tháng 8 28, 2016

Kỹ sư hiện trường

Ichiro Tanaka là một trong năm người ngồi phỏng vấn tôi để tuyển Tư vấn Giám sát cho gói(1) V trong Dự án làm mới 10 cầu phía Bắc trên quốc lộ 1A từ Đồng Đăng về Mẹt.
Hôm ấy, ông ta không nói hay hỏi tôi điều gì cả mà chỉ ngồi nhìn chằm chằm như đang xem tôi diễn kịch trên sân khấu.
Sau khi trúng tuyển và bị “ấn” vào cái “ghế” “Tư vấn trưởng” của gói, tôi cứ tự nhủ thầm trong bụng: “Có lẽ mọi việc đúng như trong lá số tử vi là bà cô tổ nhà tôi đã linh ứng phù hộ cho cái thằng cháu bất tài và ngang bướng này”!
Lúc đầu bị xếp ở văn phòng Gói, đóng tại sườn một quả đồi nhỏ ở Cao Lộc tôi đã cảm thấy bức xúc lắm rồi. Tanaka đã sắp xếp chỗ ngồi trong phòng làm việc cho từng người. Cái bếp ăn của tổ Tư vấn nội cũng bị ông ta đặt chỗ này, xếp chỗ nọ.
Tôi thường nói đùa với đồng nghiệp khi ông ta không có mặt:
-   Lão “Nhật Bổn” này “chầm chập” thế quái nào ấy! Đến chỗ ăn, chỗ ngồi của Tư vấn nội ông ấy cũng “xếp dọn theo ý”! Vợ lão có lẽ cũng phải theo “đúng quy trình, đúng lịch” mới được lên giường ngủ với lão.
Ở đời, vạn vật vẫn có những quy luật bù trừ của nó, nên như các cụ thường nói: “Ngu dốt sống dai. Bất tài giàu có”. Mà tôi cũng chỉ là một trong số đó!
Nói gì thì nói, đầu tiên cứ phải theo sự sắp đặt của ông ấy cái đã, sau rồi dãn dần dần ra chứ không lại “ỏm củ tỏi” lên ngay.
Lúc đã thân tình, xem kỹ lại thì ra ông này cũng không đến nỗi nào. Đã có lần tôi hỏi ông thân mật:
-   Người Nhật Bản thường thấp, sao ông lại cao tới mét tám nhăm?
-   Quê tôi gần với biên giới Nhật-Mông, mẹ tôi là người Mông Cổ, bố tôi mới là người Nhật, nên tôi giống người Mông Cổ nhiều hơn.
Quan sát kỹ thì quả thật ông này có nhiều nét giống người thiểu số Mông Cổ hơn là người Nhật Bản!
Ngay cái cách ăn uống cũng vậy, rất sạch sẽ và ngăn nắp. Chẳng biết khi ăn một mình thì thế nào, chứ bữa nào ăn chung với bọn tôi thì ông lấy mấy cái bát nhỏ, mỗi thứ xúc ra một ít để quanh chỗ mình ngồi, như chia phần ăn của trẻ con trong nhà trẻ. Khi ăn, ông chỉ gắp các thức ăn trong mấy bát đó, không gắp hoặc chan, múc các thức ăn trên bàn bằng thìa, đũa của mình như người Việt ta. Mãi sau đó tôi mới hiểu rằng từ chuyện nhỏ như cách ăn uống ông cũng đã được dạy dỗ và tập nhiễm từ thuở đi nhà trẻ, nay đã trở thành thói quen của cả một cộng đồng người có giáo dục, có kỷ luật, chứ không chỉ nói mà không làm, luôn lý thuyết suông rỗng tuếch như ở ta đâu!
Tính tình ông bộc tuệch, nóng nảy nhưng thẳng thắn và hơi thô bạo, thể hiện ngay ở cả cách giao tiếp và đi đứng.
 Cũng không biết do ai thông tin mà ông biết tôi đang có tranh gửi bán trong các Ga-lơ-ry(2) ở Hà Nội thế là nhiều lần ri-quét(3) tôi “biếu” tranh. Tôi thường nói đùa với các đồng nghiệp trong văn phòng bằng tiếng Việt:
- Mẹ kiếp, tranh người ta vẽ ra để bán lấy tiền. Đằng này đã muốn xin không, lại còn “ri-quét”. Trịch thượng thế, ai mà “thông” cho được!
Dăm lần sau không thấy tôi đáp ứng, nhưng ông ta cũng không tỏ vẻ bực bội mà vẫn kiên trì “ri-quét”.
Các đồng nghiệp tôi thì nói thêm vào:
- Thôi bác ạ, chắc là thích tranh lắm nên Tanaka mới kiên trì “ri-quét” như thế. Bác xem xem nên cho ông ta một cái chăng? Vốn tiếng Anh của Tanaka không nhiều nên không thể hiện  được, chứ chắc ông ta không muốn “trịch thượng” đâu!
Tôi cũng nghĩ vậy, nên đưa cho ông ta xem ca-ta-lốc(4) tranh. Ông ta cứ mân mê mấy cái tranh khỏa thân, nhưng cuối cùng lại chọn cái tranh tả một người gánh gồng trong lũy tre làng yên ả. Tôi cũng thật thông cảm với Tanaka, một người đàn ông khỏe mạnh phải đi làm xa vợ, một năm mới về thăm nhà có mươi ngày thì chịu đựng như ông ta quả là rất “đáng nể”! Ông ta đã mua một cái khung treo trang trọng cái tranh của tôi lên trước bàn làm việc.
Mấy năm sau có dịp về Hà Nội, ông đều gọi tôi đi uống bia, khoe là vẫn giữ gìn và treo tranh tôi trong phòng làm việc.
Tôi thầm an ủi: “Thế cũng bõ!”
Lần cuối cùng khi ngồi uống bia tươi ở đường Nguyễn Chí Thanh, gần cổng Đài Truyền hình Việt Nam, tôi hỏi ông là đang triển khai công trình tại Quảng Ninh sao lại bỏ về nước? Ông im lặng không nói gì nhưng ngay sau đó tôi được biết là ông đã bị trục xuất về Nhật bởi đã dám coi thường không thèm làm việc với mấy ông Tướng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
***
Sau công trình mười cầu phía Bắc trên tuyến 1A, Tanaka được Ji-bic điều ra làm kỹ sư hiện trường các công trình trên Quốc lộ 10 tại Quảng Ninh. Ông có xin tôi ra làm Kỹ sư Kết cấu, nhưng PMU18 không đồng ý, thế là đành mỗi người một ngả. Tôi về Hưng Yên làm mười một cầu nhỏ của công trình Giao thông Nông thôn do Ngân hàng Thế giới(5) cho vay vốn, còn Tanaka ra Quảng Ninh, nhưng lần nào về Hà Nội ông ta vẫn gọi kỳ được tôi đi uống bia.
Đoạn công trình Quốc lộ 10 tại Quảng Ninh do Quốc phòng trúng thầu. Trúng thầu kiểu “lính tráng” vì vậy đã xảy ra những diễn biến không bình thường.
Nói thế nào để dễ hiểu nhỉ, thông thường khi có một công trình được nhà nước quyết định thi công, thì Bộ chủ quản và Ban Quản lý Dự án phải tổ chức để các đơn vị có đủ điều kiện đấu thầu.
Đơn vị nào trúng thầu sẽ được thi công công trình đó. Ngoài khả năng về kỹ thuật, đủ trang thiết bị để thi công, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đủ để điều hành dự án, thì phải tính đến kinh tế. Nguyên tắc đấu thầu là thế này, thí dụ giá sàn công trình mà Nhà nước (hoặc Bộ Chủ quản) đặt là một trăm tỷ thì khi bỏ thầu nhà thầu phải đặt giá cao hơn thí dụ là một trăm hai mươi, một trăm ba mươi tỷ. Chỗ dư ra 20, 30% là để nuôi quân, để khấu hao thiết bị và để tích lũy. Có thế đơn vị mới tồn tại và “lớn” lên được.
Tất cả các nhà thầu đến dự thầu đều biết và đều làm như vậy. Nhưng riêng nhà thầu Quân đội lại chỉ đặt giá thầu là tám mươi tỷ (dưới giá sàn đến 20, 30%). Khi thuyết trình trước Ban Chấm thầu, họ đã dùng cách trình bày kiểu “cả vú lấp miệng em”! Thí dụ: “quân đằng nào chả phải nuôi” nên không tính đến chi phí nuôi quân. Khí tài và thiết bị không dùng vẫn tính khấu hao nên không cần tính khấu hao thiết bị! Do đó giá bỏ thầu của họ thấp là “rất có lý” và vì vậy giá bỏ thầu của họ chỉ hơn nửa giá của các nhà thầu khác. Với “lý sự cùn” ấy họ ăn đứt các “đối thủ” khác!
Tất nhiên khi xem xét rồi đi đến quyết định ai trúng, ai trượt thì các cấp lãnh đạo cũng có nguyên tắc làm việc của mình. Không phải đơn vị nào bỏ thầu thấp nhất thì trúng thầu. Họ phải thuyết phục được Ban Chấm thầu là tại sao họ lại bỏ thầu giá đó với các luận cứ khoa học và các luận cứ ấy phải có sức thuyết phục.
Tuy nhiên ở đây họ “muốn thể hiện mình” là Quân đội ngoài việc đánh nhau giỏi vẫn có thể “làm kinh tế giỏi”. Rồi lấy thế là Quân Đội để gây áp lực. Quả nhiên đơn vị này đã trúng thầu.    
Đến khi bắt tay vào thi công thì thực tế không như mớ “lý thuyết suông” của họ. Không có tiền chi để khấu hao, thay thế thiết bị hỏng, các thiết bị thi nhau “đổ kềnh kếnh cang” ra. Họ không biết rằng “khấu hao nguội” khác với “khấu hao vận động” là thế nào! Để một cái máy tại chỗ không vận hành, cũng phải khấu hao, nhưng đó là “khấu hao nguội”. Còn nếu đưa cái máy đó vào khai thác thì khấu hao sẽ không còn như vậy nữa, nó sẽ gấp hai, ba, thậm chí là mười lần “khấu hao nguội”.
Trong khi Tanaka lo “sốt vó” lên vì tiến độ công trình cứ bị đẩy lùi mãi. Bộ chủ quản và Ban Quản lý Dự án thì luôn có công văn giục giã. Bên nhà thầu cử Đại tá làm việc. Mấy lần Tanaka thấy cũng chẳng có tiến bộ gì hơn, bèn có công văn phản hồi lên Bộ chủ quản. Bộ chủ quản hich nhẹ sang bộ Quốc phòng. Lần sau họ cử Thiếu tướng đến làm việc. Cũng chẳng hơn gì.
Các lần làm việc sau, ngồi nói được dăm câu Tanaka đứng lên không tiếp nữa.
Hỏi vì sao? Ông ta nói:
- Tôi chỉ đủ thời gian để làm việc với những người có khả năng giải quyết công việc. Chứ không có thời gian nói chuyện dông dài, dù bất kỳ đó là ai!
Với thái độ “bất kính” trên, Tanaka bị buộc phải rời khỏi Việt Nam!   
Trong các gói tôi đã từng làm Tư vấn, biết khá nhiều các kỹ sư nước ngoài như Mỹ, Anh, Nhật,… thì thấy ông kỹ sư người Nhật Bản này là một chuyên gia giỏi và rất có trách nhiệm, làm việc cực kỳ nghiêm túc.
Ông coi chất lượng công trình là hàng đầu, sau đó là tiến độ cũng luôn được ông đôn đốc, nhắc nhở đôi khi đến khó chịu.
Ông thường nói:
-   Chất lượng công trình và tiến độ thi công là thước đo nhân phẩm của mỗi người lao động.
Đôi lúc tôi lẩn thẩn nghĩ rằng nếu đất nước ta mà việc nào cũng được ông chỉ huy và nhắc nhỏm thì chẳng mấy chốc nó sẽ bứt phá tiến nhanh qua Chủ nghĩa Xã hội, đến Chủ nghĩ Cộng sản, rồi bay vọt lên vũ trụ bao la.
***
Cũng có lẽ do tính cách làm việc của Tanaka mà công ty Ji-bic, công ty đã cho vay vốn và quản lý đã phân công ông phụ trách hiện trường cả mười cầu trọng điểm trên Quốc lộ 1A, tuyến huyết mạch  Bắc Nam.
Thế thì vì sao ông ta bị buộc phải rời khỏi Việt Nam?! Câu trả lời này chúng ta hãy tự giải đáp lấy.
Gần kết thúc buổi tiệc nhỏ chia tay, Tanaka hỏi riêng tôi là có muốn theo ông ta sang Nhật Bản làm việc không?
Ông còn nói thêm:
- Tôi sẽ giới thiệu ông với Jica, công ty chính của tôi. Với khả năng làm việc của ông thì lương có thể được trả từ tám nghìn đến mười nghìn Đô-la Mỹ một tháng.
Tôi đã nói với Tanaka rằng:
- Kể như tôi mới bốn mươi tuổi thì với số lương ấy tôi sẵn sàng theo ông đến bất kỳ đâu trên trái đất này. Nhưng bây giờ tôi đã sáu mươi rồi, tôi không muốn đi đâu xa gia đình nữa. Dù sao tôi vẫn rất cám ơn ông.
Thoáng cái đã gần hai mươi năm trôi qua. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ về Ichiro Tanaka, một con người sống thật nền nếp, đến từ một xứ sở có giáo dục.

Hà Nội,2016.

(1)   Gói: Dịch nguyên văn từ package có nghĩa là gói thầu, đơn vị công việc mà nhà thầu làm
(2)   Ga-lơ-ry: Gallery: Phòng trưng bày tranh
(3)   Ri-quét: Request: Yêu cầu, thỉnh cầu
(4)   Ca-ta-lốc: Catalogue: Danh mục liệt kê
(5)   Ngân hàng Thế giới: World Bank



tháng 8 22, 2016

Chân dung hồi trẻ - 1961


Giẫm phải cứt Tây

Thằng “oắt con” này ở cùng làng với tôi, xóm trên, xóm dưới, kém tôi hơn hai chục tuổi. Nhà đã nghèo, học lại dốt, nên đang học lớp bảy thì bố mẹ nó bắt nghỉ để làm phụ với gia đình. Nói là làm phụ chứ tạng nó yếu như sên, làm chẳng bõ tiền thuốc. Ở nhà quanh quẩn vào ra, được cái mồm mép “tép nhảy” lại đón ý người khác rất tài nên mọi người cũng lờ đi để cho yên ổn cửa nhà.   
Lớn lên tí nữa, có người quen xin cho đi học thợ nguội ở một trường Trung cấp Dạy nghề. Tốt nghiệp rồi lại nhờ người quen xin vào làm ở một cơ sở sản xuất thức ăn gia súc địa phương. Chả biết sao, chứ thằng “nhãi” này toàn gặp may là may.
Rồi cũng đến tuổi phải lấy vợ. Khi đang định “quơ” một cô thôn nữ cùng làng, thì chẳng may nó lại rơi ngay vào “bẫy cò ke” của một con “lữa”, hơn nó đến sáu, bảy tuổi.  Mặc dầu lấy phải vợ già hơn nhiều cũng không phải là cái chính, mà con này thuộc “đẳng cấp siêu cao thủ”! Nó quê đâu mãi Vân Đình ra ở với thằng anh lái xe to béo, hung hãn nhất cơ quan để chữa bệnh. Nó già dặn ngang mẹ thằng “ôn”, từng trải nhất vùng, mắt toàn lòng trắng, tiếng nói khè khè như chó bị bóp cổ, nhưng “các mánh” trên đời thì không gì là không “tinh thông”, lĩnh vực nào cũng vào loại “nhất đẳng”!
Có lẽ do cái mã sáng sủa của cu cậu, mà con này nó “kết”, chứ lấy chồng mà vớ phải cái thằng như thế thì “vận nhà nó coi như bốc phải cứt rồi”!
Hôm ấy nó định cho “thằng bé vào đời” bèn kéo thằng này vào buồng. Lần đầu nên cậu ta run rẩy loay hoay mãi mà vẫn chưa tụt được cái quần ngoài của con lữa này ra. Đúng lúc ấy thì thằng anh xô cửa vào đứng trợn mắt nhìn hai đứa.
Thế là phải cưới!
Ở với nhau mãi không thấy đẻ đái gì, đi khám thì mới biết con này trước đã ăn chơi quá trớn, lại dùng nhiều thuốc đặc trị để tránh thai nên vòi trứng thoái hóa, tụt lại không thể chữa chạy được nữa. Sau này chúng làm ăn, cũng có chút ít tiền, định thay vài bộ phận trong người, nhưng do ngành Y tế chưa tiến bộ kịp. Chưa có nước nào thay được dạ con và buồng trứng nên vẫn cứ phải dùng dằng chờ đợi. Ấy cũng do là “số con này vất vả”, nên dù “lăn lóc” với trăm thằng đàn ông mà vẫn không đẻ được một mụn con.
Thoắt một cái cả hai đứa đầu đã lốm đốm bạc. Hóa ra ông trời cũng có lắm “trò đùa tinh quái” làm cho những kẻ sống bằng thủ đoạn cứ luôn phải “rình mò, chờ đợi” mất công!
Được lão cha đẻ “chỉ đạo” ở quê có một thôn nữ hoang thai. Hai đứa nhảy bổ về dúi cho cô này một đồng cân vàng rồi bế thốc thằng bé bụ bẫm, trắng trẻo “chạy như bay” giống như trò cướp giật cúa “găng-tơ”(1) trên “phim trường(2) Hô-li-út”(3)!
Nhưng từ xưa các cụ chúng nó chẳng đã nói: “Người tính không bằng trời tính”. Mà quả là như vậy thật!
Chúng nó “cướp giật được” thằng bé lại vớ ngay phải một đứa mà mẹ đẻ nó có mả tâm thần. Đã lớn tướng tông ngồng rồi mà vẫn suốt ngày ăn ỉa, bôi bẩn thối tha không ai chịu nổi, trí khôn không bằng đứa bé lên hai.
Nhà nó có ba anh em trai thì đều thất học, ăn ở lại chẳng ra gì, nên khi bố chết, chúng lo sợ bảo nhau đóng cọc tẩm nước đái vào mả bố để “yểm tà”!
Nhưng cũng chẳng phải vì bị đóng cọc vào mả, mà bố chúng hành chúng nó đâu! Các cụ chẳng đã nói: “Hổ dữ cũng không ăn thịt con” đấy sao!?
Chẳng qua là vừa ngu tối, vừa tham lam, độc ác, nên không thể thành người tử tế được đấy thôi! 
Học hành đã ngu dốt, nhưng học đòi lại cực kỳ nhanh nhạy. Ai có cái gì chúng đều cố sắm cho bằng được. Ai hở câu ngoại ngữ nào, dù chẳng hiểu “mô, tê” gì cũng lắp ba, lắp bắp bằng chán mới thôi.
Chúng cứ “bô bô” là “mát-xoa”(3) ở chỗ này sướng hơn “mát-xoa” ở chỗ kia, ra vẻ sành điệu lắm!
Ai đi chơi bời, du lịch đâu, chúng cũng đi đấy, nói về cái gì chúng cũng biết. Đặc biệt là có “dính” tí Tây vào thì là dù chẳng hiểu mẹ gì chúng cũng “vơ vội vào như bắt được”.
Một lần hai vợ chồng mua được mấy cái áo thun “hàng thùng” ở vỉa hè giá rẻ lại còn “mốt”(4). Không kịp giặt giũ gì mặc luôn chạy sang hàng xóm khoe rồi giục tôi ra mua ngay kẻo hết hàng.
Tôi nhìn qua, khen lấy được:
-   Đẹp đấy, lại rất hợp với cô!
Nó hỏi thêm:
-   Thế còn chữ in trên ngực áo này có nghĩa là gì, hở bác?
Lúc bấy giờ tôi mới ngẩng lên thì thấy một hàng chữ in đậm nét rất rõ ràng: “I'm a Prostitute”(5).
Vì nói ra không tiện, tôi cứ ngập ngừng mãi rồi đành đánh trống lảng:
-   Dịch ra làm gì, chỉ biết cô mặc rất hợp!
-   Em sẽ mặc cái áo này đi khắp nơi cho thiên hạ biết mặt!


Hà Nội, 2016.
(1)      Găng-xtơ: Gangster tiếng Anh: kẻ cướp
(2)      Phim trường: nơi diễn ra các hoạt động ngành điện ảnh
(3)      Hô-li-út: Trung tâm điện ảnh, truyền hình Mỹ Hollywood
(4)      Mát-xoa: nói sai từ Massage: xoa bóp, vật lý trị liệu (tiếng Pháp).
(5)      Mốt: Mode: tiếng Pháp: thời trang, còn hợp thời trang
(6)      I'm a Prostitute: Tôi là một con đĩ.

tháng 8 10, 2016

Trong cửa hàng gốm


Bình gốm quý


Chợ vỉa hè sớm mai


Cân đường trắng

Vĩ đến khẩn khoản rủ tôi đi thăm cô bạn gái mới quen của anh ta. Tôi với Vĩ là bạn học cùng lớp Phổ thông Trung học cách đây năm chục năm.
Anh học được, mặt mũi sáng sủa, ăn nói dễ nghe, thế mà chẳng hiểu sao đường vợ con lại “gian nan” đến vậy.
Về kinh tế, so với các bạn thì anh vào loại khá nhất. Sau Đại học anh được cơ quan cho đi thực tập ở Cộng hòa Dân chủ Đức sáu năm. Anh đã mang ở Đức về không thiếu thứ gì: xe mô-tô Simson ba, bốn chiếc, máy khâu cũng dăm, bảy chiếc, cả những đồ chơi đắt tiền của trẻ con mà hồi đó chỉ ở Đức mới có, như đoàn tàu hỏa chạy điện vừa đi vừa bật đèn, vừa hú còi, vừa xì nước, vừa phát ra tiếng xình xịch y như tàu hỏa thật. Chả cứ trẻ con, mà đến ngay người lớn xem cũng cứ "ngay cán tàn” ra. Lại còn kẹo bánh thì khỏi phải nói, chỉ ở Đức mới ngon đến thế, mới đẹp và sang đến thế.  
Nhưng mọi thứ vật chất không đáng kể gì so với cái đặc biệt nhất là anh đã “đóng gói mang về” toàn bộ “kiểu cách sống” và mọi cái ứng xử của riêng người Đức mới có. Anh thường qua nhà nói chuyện cho tôi nghe.
Anh kể:
-   Ở bên Đức bạn bè, kể cả người yêu rủ nhau vào quán nước, khi đứng dậy thằng nào ăn cái gì, thì trả tiền cái ấy chứ không có cái kiểu mọi người cùng ăn, một thằng phải trả” như ở Việt Nam. Ở cơ quan cũng vậy sang phòng nhau làm việc, nếu hút một vài điếu thuốc để trên bàn, thì khi đứng lên ra về cũng phải bỏ tiền lại vào một cái hộp nhỏ bên cạnh để thanh toán tiền mấy điếu thuốc đã hút.
Người Đức hầu hết đưa bố mẹ già vào trại dưỡng lão để sống nốt cuộc đời còn lại, chứ không sống chung với con cháu một nhà, như ở Việt Nam ta thường ca ngợi là tam, tứ đại đồng đường!(1)  
Ông, bà nhớ cháu, muốn đến thăm cũng phải điện báo trước, nếu không bố mẹ chúng không cho ông, bà vào nhà.
Anh thường ca ngợi sự rạch ròi, sòng phẳng và cách làm việc khoa học đến cứng nhắc của người Đức.
Lắm lần tôi trêu anh nói:
-   Khi tớ già, lại phải lọm khọm chống ba-toong đi từ trại dưỡng lão về nhà thăm cháu, mà vì không báo trước, không có kế hoạch, bố mẹ chúng không tiếp, không cho vào nhà thì tớ sẽ ỉa phẹt vào nhà chúng nó, không bao giờ đến nữa!
-   Nhưng sống phải khoa học, làm cái gì cũng phải tuân theo kế hoạch thì mới khá lên được!
-   Tớ ỉa vào “cái khoa học” và làm việc theo “kế hoạch kiểu Đức” của cậu!
-   Có thể chưa quen, nên chưa thích. Nhưng anh phải hiểu là tại sao Đức lại được cả thế giới tôn sùng là một dân tộc “thượng đẳng”. Tại sao Đức lại có Hit-le và “chỉ một ly nữa” là Đức đã thống trị toàn thế giới?!
-   Cậu không biết mọi người đều coi Hit-le là nỗi sỉ nhục lớn nhất của dân tộc Đức sao?!
Tuy nhiên nói gì thì nói, Vĩ vẫn là Vĩ, vẫn sống rất sung túc và vẫn luôn “kiêu hãnh” với cái “kiểu cách sống rất Đức” của cậu ấy!
Còn tôi thì vẫn là tôi, lấy vợ sinh con, con lại lấy vợ, sinh cháu. Gia đình vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu, vẫn nghèo và vẫn cứ tồn tại như bao nhiêu gia đình khác.
Ngày tháng cứ trôi đi, tóc trên đầu Vĩ cũng thưa dần và lốm đốm bạc.
Quen biết Vĩ đã lâu mà tôi gần như bị choáng khi cậu ta đưa cho tôi xem cuốn sổ tay ghi chép rất cẩn thận và đầy đủ tất cả phí tổn của các cuộc “tấn công phái đẹp” từ khi cậu ấy trưởng thành đến nay. Có cuộc lên tới hàng triệu đồng chứ chẳng ít.
Tôi hỏi:
-   Cậu ghi thế này để làm gi?
-   Để rút kinh nghiệm cho lần sau và nếu có thể tìm cách thu hồi vốn!
-   Có khi nào bị lỗ không?
-   Thỉnh thoảng, nhưng cũng có lần còn có lãi nữa.
-   Lại còn có lãi nữa!?
-   Tất nhiên rồi!
-   Làm thế nào mà lại có lãi nữa?
-   Thiếu gì cách!
-   Cách gì?
-   Đưa các chứng cứ thuyết phục và không thể chối cãi để “đối phương” phải “lè” tiền ra.
-   Giống như “tống tiền” ấy à?
-   Sao cậu lại cho đó là “tống tiền”!
-   Thế thì là cái gì?
-   Là đòi lại “sự công bằng”!
-   Đúng là “Công bằng kiểu Đức”!
***
Để tiếp tục câu chuyện, tôi hỏi Vĩ:
-   Đi “cưa kéo” sao lại rủ tớ đi, như thế chẳng bất tiện lắm à?
-   Tớ cứ thấy ngài ngại thế nào ấy! Rủ cậu đi cùng cho nó “chắc”! Lại còn có người chứng kiến.
-   Ơ hay, tán gái lại cần người chứng kiến à!?
-   Lỡ tớ có gì sơ sẩy thì cậu còn góp ý. Hơn nữa tớ muốn cậu nhận xét luôn “đối tượng” giúp tớ.
-   Thôi được, cậu đã nói thế, tớ sẽ đi.
Hôm ấy, Vĩ ăn mặc tươm tất lắm, áo quần là lượt thẳng thớm, tóc cắt, gội gọn gàng và nhuộm đen nhánh, còn sức nước hoa thơm sực.
Hai “lão già” đèo nhau trên chiếc xe mô-tô đắt tiền “mới coóng” mượn của cậu em họ Vĩ.
Cô bạn gái mới của anh mới gần năm mươi, vừa li hôn ít lâu, không con cái nên trông còn “sạch nước cản” lắm. Biết diện đúng “mốt”, ăn nói điệu đà hơi thái quá. Tuy nhiên so sánh tương quan thì “quá OK”!
Hai người chuyện trò một lúc rồi Vĩ đưa một gói quà bọc cẩn thận và rất đẹp tặng cô bạn mới quen.
Tôi “chuồn chuồn” ra ngoài để Vĩ tự do phát huy sở trường của cậu ấy.
Tôi cứ hy vọng lần này sẽ được “ăn kẹo” cưới của “đôi trai tài, gái sắc” này!
Vài tuần sau gặp lại, Vĩ có vẻ không vui, hỏi mãi mới thổ lộ:
-   Tớ đến gặp em dăm lần nữa, nhưng lần nào em cũng chỉ nhắc đến cậu. Nói gần, nói xa mà em không một lời hứa hẹn để tớ có thể…chờ. Tớ nản rồi! Hay cậu gặp riêng em hộ tớ một lần nữa, hỏi cho “ra môn, ra khoai”!
-    Cậu là nhân vật chính “tán còn chẳng đổ”. Tớ chỉ là “chất phụ gia”(2), với lại tớ có gia đình rồi, đi lại e vợ con hiểu lầm, không tiện!
-   Cậu hãy vì tớ thêm lần này thôi!
-   Nếu vẫn không “thành công” thì sao? Tôi hỏi lại.
-   Tớ tình nguyện “nhường lại” cho cậu!
-   Ơ hay, sao lại thế?
-   “Của ngon” tớ “buông” thì cậu phải “quắp”! Bỏ phí!
-   Với điều kiện gì? Tôi hỏi đùa Vĩ.
-   Cậu là bạn lâu năm nên tớ “miễn phí” hết, chỉ tính tiền cân đường trắng tớ mua “tặng em” hôm cậu cùng đi với tớ ấy!


Hà Nội, 2016.

(1)      Tam đại, tứ đại đồng đường: ba, bốn đời: cụ, ông cha, con ở chung với nhau một mái nhà.
(2)      Chất phụ gia: Chất thêm vào và chỉ là thành phần phụ.