tháng 8 10, 2016

Cân đường trắng

Vĩ đến khẩn khoản rủ tôi đi thăm cô bạn gái mới quen của anh ta. Tôi với Vĩ là bạn học cùng lớp Phổ thông Trung học cách đây năm chục năm.
Anh học được, mặt mũi sáng sủa, ăn nói dễ nghe, thế mà chẳng hiểu sao đường vợ con lại “gian nan” đến vậy.
Về kinh tế, so với các bạn thì anh vào loại khá nhất. Sau Đại học anh được cơ quan cho đi thực tập ở Cộng hòa Dân chủ Đức sáu năm. Anh đã mang ở Đức về không thiếu thứ gì: xe mô-tô Simson ba, bốn chiếc, máy khâu cũng dăm, bảy chiếc, cả những đồ chơi đắt tiền của trẻ con mà hồi đó chỉ ở Đức mới có, như đoàn tàu hỏa chạy điện vừa đi vừa bật đèn, vừa hú còi, vừa xì nước, vừa phát ra tiếng xình xịch y như tàu hỏa thật. Chả cứ trẻ con, mà đến ngay người lớn xem cũng cứ "ngay cán tàn” ra. Lại còn kẹo bánh thì khỏi phải nói, chỉ ở Đức mới ngon đến thế, mới đẹp và sang đến thế.  
Nhưng mọi thứ vật chất không đáng kể gì so với cái đặc biệt nhất là anh đã “đóng gói mang về” toàn bộ “kiểu cách sống” và mọi cái ứng xử của riêng người Đức mới có. Anh thường qua nhà nói chuyện cho tôi nghe.
Anh kể:
-   Ở bên Đức bạn bè, kể cả người yêu rủ nhau vào quán nước, khi đứng dậy thằng nào ăn cái gì, thì trả tiền cái ấy chứ không có cái kiểu mọi người cùng ăn, một thằng phải trả” như ở Việt Nam. Ở cơ quan cũng vậy sang phòng nhau làm việc, nếu hút một vài điếu thuốc để trên bàn, thì khi đứng lên ra về cũng phải bỏ tiền lại vào một cái hộp nhỏ bên cạnh để thanh toán tiền mấy điếu thuốc đã hút.
Người Đức hầu hết đưa bố mẹ già vào trại dưỡng lão để sống nốt cuộc đời còn lại, chứ không sống chung với con cháu một nhà, như ở Việt Nam ta thường ca ngợi là tam, tứ đại đồng đường!(1)  
Ông, bà nhớ cháu, muốn đến thăm cũng phải điện báo trước, nếu không bố mẹ chúng không cho ông, bà vào nhà.
Anh thường ca ngợi sự rạch ròi, sòng phẳng và cách làm việc khoa học đến cứng nhắc của người Đức.
Lắm lần tôi trêu anh nói:
-   Khi tớ già, lại phải lọm khọm chống ba-toong đi từ trại dưỡng lão về nhà thăm cháu, mà vì không báo trước, không có kế hoạch, bố mẹ chúng không tiếp, không cho vào nhà thì tớ sẽ ỉa phẹt vào nhà chúng nó, không bao giờ đến nữa!
-   Nhưng sống phải khoa học, làm cái gì cũng phải tuân theo kế hoạch thì mới khá lên được!
-   Tớ ỉa vào “cái khoa học” và làm việc theo “kế hoạch kiểu Đức” của cậu!
-   Có thể chưa quen, nên chưa thích. Nhưng anh phải hiểu là tại sao Đức lại được cả thế giới tôn sùng là một dân tộc “thượng đẳng”. Tại sao Đức lại có Hit-le và “chỉ một ly nữa” là Đức đã thống trị toàn thế giới?!
-   Cậu không biết mọi người đều coi Hit-le là nỗi sỉ nhục lớn nhất của dân tộc Đức sao?!
Tuy nhiên nói gì thì nói, Vĩ vẫn là Vĩ, vẫn sống rất sung túc và vẫn luôn “kiêu hãnh” với cái “kiểu cách sống rất Đức” của cậu ấy!
Còn tôi thì vẫn là tôi, lấy vợ sinh con, con lại lấy vợ, sinh cháu. Gia đình vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu, vẫn nghèo và vẫn cứ tồn tại như bao nhiêu gia đình khác.
Ngày tháng cứ trôi đi, tóc trên đầu Vĩ cũng thưa dần và lốm đốm bạc.
Quen biết Vĩ đã lâu mà tôi gần như bị choáng khi cậu ta đưa cho tôi xem cuốn sổ tay ghi chép rất cẩn thận và đầy đủ tất cả phí tổn của các cuộc “tấn công phái đẹp” từ khi cậu ấy trưởng thành đến nay. Có cuộc lên tới hàng triệu đồng chứ chẳng ít.
Tôi hỏi:
-   Cậu ghi thế này để làm gi?
-   Để rút kinh nghiệm cho lần sau và nếu có thể tìm cách thu hồi vốn!
-   Có khi nào bị lỗ không?
-   Thỉnh thoảng, nhưng cũng có lần còn có lãi nữa.
-   Lại còn có lãi nữa!?
-   Tất nhiên rồi!
-   Làm thế nào mà lại có lãi nữa?
-   Thiếu gì cách!
-   Cách gì?
-   Đưa các chứng cứ thuyết phục và không thể chối cãi để “đối phương” phải “lè” tiền ra.
-   Giống như “tống tiền” ấy à?
-   Sao cậu lại cho đó là “tống tiền”!
-   Thế thì là cái gì?
-   Là đòi lại “sự công bằng”!
-   Đúng là “Công bằng kiểu Đức”!
***
Để tiếp tục câu chuyện, tôi hỏi Vĩ:
-   Đi “cưa kéo” sao lại rủ tớ đi, như thế chẳng bất tiện lắm à?
-   Tớ cứ thấy ngài ngại thế nào ấy! Rủ cậu đi cùng cho nó “chắc”! Lại còn có người chứng kiến.
-   Ơ hay, tán gái lại cần người chứng kiến à!?
-   Lỡ tớ có gì sơ sẩy thì cậu còn góp ý. Hơn nữa tớ muốn cậu nhận xét luôn “đối tượng” giúp tớ.
-   Thôi được, cậu đã nói thế, tớ sẽ đi.
Hôm ấy, Vĩ ăn mặc tươm tất lắm, áo quần là lượt thẳng thớm, tóc cắt, gội gọn gàng và nhuộm đen nhánh, còn sức nước hoa thơm sực.
Hai “lão già” đèo nhau trên chiếc xe mô-tô đắt tiền “mới coóng” mượn của cậu em họ Vĩ.
Cô bạn gái mới của anh mới gần năm mươi, vừa li hôn ít lâu, không con cái nên trông còn “sạch nước cản” lắm. Biết diện đúng “mốt”, ăn nói điệu đà hơi thái quá. Tuy nhiên so sánh tương quan thì “quá OK”!
Hai người chuyện trò một lúc rồi Vĩ đưa một gói quà bọc cẩn thận và rất đẹp tặng cô bạn mới quen.
Tôi “chuồn chuồn” ra ngoài để Vĩ tự do phát huy sở trường của cậu ấy.
Tôi cứ hy vọng lần này sẽ được “ăn kẹo” cưới của “đôi trai tài, gái sắc” này!
Vài tuần sau gặp lại, Vĩ có vẻ không vui, hỏi mãi mới thổ lộ:
-   Tớ đến gặp em dăm lần nữa, nhưng lần nào em cũng chỉ nhắc đến cậu. Nói gần, nói xa mà em không một lời hứa hẹn để tớ có thể…chờ. Tớ nản rồi! Hay cậu gặp riêng em hộ tớ một lần nữa, hỏi cho “ra môn, ra khoai”!
-    Cậu là nhân vật chính “tán còn chẳng đổ”. Tớ chỉ là “chất phụ gia”(2), với lại tớ có gia đình rồi, đi lại e vợ con hiểu lầm, không tiện!
-   Cậu hãy vì tớ thêm lần này thôi!
-   Nếu vẫn không “thành công” thì sao? Tôi hỏi lại.
-   Tớ tình nguyện “nhường lại” cho cậu!
-   Ơ hay, sao lại thế?
-   “Của ngon” tớ “buông” thì cậu phải “quắp”! Bỏ phí!
-   Với điều kiện gì? Tôi hỏi đùa Vĩ.
-   Cậu là bạn lâu năm nên tớ “miễn phí” hết, chỉ tính tiền cân đường trắng tớ mua “tặng em” hôm cậu cùng đi với tớ ấy!


Hà Nội, 2016.

(1)      Tam đại, tứ đại đồng đường: ba, bốn đời: cụ, ông cha, con ở chung với nhau một mái nhà.
(2)      Chất phụ gia: Chất thêm vào và chỉ là thành phần phụ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét