệm.
Với cái cầu nhỏ này, tôi thấy còn có thể làm giản đơn hơn nữa.
Tôi nói với ông bạn:
-  Tôi còn phương án “bùn” hơn phương án đã được cải tiến lần thứ hai!
Ông không tin:
-  Sao còn “bùn” hơn được chứ?
-  Thực tế trong mương có nước, nhưng nước gần như không chảy. Tôi có thể dùng bao tải chứa đất, cát đắp lấn dòng sang bên kia để thi công.
-  Không được. Bên Thủy Nông đời nào đồng ý cho ông ngăn dòng chảy của họ!
-  Không sao. Đắp đến giữa cho một, hai cái cống lù(1) để thông nước là OK ngay.
-  Cũng có vẻ hợp lý!
-  Bây giờ chỉ còn việc cho người mua bao tải dứa ở chợ Sắt, thuê nhân công xúc đất đổ vào là xong. Mua một hai ống lù (cống tròn) thì ở đâu chả có! Như thế là chúng ta chỉ tốn khoảng dưới trăm triệu đã có một con đường tạm sang bên bờ kia.
Ông bạn tôi phấn khởi:
- Lấy đất ở đây thì không thành vấn đề, vì có nhiều hộ dân còn đang thuê xúc đất phá đồi để làm nhà cơ mà. Tôi có quen với bà Phó Bí thư Huyện ủy, cần thì tôi liên hệ nhờ bà ấy giúp.
-  Đất ở đây đầy, việc gì phải nhờ vả cho thêm phiền! Tôi chủ quan nói.
Ấy vậy mà, đất ở đây tuy không thiếu, nhưng khi cho người xúc vào bao tải lại không đơn giản như đã nghĩ. Bọn tôi đã tìm đến nhờ cậy bà Phó Bí thư cũng chẳng ăn thua gì. Lúc tìm hiểu kỹ mới rõ là đất trong địa bàn huyện Thủy Nguyên có các đơn vị Bộ đội đóng quân để “bảo vệ bờ cõi”, nên nó lại thuộc về Quân đội quản lý! Muốn lấy đất ở những đồi hoang bạt ngàn này, phải xin phép Thành đội!
Chạy đi chạy lại đến năm lần, bảy lượt, mà thấy chẳng tiến thêm được bước nào!
Họ hỏi chúng tôi:
-  Các anh lấy hàng ngàn bao tải đất để làm gì?
Giải thích kiểu gì họ vẫn “không thông”, vì Tỉnh ủy với Thành đội có bao giờ ngồi “chuyện trò” với nhau về chuyện xây dựng cầu đường đâu? Một bên thì “lãnh đạo” về “phần hồn”, còn một bên lại “chỉ huy” về “phần xác”!
Đến hơn nửa tháng chúng tôi thật sự nản chí, cuối cùng chỉ còn một cách là “đem cúng” cho Ban Giám đốc Dự án để làm món quà ra mắt.
Sau khi nghe chúng tôi trình bày xong, ngay buổi chiều ấy ông Giám đốc trẻ Phạm Văn Đào đã ra lệnh cho công nhân tiến hành làm ngay. Con đường tạm ấy chỉ tốn gần bốn chục triệu, mà sau này xe chở đất trên ba mươi tấn chạy ầm ầm vẫn không suy suyển.
Con đường tạm này còn có một ưu điểm nổi bật nữa là sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, chỉ cần ra lệnh cho nông dân bao tải và cống lù là họ sẽ nhanh chóng dọn “sạch như chùi”, không cần phài thanh thải lòng mương như các phương án khác. 
Từ một đồ án thiết kế dùng bốn rầm chữ T đổ tại chỗ, móng mố cầu một bên đặt trên nền bùn loãng, một bên đào xuống đá gốc hơn một mét.
Chúng tôi phải vất vả năm lần, bảy lượt xin được thay đổi cả rầm đến móng mố cho hợp lý hơn mà bên A(2) vẫn chưa chịu chấp nhận.
Một lần mấy “ông trẻ” bên A nói:
- Đồ án này đã được Thành ủy duyệt rồi. Các anh muốn làm thì phải làm đúng như bản vẽ. Nếu không làm được thì để chúng tôi gọi đơn vị khác.
- Xin hỏi lại các anh, rầm chữ T đổ tại chỗ thì sau khi hoàn thành việc đúc bê-tông xong chỉ còn rỡ ra bán sắt vụn, chứ không thể giữ để đổ rầm cho lần sau được, vì không nơi nào còn áp dụng đúng kích cỡ của bộ rầm này nữa. Do đó giá thành rầm sẽ tăng lên hơn gấp đôi, nếu như ta mua rầm đúc sẵn của nhà máy bê-tông chuyên dụng.
Còn về mố phía Bắc đặt trên nền bùn loãng thì làm sao tránh lún được? Sao không hạ thêm hơn hai mươi cen-ti-mét để “ngồi” trên nền đá gốc. Mố phía Nam đào xuống đá gốc một mét rưỡi để làm gi? Và đào đá bằng cách nào? Nổ mìn “thì bên Quân sự không cho phép”, còn đào thủ công phải mất hơn một năm.
Nhưng “vị chủ nhiệm đồ án” lại “phán” là sở dĩ để đáy móng mố hai bên cùng cao độ thì “bản vẽ nó mới đẹp”!!!?
Tất cả các lý do “chưa hợp lý” trong đồ án thiết kế chỉ là “chuyện vặt” của mấy “xừ” “kỹ sư bản địa”, ta vẫn còn có thể thông cảm được. Họ còn rất trẻ và lại là “con ông, cháu cha”, quen nũng nịu, muốn gì mà các “bậc phụ huynh” không “phải chiều” theo ý họ?
Tất nhiên sau một hồi đề xuất và tranh cãi và cũng lại bởi vì tôi đã công tác ở Viện Thiết kế Giao thông bốn mươi năm, nên bên A cũng dần hiểu ra ý kiến xin thay đổi thiết kế của chúng tôi có phần hợp lý. Thành ủy cũng thấy ý kiến mới ấy tiết kiệm so với đồ án cũ đã duyệt tới hai chục phần trăm. Lại nữa, ông thày đứng sau chỉ đạo thiết kế đồ án này học sau tôi những mười bảy năm trong trường Kỹ thuật. 
Thế là từ rầm cầu đến hai mố cầu đều thay đổi, biến thành một cây cầu mới khác hẳn với cây cầu được thiết kế và Thành ủy đã duyệt lúc ban đầu.
***
Sau đó ít ngày, Giám đốc Đào cho gọi tôi một mình vào phòng riêng để nói:
- Bác đã đưa ý kiến làm cầu tạm tiết kiệm hơn tỷ đồng cho Công ty và ý kiến xin thay đổi đồ án của bác đã được Thành ủy phê chuẩn. Chúng tôi đồng ý ký hợp đồng để bác được thi công cầu Gia Minh. Tuy nhiên bác vẫn phải tuân thủ những điều luật bất thành văn của chúng tôi.
- Đó là những luật gì thưa Giám đốc?
- Tức là bác phải hồi lại cho chúng tôi:
                       * Cầu là 30%   -   * Đường là 50%.
- Cụ thể là thế nào ạ?
- À, tôi được biết bác chưa làm Nhà thầu bao giờ, nên để tôi giải thích cho bác hiểu. Đó là khi bác ký nhận ở quỹ số tiền là A thì bác chỉ được cầm về 50% hoặc 70% số A đó thôi.
- Thế số còn lại dùng làm gì?
- Đó là phần trích lại để nuôi bộ máy làm việc của cơ quan chúng tôi! 
- Tôi tưởng cơ quan đã có nhà nước “nuôi” rồi!?
- Bác phải hiểu rằng, có ai sống được bằng lương không?
Tôi thực sự choáng váng và tưởng đã phải bỏ cuộc. Nhưng cũng may có cậu Thanh, người cộng tác của tôi, đội trưởng một đội cầu của nhà nước biết, nó thản nhiên bảo tôi:
- Không sao đâu bác ạ. Những công trình nhà nước mà cháu đã từng thi công còn bị bọn nó “thăn” như thế, nói gì bên ngoài. Bác cứ ký đi, cháu vẫn làm được!
Thế rồi chẳng hiểu sao cậu Thanh vẫn làm được cầu, nuôi được quân và nuôi cả tôi nữa.
Tôi lắm lúc cứ lẩn thẩn nghĩ chẳng hiểu ra làm sao nữa!
Có lần tôi được nghe một bà hàng xóm ru cháu:
- Trời sinh ra cái con trâu, cũng sinh con đỉa để “bâu” vào đùi!
Có lẽ đúng là thế thật!


Hà Nội, 2016.
(1)   Cống lù: cống tròn đúc sẵn bằng bê-tông cốt thép.
(2)  Bên A: bên chủ đầu tư dự án nắm tiền và được quyền kiểm tra bên thi công: bên B.