tháng 2 12, 2015

Ông Đại Tá bị trói

Tôi đi làm Tư vấn Giám sát Dự án Khôi phục và Xây dựng mới mười cầu phía Bắc trên quốc lộ 1A giữa Hà Nội Lạng Sơn - giai đoạn II vào cuối năm 2000. Trên Lạng tôi có quen với ông Hồng, một cựu quân nhân đã xuất ngũ với hàm Đại tá nhà ở ngay đầu cầu mới phía Bắc Mai Pha.
Ông ta còn kém tôi năm tuổi nhưng do mái tóc bạc trắng như cước nên khi nói chuyện ông vẫn gọi tôi là chú, xưng anh ngọt xớt. Mãi sau này lúc sắp chia tay ông mới biết và cứ áy náy mãi về cách xưng hô này. Tôi phải nói lại là dù ông có gọi tôi là anh thì tôi cũng có oai hơn hay giàu có hơn khi ông gọi tôi là em đâu!
Khi rảnh rỗi ông Hồng thường kiếm các thứ lá lẩn quanh vùng về làm thuốc và theo ông thường nói thì bệnh gì ông chữa cũng khỏi.
Nghe nói nhiều lần, tôi cũng thành người dùng thuốc của ông. Khi trả tiền, ông thường có câu cửa miệng:
- Có đáng gì đâu mà trả tiền! Nếu muốn thì ông đưa bao nhiêu cũng được!
Đầu tiên cứ ngỡ là ông là người dân tộc nên thật thà, thoải mái. Nhưng sau suy nghĩ lại mới thấy ông thật tinh ranh. Tôi bị viêm họng, ông cho ngậm rễ cây rẻ quạt thái mỏng tẩm muối phơi nắng. Đỡ thì có đỡ, nhưng khỏi thì không khỏi.
Có vài nắm lá, nhưng đưa dăm trăm nghìn, ông cũng nhận tất.
Sau để ý cách chế biến thuốc và lá lẩn của ông thì không dám dùng nữa. Thuốc cho người ta uống, kể cả những thứ không qua đun nấu mà ông đổ phơi ngay trên sân đất, lẫn cả phân gà, phân ngan cực kỳ bẩn thỉu.
Nhưng câu chuyện của ông không chỉ là chuyện chữa bệnh bằng vài thứ lá ông hái quanh quất đâu đó.
Đất đang ở theo ông kể thì cách đây dăm năm ông mua lại của Huyện quả đồi này không đầy trăm triệu. Sau khi có quả đồi, ông đem vợ con về dựng nhà, trồng cây cối, nuôi lợn gà. Sau nhà ông trồng sắn và các cây ăn quả. Thế là thành cơ ngơi khang trang, mùa nào thức ấy.
Cầu Mai Pha đi sát sạt cạnh quả đồi nhà ông, mà theo như dự định thì cũng lẹm vào một phần nhỏ đất ông sở hữu. Tỉnh và huyện đo đo, tính tính, nghe đâu cũng đền bù được kha khá. Nhưng cái lợi lớn nhất là nhà ông bỗng chốc được ra mặt đường lại ở ngay đầu cầu phía Bắc quang quẻ, rộng rãi. Tương lai sau này mà mở một cái quán bán hàng ăn hay hàng nước thì thế nào cũng hót ra tiền, chứ chẳng bỡn.
Ông Hồng là Đại tá xuất ngũ nên, chơi bời giao du với những người có mặt, có mũi trong vùng. Đặc biêt ông còn kết nghĩa anh em với ông Phó chủ tịch tỉnh, nên nhiều người quanh đấy nể sợ và kiềng ông ra cũng phải.
Bằng lòng thì ông cười hơ hớ, mếch lòng thì ông chửi ngay tắp lự, chẳng nể sợ ai bao giờ.
Việc phải dọn cái chuồng lợn to tổ bố ngay trước nhà và dẹp cái sân đi để giải phóng mặt bằng mà thi công đầu cầu theo dự kiến, ông đã biết từ khi chưa đóng cái cọc đầu tiên ở giữa lòng sông cơ.
Thế rồi đã lệnh từ Tỉnh xuống Huyện rồi từ Huyện xuống Xã thông báo cho dân được lĩnh tiền đền bù đất đai, thì ông Hồng cũng là người được biết đầu tiên. Nào là đơn giá bao nhiêu một mét vuông, ai là trong diện lĩnh đợt một, ai đợt hai,…
Tất nhiên ông phải ở trong đợt đầu rồi, còn chệch vào đâu được nữa.
Nhưng chẳng biết vì sao, ông cứ đi đi, về về mấy lần mà vẫn không lĩnh tiền và tất nhiên ông cũng không chịu dọn cái chuồng lợn to đùng ra sau nữa.
Đến khi cầu đã gác đủ rầm mà lan can và đường đầu cầu phía Bắc vẫn không triển khai được.
Tôi làm trong Ban dự án xây dựng cầu, lại có quen thuộc, ngày nào mà chẳng qua lại dăm lần nhà ông, có lần còn được ông mời uống chén rượu thuốc nữa.
Hỏi thì ông bảo:
- Thằng em tôi (chỉ ông Phó chủ tịch Tỉnh là anh em kết nghĩa) nói cho tôi biết đơn giá đền bù, tỉnh duyệt rồi. Tính ra tôi phải được gần sáu trăm triệu. Thế mà lên xã lĩnh chỉ được hơn một nửa. Tôi có đưa công văn của Tỉnh cho chúng nó xem, thì chúng nó nói là không làm theo công văn này. Tôi chửi cho một mẻ rồi về. Đời nào tôi lại “ngu” như thế, đời nào tôi chịu để cho chúng ăn chặn cơ chứ?
- Sao lại thế nhỉ? Tôi hỏi cho có chuyện.
- Sao với giăng cái gì! Thế này nhé, đơn giá tỉnh duyệt là mười đồng, xuống huyện chỉ còn bảy, xuống đến xã lại teo đi chỉ còn có sáu. Đấy ông đã hiểu chưa!
- Ơ, hay nhỉ! Nhưng tôi nghĩ nó cũng phải rơi vãi đi chút ít, mấy lại lĩnh một lúc cả đống tiền cũng nên bớt lại cho Huyện, cho Xã chút ít để xây dựng cơ sở chứ!
- Bớt, bớt cái con khỉ! Xây, xây cái con tườu! Ai, tôi không biết chứ tôi là không trừ đầu, xén đuôi như vậy được!
- Thế à?
- Tôi là quân nhân, đã đóng góp đủ rồi. Đóng góp cả xương máu và tài sản cho đất nước bao nhiêu, đâu có tính toán. Nhưng giờ đã già rồi, phục viên rồi, còn đóng góp cái gì nữa chứ?! Không đóng, tôi nhất định không đóng!
- Ông chỉ là Đại tá, chứ đến Đại tướng vẫn “phép vua, thua lệ làng”.
Hay ông lên trên tỉnh nhờ ông em nuôi là Phó chủ tịch Tỉnh lĩnh hộ?!
- Ừ, ông nói tôi mới nhớ ra.
Thế rồi đi lại dăm lần, bảy lượt, ông em nuôi cũng cứ lý do này, lý do nọ vẫn không hoàn thành việc nhờ cậy của ông.
Thời gian cứ thế trôi đi, tính ra cũng đến năm, sáu tháng chứ có ít gì đâu. Khổ nỗi vì đây lại là dự án lớn cỡ Quốc gia, công trình nằm trên Quốc lộ 1A nên nó liên quan đến cả hai chính phủ chứ đâu có bỡn. Thế rồi áp lực từ trên dội xuống. Nhà nước gí xuống Bộ chủ quản, Bộ gí xuống Ban quản lý Dự án, Ban quản lý gí xuống Tỉnh, xuống Huyện, xuống Xã. Dây chuyền ấy cứ gí lẫn nhau và tất nhiên cuối cùng nó phải gí đến “khổ chủ” là ông Hồng.
Một Ban Giải phóng mặt bằng mới cấp tốc được thành lập, nó to hơn, đầy đủ hơn Ban cũ nhiều.
Rồi vào một ngày đẹp trời, cái Ban mới to đẹp này gồm đầy đủ tất cả các bộ phận, các ban ngành liên quan. Nào là Bộ chủ quản, Ban quản lý Dự án, Tỉnh, Huyện, Xã có đến hàng trăm cán bộ hữu trách và cả các cán bộ không liên quan gì cả. Với rất nhiều xe cộ, máy móc và cả một trung đội Công an được trang bị vũ khí đến tận răng, rầm rộ kéo đến trước cái chuồng lợn to lớn và cái sân rộng mênh mông nhà ông Hồng.
Biết trước là có chuyện nghiêm trọng sẽ xảy ra, nên vợ chồng ông Đại tá đã chuẩn bị chu đáo rồi.
Ông Đại tá mặc bộ quân phục mới nhất trên hai vạt áo trước ngực đeo tất cả các loại huân, huy chương mà nhà nước và quân đội tặng thưởng, ngoài ra ông còn đeo cả những huy hiệu, những phù hiệu mà ông cho là đẹp, thành ra trông ông đỏ rực lên như một bó đuốc. Mũ miện chỉnh tề, ông kê ghế ngồi ngay ở đường vào nhà. Đằng trước ông cho gác một cây tre ngang lối đi làm thành một cái ba-ri-e(1) cản ngang đường thật đĩnh đạc.
Bà cũng ăn mặc chỉnh tề, quần áo mới, khăn mỏ quạ mới, đứng ngay sau ông làm thành một thế tựa thật vững chắc.
Thật là một hình tượng đẹp đẽ!
Khi ông trưởng ban Giải phóng mặt bằng Tỉnh lên tiếng xin được làm việc với ông Đại tá thì thật bất ngờ, ông Hồng đã chửi văng tê và xưng hô mày tao chi tớ với người Đại diện Chính quyền và còn bất ngờ hơn nữa là bà Hồng đã tụt ngay quần ra đái tồ tồ trước mặt bao nhiêu Ban, Bệ.
Một hiệu lệnh được bà Chủ tịch Hội Phụ nữ Tỉnh ban ra, Mấy anh thanh niên trai trẻ nhảy xổ vào quật ông bà Hồng ra trói giât cánh khuỷu, khiêng vất lên cái xe tải đang nổ máy chờ sẵn. Mấy đồng chí Công an còn sục vào nhà và sau bếp bắt nốt mấy đứa con ông, trói và tống tất lên xe.
Tôi liếc nhìn về phía ông kỹ sư hiện trường người Nhật Ichiro Tanaka thì thấy ông ta cầm cặp tài liệu che mặt rồi lỉnh ra ngoài. Mấy hôm sau chúng tôi cũng sượng sùng tránh mặt nhau, mãi mới dám nói chuyện lại.
Hơn hai ngày sau đường đầu cầu đã hình thành, mà cũng chỉ mất cái chuồng lợn và gần hết cái sân, chứ có nhiều nhặn gì đâu.
Lúc vợ chồng, con cái ông Hồng về đến nhà thì sự việc đã đâu vào đấy rồi mà đất cát cũng gần như còn nguyên vẹn.
Mấy ngày sau khi đã bình tĩnh lại, ngồi uống nước với nhau, ông có nói với tôi:
- Anh ạ, em dại không nghe anh khuyên nên mới ra cơ sự như vậy.
- Mình có tuổi rồi, cũng đừng cố chấp quá làm gi. Vả lại cá nhân mình thì chống làm sao được với cơ chế nhà nước.
- Anh có biết không, cái thằng chó chết ấy, khi có ăn thì gọi là nó đến ngay, nhưng khi có việc thì không tìm thấy mặt nó đâu nữa.
- Ông lại nhắc đến ông em nuôi Phó chủ tịch Tỉnh phải không?
- Đúng là “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy đâu”!
- Chính xác. Mà lúc ấy ông ta có mặt cũng chẳng cứu được ông đâu, có khi còn dở hơn nữa cơ.
- Sao vậy?
- Bởỉ số tiền chúng “thăn” được của ông cũng có cả phần ông ta đấy!
- Thật vậy sao?
- Mà này vài hôm nữa yên yên rồi, ông lên xã ngọt nhạt mà lĩnh tiền đền bù, kẻo “để lâu, cứt trâu hóa bùn”.
- Nó dám không trả!
- Dám chứ! Trói ông nó còn dám thì “chuội” tiền của ông chả là cái “đinh gì”!
- Phải có lý do chứ. Không, tôi kiện đến tận Trung Ương!
- Ông đã nghe câu: “Con kiến mà kiện củ khoai” chưa?
- Ông thử giải thích rõ hơn xem?
- Nếu bọn nó lập ra một bảng kê khai các khoản chi tiêu, tốn phí cho vụ cưỡng chế vừa rồi, ông có bán cả nhà đi vẫn không đủ tiền để nộp đâu!     
                                                                                                                                                                   
                                                                                                                             Hà Nôi, 2015.

(1) Ba-ri-e: Rào cản ngang đường (Barrier: tiếng Anh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét