tháng 5 07, 2024

LẠI CÓ THÊM NHỮNG KẺ LIỀU LĨNH - Truyện ngắn

            Tôi năm nay đã già khú, nhưng vẫn không bỏ được cái tật thù lâu, nhớ dai như bà vợ thường móc mỉa.

 Tối qua mùng 1 tháng 5 / 2024 hai vợ chồng đang hóng để xem phim “Trạm cứu hộ trái tim” tập 24 trên VTV3. Do vào kênh hơi sớm nên được xem chương trình tiểu đề “Thư cho em” trước đó, (lúc 21 giờ 36 phút) nhưng đến khi được nghe ông tác giả Hoàng Nam Tiến thuật lại bức thư của bố ông (có đưa lên hình khoe cả đằng sau cái Cart Postal viết chữ Nga, từ Liên Xô gửi về. Bố ông hẳn phải là hạt giống đỏ của đảng!).

Và nhất là khi được ông ấy đọc lá thư đầy tình cảm của bố ông (chắc là lúc còn đang ở Liên Xô) gửi cho mẹ ông: đoạn kết có câu ”....anh đi đánh nhau để sau này con mình (chắc là trong đó có cả ông Hoàng Nam Tiến) không còn phải đi đánh nhau nữa....”   

Nghe đến đấy tôi liền nhớ lại chuyện cũ cách đây 37 năm. Lúc ấy anh con trai tôi mới 17 tuổi đang học lớp 12 cuối cấp tại trường PTTH Nguyễn Trãi Hà Nội, chỉ còn hơn tháng nữa là thi tốt nghiệp thì nhận được giấy báo của nhà trường mời đích danh tôi lên dự hội đồng Kỷ luật để xem xét vụ kỷ luật con trai tôi đánh nhau gây thương tích cho người ngoài trường (tôi làm ở ngành Giao thông không mấy khi có mặt ở nhà, nên chủ yếu là bà vợ tôi đi họp)

Hội đồng kỷ luật của nhà trường hôm ấy dự định khai mạc lúc 8 giờ 30 phút, nhưng mãi đến hơn 9 giờ vẫn chưa thật đủ thành phần.

Thấy đã muộn, cô Hiệu phó Bạch Vân (cô đã mất, xin cô đại xá cho) đành đứng lên khai mạc:

- Tôi thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường khai mạc hội nghị kỷ luật này để xét việc học sinh Trần Tuấn đánh lộn gây thương tích cho một thanh niên ngoài trường. Chúng tôi xin giới thiệu về phía nhà trường, tôi là Hiệu phó Phụ trách kỷ luật, cô Loan giáo viên Chủ nhiệm lớp 12 H, lớp em Tuấn học, cô Thảo Bí thư Đoàn trường, thày..., cô....

Đại diện cho ban phụ huynh có bác Sơn, trưởng ban. Phụ huynh học sinh có bác Khai. Cùng dự họp hôm nay còn có bác Châu bảo vệ trường và các em cùng lớp với Trần Tuấn, những người đã chứng kiến sự việc đánh nhau hôm ấy. 

Khi cô Hiệu phó vừa mở đầu chưa dứt, thì tôi đột ngột đứng lên phát biểu:

- Thưa hội đồng tôi xin phép được hỏi các vị trước khi họp: hôm nay chúng ta họp ở đây với mục đích gì?

Để xét việc học sinh Trần Tuân đánh nhau!? 

Nguyên nhân xảy ra sự việc đánh nhau trên, theo như tôi biết thì đó là việc giành giật một cái mũ, giá trị chỉ bằng hai cái bánh mỳ! Xin hỏi: Trần Tuấn giành giật cái mũ của ai?  

Trần Tuấn bị cướp mũ, giành lại rồi sinh ra xô xát! 

Thế thì sao gọi là đánh nhau được? Sao lại dùng từ đánh nhau?

Các vị không tin sao, cái giấy mời phụ huynh đến họp vẫn nằm trên tay tôi đây!

Ai là người đã viết cái giấy đó thế?

Cô Loan (cô đã mất, xin cô đại xá cho vì nhắc lại chuyện không ra gì này) chủ nhiệm lớp và là giáo viên dạy văn!

Cô xin lỗi vì dùng chữ chưa thật chuẩn à?!

Trường học là nơi dạy dỗ con người trở thành những công dân có ích sau này, dạy kiến thức, dạy ăn, dạy nói mà lại dùng chữ nghĩa không chuẩn!? Chúng tôi gửi con em tới trường, mong nhà trường dạy dỗ chúng không chỉ trở thành người có kiến thức, có chữ nghĩa mà còn mong chúng học được nhân cách để làm người!

Tôi xin hỏi các vị trong vụ việc này ai đi cướp? Ai bị cướp?

Trần Tuấn bị cướp, còn mấy thanh niên ngoài trường vào “cướp”! 

Người bị cướp đánh trả để giành lại của cải của mình mà gọi là đánh nhau à? Vậy thì Việt Nam cũng đánh nhau với Pháp và Mỹ, liệu có bị lôi ra Đại hội đồng Liên hiệp quốc để xét kỷ luật vì tội gây chiến không?  

Ừ, cô đã xin lỗi rồi, tôi sẽ không nhắc đến chuyện dùng sai từ ngữ nữa! Nhưng vẫn xin hỏi các thày cô, trong vụ việc này các thày cô đứng về phía học sinh của mình là người bị cướp, hay đứng về phía kẻ đi cướp?!

Các cô phản ứng và phẫn nộ khi phụ huynh học sinh hỏi những câu như thế à? Ai mà chẳng cho là mình đã bị xúc phạm khi bị nghi ngờ đứng về phía kẻ cướp và ai mà chẳng giãy nảy lên khi bị hỏi như vậy?!

Thế thì ai đã báo công an vào tận trường bắt con tôi lên đồn giam giữ?!

Hay là công an cũng đứng về phía kẻ cướp?! Không à! Hay họ bắt nhầm người! Đáng lẽ đi bắt kẻ cướp thì lại bắt nhầm người bị cướp! Cũng không nhầm à? Hay họ muốn bảo vệ con tôi khỏi bị cướp thêm?

Khốn khổ! Đây là cái mũ thứ hai thằng Tuấn con tôi bị “trấn” rồi.

Cô hỏi vì sao lần bị cướp trước không báo cho nhà trường biết!?

Nếu thế thì Trần Tuấn có lỗi rồi!  

Nhưng báo nhà trường để làm gì, khi ngày 15/9 vừa rồi các giáo sinh thực tập tại trường ta đã bị chính bọn này vào cướp tư trang ngay tại lớp trước mặt mọi người. Sự việc này đúng là đã xảy ra, phải không ạ!

Các giáo sinh là đồng nghiệp tương lai của các thày, các cô bị cướp ngay trước mắt, mà các vị còn không có biện pháp gì, thì học sinh của các vị bị “trấn” có nghĩa lý gì?! Báo với nhà trường để nhà trường viết kỷ yếu à?

Tôi còn biết mấy thanh niên hư hỏng kia là con cái mấy ông đại tá, trung tá sống trên địa bàn này, nên các thày cô e ngại không dám động đến chúng, có phải không ạ?

Bây giờ cô Bạch Vân lại nói: nhà trường tổ chức hội đồng kỷ luật này là cốt bảo vệ cho con tôi ư? Cô Bạch Vân hỏi nó lấy dao ở đâu ra và làm sao lại chống trả được bốn, năm thanh niên có vũ khí, lại còn đâm bị thương tên Ca cầm đầu là con ông đại tá Cầm ở Kim Mã. Tôi không có mặt ở đó lúc bấy giờ nên xin mời bác Châu bảo vệ trường, thuật lại cho mọi người nghe.

Bác Châu nặng nhọc đứng lên nói chậm rãi:  

- Bọn đi “trấn” này đều là học sinh cũ của trường ta bị đuổi và cả bọn tự bỏ học nữa, lêu lổng, bê tha nhưng chúng đều là con các vị có chức có quyền sống trên địa bàn này. Chúng thường xuyên đứng vật vờ ở cổng trường. Học sinh nào có đôi dép Tiền Phong mới, thậm chí chỉ là một cái mũ mới loại rẻ tiền như cái mũ của cháu Tuấn, tan lớp ra là bị chúng “trấn”. Không ai dám chống lại cả. Hôm nọ khi bị “trấn” Trần Tuấn đã giằng lại được cái mũ rồi bỏ chạy. Nhưng bọn này không cho nó thoát. Một thằng cầm côn hai khúc, thằng cầm dao, thằng cầm đòn gánh,...cuối cùng Tuấn bị đánh ngã, xô vào thằng cầm dao, làm con dao rơi xuống đất. Tuấn vớ được quơ bừa trúng vào sườn phải thằng Ca, làm nó bị thương nhẹ. Sau đó các bạn học cùng lớp của Trần Tuấn phải ra giải vây, nó mới chạy thoát được!     

Tôi xin nói tiếp:

- Các cô thắc mắc về con dao mà Trần Tuấn đã đâm bị thương con ông đại tá ăn cướp này ấy à? Xin hãy ra công an để tìm hiểu về “băng tội phạm” này thì sẽ rõ! Còn các vị lại thắc mắc vì sao tay không mà Trần Tuấn lại có thể chống lại với bốn, năm tên có vũ khí!?

Các vị có nhớ câu “chó cùng dứt dậu” không? Hay các vị cũng muốn học sinh của mình phải học theo một loại người, cứ cắn răng, nuốt nhục để mà sống?!

Bây giờ các vị lại không muốn tiếp tục họp hội đồng kỷ luật để phạt một học sinh đã dám chống lại con mấy ông có chức có quyền đi ăn cướp nữa à?!

Cô Bạch Vân lúc nãy có nói với tôi là cô cũng yêu Trần Tuấn như con đẻ của mình!

Xin hỏi lại cô:  

- “Thế các học sinh của cô, chúng có yêu cô như mẹ không”!?   

Trần Tuấn vẫn không bị đuổi học chứ?! Nhưng hạnh kiểm thì chắc chắn được xếp ở loại cuối bảng rồi!   

Cũng đành chấp nhận thôi! Bởi nếu đã bị coi là kẻ xấu, lại ngu dốt thì làm sao mà tồn tại trên cõi đời này được!

 

                                                                                                Hà Nội, 2009.

 

Không ngờ sau 37 năm lại được nghe lại từ “đánh nhau” nói từ miệng một người chắc là được học hành tử tế nói về cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc ta giành lại độc lập, tự do từ tay bon cướp nước.

:”....anh đi đánh nhau để sau này con mình (chắc là trong đó có cả ông tác giả HNT) không còn phải đi đánh nhau nữa....”  

***

Sau đây xin chép lại câu chuyện có tiêu đề là “Những kẻ liều lĩnh” tôi viết đã lâu để các vị xem cho vui

Lúc bấy giờ là 15 giờ 05 phút, ngày 15 tháng 9 (15/09/2016) hai vợ chồng tôi chăm chú ngồi xem vở kịch nói “Tai biến” phát trên kênh VTV1 do toàn các nghệ sĩ hàng đầu (nhà hát kịch Trung ương) của Việt Nam biểu diễn

Đến đoạn Trần Lâm (vai nhà báo), nói với bố Trần Tiến (cán bộ cấp cao trong ngành Công an điều tra):   

- Anh Lưu đã lái xe cho bố mấy năm nay, anh ấy là con một đồng chí đã cùng vào sinh ra tử với bố ở chiến trường. Nay chỉ vì cái lỗi nhỏ là tham gia đánh bạc mà bị đuổi ra khỏi ngành, bố có thấy kỷ luật như vậy là quá nặng không?

- Dù quan hệ thân quen, thì kỷ luật vẫn phải chấp hành. Ông Trần Tiến trả lời.

- Nhưng con tin anh Lưu là một người tốt, là một người trung thực, một Hảo Hán(1) rất trọng nghĩa khí, thì không thể….

Lúc ấy bà vợ già tôi quay sang hỏi:

- Thế Việt Nam ta “ra nhập” dân tộc Hán từ hồi nào thế ông?

- Bà sao không hỏi Trung Ương lại hỏi lão này? Tôi thì làm sao biết được!

Đang đoạn mùi mẫn, nên tôi trả lời ấm ớ cho qua chuyện. 

- Thế ông còn nhớ hôm mùng năm tháng chín (05/09/2016) vừa rồi. Trường Chu Văn An, một trường Trung học Phổ thông lớn nhất Hà Nội làm lễ khai giảng cực kỳ trọng thể. Trên cao treo một khẩu hiệu “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây – Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” dưới đề tên tác giả Hồ Chí Minh. Thày trò hoan hỉ chụp ảnh kỷ niệm lại còn đăng lên mạng xã hội (Facebook) nữa. Chả hiểu vì sao mấy giờ sau đã thấy “lột bài” đó xuống không thấy xuất hiện lại nữa!

- Hôm nào rỗi rãi để tôi đạp xe lên trường hỏi mấy thày cô Hiệu trưởng, Hiệu phó xem sao!

- Thế sao con cháu ngoại ông lại nói, nó xem trên mạng thấy chính ông đã viết rằng tác giả của câu nói trên là của Quản Trọng, một mưu thần của Tề Hoàn Công thời Xuân Thu Chiến Quốc, và nguyên văn câu đó là:

“Kế sách một năm, không gì bằng trồng lúa.

Kế sách mười năm, không gì bằng trồng cây.

Kế sách trăm năm, không gì bằng trồng người”.

Lại còn chụp cả ảnh câu nói đó đưa lên mạng nữa.

- Thế à? Nó bảo là chính tôi viết trên Facebook à! Sao tôi không biết nhỉ?!

- Với tôi ông cũng “ấm ớ hội tề” thế à?

- Đâu có, tôi có thể ấm ớ với thiên hạ thôi, chứ đâu dám ấm ớ với bà!

- Thế tối nay ông có muốn ăn cơm hay không thì bảo để tôi khỏi nấu.

- Sao lại không ăn. “Không ăn thì mẻ cũng chết” nữa là tôi!

- Ông này tại sao nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên kịch lại có thể liều lĩnh viết bạt mạng, nói bạt mạng rồi đem diễn cho bao nhiêu người xem. Lại còn đưa lên chiếu trên Tivi là phương tiện truyền thông đại chúng, cho cả tỷ người khắp thế giới xem nữa mà không có ai duyệt để sửa sai nhỉ? Tôi chắc “những đồng chí Tàu” mà biết dân Việt ta đã tự nhận là người Hán thì họ phải bịt miệng cười và thốt lên: “Hảo, hảo lớ!”

- Thế tôi hỏi lại bà, một trường Trung học Phổ thông lớn và uy tín nhất Thủ đô là trường Chu Văn An mà các thày, các cô còn không chịu học, không chịu đọc, cứ căng phứa một khẩu hiệu trương rõ to lên cao giữa sân trường. Vừa sai câu chữ, vừa sai cả tác giả thì còn dạy dỗ thế hệ sau thế nào?

- Thế mới biết muốn nịnh bợ cũng khó phết, cũng phải có kiến thức và phải đọc nhiều!

 

 (1) Hảo Hán: Người đàn ông Hán tốt, dũng cảm, sẵn sàng bênh vực kẻ yếu.


Quản Trọng trong sách Quản tử, có nói:

"Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc

Thập niên chi kế mạc như thụ mộc

Chung thân chi kế mạc như thụ nhân

Nhất thu nhất hoạch giả, cốc dã

Nhất thu thập hoạch giả, mộc dã

Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã"

Tạm dịch:

"Kế một năm, chi bằng trồng lúa

Kế 10 năm, chi bằng trồng cây

Kế trọn đời, chi bằng trồng người.

Trồng một, gặt một, ấy là lúa

Trồng một, gặt mười, ấy là cây

Trồng một, gặt trăm, ấy là người"

Cuối cùng tôi cứ hâm hâm nghĩ lại câu nói của bà vợ già:

- Ông này tại sao nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên kịch lại có thể liều lĩnh viết bạt mạng, nói bạt mạng rồi đem diễn bạt mạng cho bao nhiêu người xem. Lại còn đưa lên chiếu trên Tivi là phương tiện truyền thông đại chúng, cho cả tỷ người khắp thế giới xem nữa mà không có ai duyệt để sửa sai nhỉ? Tôi chắc “những đồng chí Tàu” mà biết dân Việt ta đã tự nhận là người Hán thì họ phải bịt miệng cười và thốt lên: “Hảo, hảo lớ!”

***

Đến bây giờ lại có ông mặt mũi trông ra phết đem khoe câu nói dấm dớ của bố mình!

 

                                                                                                 Hà Nội, 2024.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét