tháng 4 03, 2024

LẺ LOI - Truyện ngắn


LẺ LOI (641)
Bà cô ruột tôi sinh năm 1910, mười sáu tuổi đã lấy chồng, đẻ liền tù tì, ba năm đôi, hai trai, một gái.
Ai cũng phải công nhận bà là người đàn bà đẹp và tháo vát.
Khổ nỗi ông chồng bà lại là một nhà giáo tiểu học bé nhỏ, yếu đuối nên mới ba ba tuổi, ông đã vội chuồn về với tổ tiên.
Thế là mới hai mươi bảy tuổi bà đã góa chồng.
Từ đấy bà cứ lầm lũi làm lụng nuôi con.
Hồi ấy, tái giá là chuyện trọng đại lắm, vả lại vì thương mấy đứa con côi cút nên dù có nhiều manh mối bà vẫn không nỡ bước thêm bước nữa để tìm hạnh phúc cho riêng mình.
Khi các con khôn lớn, dựng vợ gả chồng xong xuôi thì trật lại mình bà, đã luống tuổi, đơn độc một thân một mình, cô đơn, lẻ bóng.
Trong muôn vàn khó khăn, vất vả, mẹ góa con côi, chẳng biết bà xoay xỏa ra sao mà ba đứa con của bà đều được học hành đến nơi, đến chốn.
Lớn lên chúng đều tinh khôn và giàu có. Bất kỳ cái gì trên trời, dưới biển chúng đều tinh thông, tường tận, chỉ có điều là chúng không nhớ tí teo nào là vẫn còn có một bà mẹ già sống lay lắt trong hưu quạnh và túng quẫn.
Con cái chúng xuất ngoại, tải tiền về mua đất làm nhà, bán đi lại mua đất, thế mà khi vợ chồng tôi tìm mãi mới biết là chúng đã để bà mẹ già cô đơn đang ở nhờ một xó trong một ngôi chùa nhỏ: chùa Nền tại Láng.
Nhìn thấy bà lão đang gom lá khô để kho nồi cá dẩn, mặt mày lấm lem, tôi thấy xót xa vô cùng, nhưng vô phương.
Đã nhiều lần tôi góp ý xa xa, nhưng chúng đều gạt phắt đi, nói:
- Anh cứ lo cho cái thân anh đi đã! Hai vợ chồng đều có công ăn việc làm, anh lại là kỹ sư mà cả nhà chỉ có một cái xe đạp cà tèng!
Tôi không thể cãi lại bọn chúng vì nhiều lẽ, thứ nhất mình có giúp gì được cho bà cô già mình đâu, thứ hai chúng đều lớn hơn tôi năm, bảy tuổi, rất giàu có và lại học đòi được cái thói rởm đời của mấy thằng trọc phú khinh người ở Hà Nội.
Tôi còn nhớ hình như khi đang học năm thứ hai Bách Khoa (1963) thì phải. Hôm ấy là ngày giỗ ông nội tôi. Theo lời dặn của cha là sẩy cha còn chú tôi đã mua lễ lên giỗ ông đưa đến nhà cô, vì bố mẹ và các chị tôi đều ở Hải phòng. Cô dặn đến trưa ra ăn cơm. Trưa tôi ra, thì cả nhà đã ăn tàn bữa rồi. Mấy thằng em con cô, to lớn và sang trọng kéo tôi ngồi vào mâm ăn nốt.
Tôi từ chối, nói thác rằng có bạn học đang đứng đợi bên dưới đường.
Thằng lớn đã nói với tôi giọng kẻ cả rất xấc xược:
- Anh nên bơn bớt gắn bó với cái bọn bạn bè vớ vẩn của anh đi. Đến nhà cô ăn giỗ mà không ăn, bỏ về là sao?!
Tôi không nén được nữa, vặc lại:
- Thứ nhất bạn học của tôi không phải là bọn vớ vẩn! Thứ hai tôi đến ăn giỗ ông chứ không đến dọn chỗ xương xẩu còn thừa lại trong mâm như thế này?
Mấy đứa em con bà cô tôi không nói được gì, trợn mắt lên nhìn tôi tức tối.
Chỉ tội khi thấy bà cô già nhìn tôi ái ngại, rưng rưng nước mắt.
Suốt nhiều năm sau này nữa, cho đến nay đã trên sáu mươi năm tôi ở Hà Nội mà chưa bao giờ được ăn một bữa cơm ở nhà cô tôi cả!
***
Mấy năm sau đó, bà lão ốm, mới vừa hấp hối bọn con cháu đã đưa ngay bà ra nhà tang lễ, vì sợ bà chết ở nhà sẽ giây ra bẩn thỉu.
Mãi mấy hôm sau, bà mới âm thầm, lặng lẽ ra đi trong nỗi cô quạnh, lẻ loi.
Bây giờ đã già rồi, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng cha mẹ nào mà chả thương con, bất kỳ ai cũng có thể hy sinh tất thảy vì con cái, có thể hy sinh cả hạnh phúc của riêng mình cho chúng.
Nhưng hy sinh cho bọn con cháu, ăn ở tàn tệ không bằng loài chó lợn với người sinh ra chúng thì thực là chẳng đáng tí nào!
. Hà Nội, 2024.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét