tháng 9 23, 2014

Ông Biết Tuốt

Ông là người tầm thước - không đẹp mà cũng chẳng đến nỗi xấu. Nhưng để bù lại cái trán quá thấp thì “độ ma-lanh” trong ông lại rất cao, để bù  lại cặp mắt hơi nhỏ, hấp háy là cái mồm rõ rộng, tươi cười luôn khoe hai hàm răng “To-Chắc-Khoẻ”.
Khi nói chuyện, ông luôn luôn giảng giải, phân tích bất kỳ cái gì, lĩnh vực gì, một cách thật cặn kẽ, tỷ mỷ.
Có lần ông thuyết giáo ở một hội nghị:
- Con gà tham lam kia, ăn phải búi tóc rối, nuốt không vào, khạc cũng chẳng ra. Đúng là “lúng túng như gà mắc tóc”!
Khi có người hỏi nhỏ lại, ông trừng mắt mắng:
- Thành ngữ, tục ngữ cũng là do người ta nghĩ ra, nói mãi mà thành, thế thì sao ta không thể thay đổi cho nó hay hơn. Các cụ nói gà mắc tóc ở chân, ta cho nó mắc tóc ở cổ, “chẳng là đã nâng cao tầm nhìn lên đấy ư”?
Người nghe chỉ còn biết cúi đầu bái phục!
Một lần khác, khi gặp gỡ mọi người trong một cuộc vận động, ông đã kêu gọi:
 - Chúng ta phải giữ gìn lấy hình thức nghệ thuật giàu tính truyền thống dân tộc như kịch nói, tuồng, hát bội, cải lương,...không để nó mai một đi và cũng đừng để nó lai căng thành món “tả-pí-lù nửa Tây, nửa Tàu”!
Khi có người hỏi:
- Nhưng các hình thức văn nghệ kể trên đều chế biến từ mấy món có từ lâu đời của Tây, của Tàu, từ tích diễn đến trang phục, bước đi, điệu bộ, đôi lúc nó còn Tây hơn cả Tây, Tàu hơn cả Tàu!
-  Ừ, nếu như đúng thế thì sao? Ông trừng mắt hỏi lại.
- Nếu thế thì ta giữ gìn tính truyền thống của dân tộc nào? Dân tộc Gaulois hay dân tộc Hán.
- Này người Việt ta ai chả mang hơn 60% máu Tàu trong huyết quản, còn Tây ấy à, lấy Tây bây giờ mới lại là danh giá, mới là sành điệu. Vả lại dân tộc nào mà chả thế. Mọi dân tộc đều bình đẳng, đều tồn tại trong hòa bình và đều có nghĩa vụ cao cả là gìn giữ nó...
- Thưa ngài, nhưng đấy lại là phạm trù khác,..
- Khác, khác cái con khỉ! Tôi nói là chỉ có đúng trở lên thôi, hiểu chưa!
- Dạ hiểu, hiểu!
Có lần gặp gỡ với các ký giả, một nhà báo trẻ, thiếu kinh nghiệm đã hỏi ông:
- Thưa ngài, tôi thấy ở miền trong, nhiều gia đình thờ Quan Công, có gia đình còn thờ cả Tôn Ngộ không, Trư Bát giới nữa...
- Ừ, thế thì đã sao?!
- Các vị này có phải là thần linh của dân tộc ta không ạ?
- Sao anh dốt thế?! Dù là thần linh của người, mà mình vẫn tôn kính, thờ phụng thì sẽ chỉ chứng tỏ dân tộc mình là một dân tộc cực kỳ trọng đạo lý thôi, hiểu chưa! 
- Nhưng vì sao cha mình, mình không vái, mà lại vái cha hàng xóm? Hay là “mình không có cha, hoặc cha mình quá đểu không đáng vái”!
- Lại ngu nữa rồi! Cứ vái cha hàng xóm đi, sau đó cha mình, mình có đập vỡ mặt cũng chẳng ai còn dám phê phán, chê trách là mình tồi tàn, đểu cáng nữa hiểu chửa!
- Nhưng tôi e đấy chỉ là thủ đoạn, chứ đâu phải là đạo lý!
- Sống mà không có thủ đoạn, thì chỉ là những thằng khờ!
- Trong lĩnh vực nào cũng thế ư?
- Đúng thế!
- Thưa ngài, có lần một số nhà báo nước ngoài hỏi ngài có phải là nhà học giả không, ngài...
- “Học giả với học thật” cái gì? Thằng hỏi câu này là thằng đểu, thằng gián điệp, nó biết gốc gác nhà tôi. Ngày xưa nhà có nghèo, tôi mới đi làm cách mạng, “nghèo thì lấy cứt ăn để mà đi học à”? Mà học làm gì nhiều. Tôi học chưa qua cái élémentaire mà giờ giữ chức vụ này, nó biết, nó “nói móc” tôi đấy. Ở nước chúng nó, muốn leo lên chức vụ cao, thì phải học hết bằng nọ đến bằng kia, ở ta thì cần quái gì phải học? Ai dám coi thường tôi nào, hả? Hả.
- Vâng, đúng là như vậy.
- Chứ sao nữa!
- Người ta còn nói ngài hiểu biết trong tất cả mọi lĩnh vực?
- Đúng thế!
- Kể cả trong lĩnh vực ngài chưa được học?
- Học mới biết thì có gì đáng nói, không học mà vẫn biết mới là giỏi, không nghe, không thấy mà vẫn tinh thông mới thật là tài...
- Thưa ngài, tôi sợ rằng được học mà còn chửa chắc đã biết rõ. Làm sao không học mà vẫn biết, không nhìn mà lại thấy được, thưa ngài?
- Anh có thấy mấy thằng thày bói không? Mắt nó mù tịt mà nó phán, khối thằng hai “mắt mở thô lố” mà cứ phải gật gù, răm rắp nghe theo. Lại nữa, những thằng thày bói mù ấy, chúng có được học qua trường lớp “đào tạo đoán mò” nào đâu!
- Nhưng thưa, ngài đâu phải là một thằng thày bói?
- Ta ấy à, ta là tổ sư cụ thằng thày bói cơ, hiểu chưa?
- Dạ hiểu, hiểu. Thì ra cái gì ngài cũng biết tuốt!
- Đúng thế, ta là “Người biết tuốt”!
- Thưa, xưa trong Đi-đờ-rô có me-xừ Fa-tú-tô, tức là ông Làm-Tuốt. Bây giờ có ngài là ông Biết-Tuốt, thế thì phải gọi thế nào cho phải ạ?
- Gọi ta là “me-xừ Xa-tú-tô”!
- Xin vâng, thưa “me-xừ Xa-tú-tô”! Xin hỏi thêm Xa có phải từ verbe savoire không ạ?
- Đúng thế!
- Thì ra cái vốn élémentaire của ngài cũng lợi hại thật!
- Tất nhiên rồi! Còn phải nói!

                                                                                                                  Hà Nội, 1997.

(1)   Đi-đờ-rô: Denis Diderot (1713-1784), nhà khai minh vĩ đại của nước Pháp. Diderot còn là người chủ trì công trình Bách khoa thư bất hủ, nhà văn hóa, nhà mỹ học, nhà lý luận phê bình nghệ thuật nổi tiếng của thế kỷ 18.
(2)   Fa-tú-tô: Tên một nhân vật của Đi-đờ-rô (Faire toute)
(3)   Verbe savoire: (ngoai động từ): biết
(4)   Élémentaire: lớp sơ cấp, lớp đồng ấu


Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét