tháng 8 28, 2016

Kỹ sư hiện trường

Ichiro Tanaka là một trong năm người ngồi phỏng vấn tôi để tuyển Tư vấn Giám sát cho gói(1) V trong Dự án làm mới 10 cầu phía Bắc trên quốc lộ 1A từ Đồng Đăng về Mẹt.
Hôm ấy, ông ta không nói hay hỏi tôi điều gì cả mà chỉ ngồi nhìn chằm chằm như đang xem tôi diễn kịch trên sân khấu.
Sau khi trúng tuyển và bị “ấn” vào cái “ghế” “Tư vấn trưởng” của gói, tôi cứ tự nhủ thầm trong bụng: “Có lẽ mọi việc đúng như trong lá số tử vi là bà cô tổ nhà tôi đã linh ứng phù hộ cho cái thằng cháu bất tài và ngang bướng này”!
Lúc đầu bị xếp ở văn phòng Gói, đóng tại sườn một quả đồi nhỏ ở Cao Lộc tôi đã cảm thấy bức xúc lắm rồi. Tanaka đã sắp xếp chỗ ngồi trong phòng làm việc cho từng người. Cái bếp ăn của tổ Tư vấn nội cũng bị ông ta đặt chỗ này, xếp chỗ nọ.
Tôi thường nói đùa với đồng nghiệp khi ông ta không có mặt:
-   Lão “Nhật Bổn” này “chầm chập” thế quái nào ấy! Đến chỗ ăn, chỗ ngồi của Tư vấn nội ông ấy cũng “xếp dọn theo ý”! Vợ lão có lẽ cũng phải theo “đúng quy trình, đúng lịch” mới được lên giường ngủ với lão.
Ở đời, vạn vật vẫn có những quy luật bù trừ của nó, nên như các cụ thường nói: “Ngu dốt sống dai. Bất tài giàu có”. Mà tôi cũng chỉ là một trong số đó!
Nói gì thì nói, đầu tiên cứ phải theo sự sắp đặt của ông ấy cái đã, sau rồi dãn dần dần ra chứ không lại “ỏm củ tỏi” lên ngay.
Lúc đã thân tình, xem kỹ lại thì ra ông này cũng không đến nỗi nào. Đã có lần tôi hỏi ông thân mật:
-   Người Nhật Bản thường thấp, sao ông lại cao tới mét tám nhăm?
-   Quê tôi gần với biên giới Nhật-Mông, mẹ tôi là người Mông Cổ, bố tôi mới là người Nhật, nên tôi giống người Mông Cổ nhiều hơn.
Quan sát kỹ thì quả thật ông này có nhiều nét giống người thiểu số Mông Cổ hơn là người Nhật Bản!
Ngay cái cách ăn uống cũng vậy, rất sạch sẽ và ngăn nắp. Chẳng biết khi ăn một mình thì thế nào, chứ bữa nào ăn chung với bọn tôi thì ông lấy mấy cái bát nhỏ, mỗi thứ xúc ra một ít để quanh chỗ mình ngồi, như chia phần ăn của trẻ con trong nhà trẻ. Khi ăn, ông chỉ gắp các thức ăn trong mấy bát đó, không gắp hoặc chan, múc các thức ăn trên bàn bằng thìa, đũa của mình như người Việt ta. Mãi sau đó tôi mới hiểu rằng từ chuyện nhỏ như cách ăn uống ông cũng đã được dạy dỗ và tập nhiễm từ thuở đi nhà trẻ, nay đã trở thành thói quen của cả một cộng đồng người có giáo dục, có kỷ luật, chứ không chỉ nói mà không làm, luôn lý thuyết suông rỗng tuếch như ở ta đâu!
Tính tình ông bộc tuệch, nóng nảy nhưng thẳng thắn và hơi thô bạo, thể hiện ngay ở cả cách giao tiếp và đi đứng.
 Cũng không biết do ai thông tin mà ông biết tôi đang có tranh gửi bán trong các Ga-lơ-ry(2) ở Hà Nội thế là nhiều lần ri-quét(3) tôi “biếu” tranh. Tôi thường nói đùa với các đồng nghiệp trong văn phòng bằng tiếng Việt:
- Mẹ kiếp, tranh người ta vẽ ra để bán lấy tiền. Đằng này đã muốn xin không, lại còn “ri-quét”. Trịch thượng thế, ai mà “thông” cho được!
Dăm lần sau không thấy tôi đáp ứng, nhưng ông ta cũng không tỏ vẻ bực bội mà vẫn kiên trì “ri-quét”.
Các đồng nghiệp tôi thì nói thêm vào:
- Thôi bác ạ, chắc là thích tranh lắm nên Tanaka mới kiên trì “ri-quét” như thế. Bác xem xem nên cho ông ta một cái chăng? Vốn tiếng Anh của Tanaka không nhiều nên không thể hiện  được, chứ chắc ông ta không muốn “trịch thượng” đâu!
Tôi cũng nghĩ vậy, nên đưa cho ông ta xem ca-ta-lốc(4) tranh. Ông ta cứ mân mê mấy cái tranh khỏa thân, nhưng cuối cùng lại chọn cái tranh tả một người gánh gồng trong lũy tre làng yên ả. Tôi cũng thật thông cảm với Tanaka, một người đàn ông khỏe mạnh phải đi làm xa vợ, một năm mới về thăm nhà có mươi ngày thì chịu đựng như ông ta quả là rất “đáng nể”! Ông ta đã mua một cái khung treo trang trọng cái tranh của tôi lên trước bàn làm việc.
Mấy năm sau có dịp về Hà Nội, ông đều gọi tôi đi uống bia, khoe là vẫn giữ gìn và treo tranh tôi trong phòng làm việc.
Tôi thầm an ủi: “Thế cũng bõ!”
Lần cuối cùng khi ngồi uống bia tươi ở đường Nguyễn Chí Thanh, gần cổng Đài Truyền hình Việt Nam, tôi hỏi ông là đang triển khai công trình tại Quảng Ninh sao lại bỏ về nước? Ông im lặng không nói gì nhưng ngay sau đó tôi được biết là ông đã bị trục xuất về Nhật bởi đã dám coi thường không thèm làm việc với mấy ông Tướng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
***
Sau công trình mười cầu phía Bắc trên tuyến 1A, Tanaka được Ji-bic điều ra làm kỹ sư hiện trường các công trình trên Quốc lộ 10 tại Quảng Ninh. Ông có xin tôi ra làm Kỹ sư Kết cấu, nhưng PMU18 không đồng ý, thế là đành mỗi người một ngả. Tôi về Hưng Yên làm mười một cầu nhỏ của công trình Giao thông Nông thôn do Ngân hàng Thế giới(5) cho vay vốn, còn Tanaka ra Quảng Ninh, nhưng lần nào về Hà Nội ông ta vẫn gọi kỳ được tôi đi uống bia.
Đoạn công trình Quốc lộ 10 tại Quảng Ninh do Quốc phòng trúng thầu. Trúng thầu kiểu “lính tráng” vì vậy đã xảy ra những diễn biến không bình thường.
Nói thế nào để dễ hiểu nhỉ, thông thường khi có một công trình được nhà nước quyết định thi công, thì Bộ chủ quản và Ban Quản lý Dự án phải tổ chức để các đơn vị có đủ điều kiện đấu thầu.
Đơn vị nào trúng thầu sẽ được thi công công trình đó. Ngoài khả năng về kỹ thuật, đủ trang thiết bị để thi công, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đủ để điều hành dự án, thì phải tính đến kinh tế. Nguyên tắc đấu thầu là thế này, thí dụ giá sàn công trình mà Nhà nước (hoặc Bộ Chủ quản) đặt là một trăm tỷ thì khi bỏ thầu nhà thầu phải đặt giá cao hơn thí dụ là một trăm hai mươi, một trăm ba mươi tỷ. Chỗ dư ra 20, 30% là để nuôi quân, để khấu hao thiết bị và để tích lũy. Có thế đơn vị mới tồn tại và “lớn” lên được.
Tất cả các nhà thầu đến dự thầu đều biết và đều làm như vậy. Nhưng riêng nhà thầu Quân đội lại chỉ đặt giá thầu là tám mươi tỷ (dưới giá sàn đến 20, 30%). Khi thuyết trình trước Ban Chấm thầu, họ đã dùng cách trình bày kiểu “cả vú lấp miệng em”! Thí dụ: “quân đằng nào chả phải nuôi” nên không tính đến chi phí nuôi quân. Khí tài và thiết bị không dùng vẫn tính khấu hao nên không cần tính khấu hao thiết bị! Do đó giá bỏ thầu của họ thấp là “rất có lý” và vì vậy giá bỏ thầu của họ chỉ hơn nửa giá của các nhà thầu khác. Với “lý sự cùn” ấy họ ăn đứt các “đối thủ” khác!
Tất nhiên khi xem xét rồi đi đến quyết định ai trúng, ai trượt thì các cấp lãnh đạo cũng có nguyên tắc làm việc của mình. Không phải đơn vị nào bỏ thầu thấp nhất thì trúng thầu. Họ phải thuyết phục được Ban Chấm thầu là tại sao họ lại bỏ thầu giá đó với các luận cứ khoa học và các luận cứ ấy phải có sức thuyết phục.
Tuy nhiên ở đây họ “muốn thể hiện mình” là Quân đội ngoài việc đánh nhau giỏi vẫn có thể “làm kinh tế giỏi”. Rồi lấy thế là Quân Đội để gây áp lực. Quả nhiên đơn vị này đã trúng thầu.    
Đến khi bắt tay vào thi công thì thực tế không như mớ “lý thuyết suông” của họ. Không có tiền chi để khấu hao, thay thế thiết bị hỏng, các thiết bị thi nhau “đổ kềnh kếnh cang” ra. Họ không biết rằng “khấu hao nguội” khác với “khấu hao vận động” là thế nào! Để một cái máy tại chỗ không vận hành, cũng phải khấu hao, nhưng đó là “khấu hao nguội”. Còn nếu đưa cái máy đó vào khai thác thì khấu hao sẽ không còn như vậy nữa, nó sẽ gấp hai, ba, thậm chí là mười lần “khấu hao nguội”.
Trong khi Tanaka lo “sốt vó” lên vì tiến độ công trình cứ bị đẩy lùi mãi. Bộ chủ quản và Ban Quản lý Dự án thì luôn có công văn giục giã. Bên nhà thầu cử Đại tá làm việc. Mấy lần Tanaka thấy cũng chẳng có tiến bộ gì hơn, bèn có công văn phản hồi lên Bộ chủ quản. Bộ chủ quản hich nhẹ sang bộ Quốc phòng. Lần sau họ cử Thiếu tướng đến làm việc. Cũng chẳng hơn gì.
Các lần làm việc sau, ngồi nói được dăm câu Tanaka đứng lên không tiếp nữa.
Hỏi vì sao? Ông ta nói:
- Tôi chỉ đủ thời gian để làm việc với những người có khả năng giải quyết công việc. Chứ không có thời gian nói chuyện dông dài, dù bất kỳ đó là ai!
Với thái độ “bất kính” trên, Tanaka bị buộc phải rời khỏi Việt Nam!   
Trong các gói tôi đã từng làm Tư vấn, biết khá nhiều các kỹ sư nước ngoài như Mỹ, Anh, Nhật,… thì thấy ông kỹ sư người Nhật Bản này là một chuyên gia giỏi và rất có trách nhiệm, làm việc cực kỳ nghiêm túc.
Ông coi chất lượng công trình là hàng đầu, sau đó là tiến độ cũng luôn được ông đôn đốc, nhắc nhở đôi khi đến khó chịu.
Ông thường nói:
-   Chất lượng công trình và tiến độ thi công là thước đo nhân phẩm của mỗi người lao động.
Đôi lúc tôi lẩn thẩn nghĩ rằng nếu đất nước ta mà việc nào cũng được ông chỉ huy và nhắc nhỏm thì chẳng mấy chốc nó sẽ bứt phá tiến nhanh qua Chủ nghĩa Xã hội, đến Chủ nghĩ Cộng sản, rồi bay vọt lên vũ trụ bao la.
***
Cũng có lẽ do tính cách làm việc của Tanaka mà công ty Ji-bic, công ty đã cho vay vốn và quản lý đã phân công ông phụ trách hiện trường cả mười cầu trọng điểm trên Quốc lộ 1A, tuyến huyết mạch  Bắc Nam.
Thế thì vì sao ông ta bị buộc phải rời khỏi Việt Nam?! Câu trả lời này chúng ta hãy tự giải đáp lấy.
Gần kết thúc buổi tiệc nhỏ chia tay, Tanaka hỏi riêng tôi là có muốn theo ông ta sang Nhật Bản làm việc không?
Ông còn nói thêm:
- Tôi sẽ giới thiệu ông với Jica, công ty chính của tôi. Với khả năng làm việc của ông thì lương có thể được trả từ tám nghìn đến mười nghìn Đô-la Mỹ một tháng.
Tôi đã nói với Tanaka rằng:
- Kể như tôi mới bốn mươi tuổi thì với số lương ấy tôi sẵn sàng theo ông đến bất kỳ đâu trên trái đất này. Nhưng bây giờ tôi đã sáu mươi rồi, tôi không muốn đi đâu xa gia đình nữa. Dù sao tôi vẫn rất cám ơn ông.
Thoáng cái đã gần hai mươi năm trôi qua. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ về Ichiro Tanaka, một con người sống thật nền nếp, đến từ một xứ sở có giáo dục.

Hà Nội,2016.

(1)   Gói: Dịch nguyên văn từ package có nghĩa là gói thầu, đơn vị công việc mà nhà thầu làm
(2)   Ga-lơ-ry: Gallery: Phòng trưng bày tranh
(3)   Ri-quét: Request: Yêu cầu, thỉnh cầu
(4)   Ca-ta-lốc: Catalogue: Danh mục liệt kê
(5)   Ngân hàng Thế giới: World Bank



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét