tháng 6 24, 2018

Làng Lường


Năm 1945 khi chiến sự bùng nổ toàn quốc thì cuộc “tản cư khổng lồ và hỗn loạn” đã đẩy ba chị em chúng tôi trôi dạt sang tận Thái Bình. Số phận thế nào lại run rủi chúng tôi gặp được và rồi đến ở nhờ nhà ông Quỹ, một lão nông ở thôn Lường, cạnh chợ huyện Hưng Nhân. Lúc bấy giờ tôi mới sáu tuổi.
Ông Quỹ là một nông dân giỏi, chỉ làm ruộng và nuôi cá mà trở nên giàu có. Tòa ngang dãy dọc, sung túc, khang trang. Phải mỗi cái tội là không có con trai nối dõi.
Ông thường nhâm nhi câu:
-   “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Có thể hiểu nôm na là có ba tội bất hiếu, thì tội nặng nhất là không có con trai nối dõi!   
Ông lấy đến ba bà vợ, sinh chín người con nhưng rặt là gái. Thành ra khi ba chị em tôi đến xin ở nhờ thì bỗng nhiên tôi như người trúng số độc đắc, được quý hóa, chiều chuộng rất mực.
Là dân tản cư mà được “chiều như chiều vong”(1). Từ con cá, con cua đến tấm mía, củ khoai, nhà có cái gì, chúng tôi cũng được chia phần cái ấy.
Ngay sau nhà ông Quỹ, trong cái vườn nhỏ xơ xác là căn nhà lá nhỏ bé của mẹ con anh Nhuận.
Anh Nhuận là con ông anh, nhưng cha mất sớm nên nhà nghèo lắm, hai mẹ con làm lụng quần quật quanh năm mà vẫn thiếu thốn đủ bề, may mà có ông bao bọc chứ không làm thế nào mà sống được.  
Anh Nhuận là người chịu thương chịu khó. Ngoài việc là phận con cháu, ông Quỹ vừa là chú, lại là ân nhân, nên anh đã từng hết lòng yêu kính, nhất nhất nghe theo lời ông chỉ dạy...
Nhiều lần vợ con ông cũng có điều này, tiếng nọ, nhưng ông gạt phắt đi, nói để mọi người nghe mà hiểu:
-   Nó sẽ là người thừa kế chính của cái gia sản này, rồi mới đến lượt chúng mày. Hãy xem chừng mà ăn ở cho phải!
***
Đến năm 1951, chị em tôi tìm được và rồi về ở với ông bác ruột, nhà Thầu khoán Xây dựng giàu nhất nhì Nam Định, tại 23 Hàng Sắt Dưới.
Nhưng chẳng ai có thể ngờ giai đoạn này chính là giai đoạn khổ sở nhất mà chúng tôi phải chịu đựng trong suốt thời kỳ thơ ấu.
Rồi do tình cờ chúng tôi tìm lại được mẹ, sau sáu năm bà bị tù trong Căng(2) Máy Chai Hải Phòng, do bố tôi và anh trai cả tham gia Việt Minh.  
Về với mẹ tôi mới được đi học, còn hai chị vẫn phải ở nhà phụ mẹ.
Năm 1959 khi đang học lớp mười, năm cuối cấp ba trường Phổ thông Trung học Ngô Quyền Hải Phòng, tôi đã dại dột viết bài cho một tờ báo nổi tiếng lúc bấy giờ, nhưng ít lâu sau tờ báo ấy đã bị đóng cửa có lẽ “cũng là do dại dột” đã “mở cửa quá sớm trước khi được đảng và nhà nước cho phép”. Thế là mới mười chín tuổi tôi đã phải đi làm công nhân đẩy xe than tại nhà máy Xi Măng Hải Phòng.
Làm công nhân được một năm, tôi dắt mẹ về làng Lường, Thái Bình tìm thăm lại ông Quỹ, người nông dân tốt bụng đã cưu mang ba chị em chúng tôi những năm lang thang cơ nhỡ, lúc đó chị hai tôi mới mười hai tuổi, chị ba mười tuổi, tôi sáu tuổi.
Hỏi thăm mãi, mẹ con tôi vẫn chưa tìm được nhà ông Quỹ.
Những người gặp trên đường, đều xẵng giọng hạch lại:
-  Anh hỏi thằng địa chủ Quỹ, có ba vợ và chín đứa con gái chứ gì?
-  Vâng, đúng ạ, đúng là ông Quỹ ấy rồi!
-  Sao lại gọi địa chủ bằng ông?
-  Ông ấy là ân nhân, tuổi lại ngang với bố tôi, nên tôi gọi bằng ông.
-  Gọi địa chủ bằng ông! Lập trường của anh để đâu?
-  Tôi để trong ba-lô khoác sau lưng đây này!
-  Anh là ai? Giấy tờ đâu?
-  Thế anh là ai, có quyền gì mà hỏi giấy tờ người khác?!
-  Tôi là Bần cố nông!
-  Bần cố nông là cái quái gì?
-  Á, à! Anh giám coi thường Bần cố nông à? Anh theo tôi về Đội!
-  Đội nào, việc gì tôi phải theo anh về Đội!
-  Ối giời ôi! Phản động về làng! Anh Bần cố nông hét to đến lạc cả giọng.
Sau tiếng la làng đó, lập tức có đến hai, ba anh Bần cố nông khác chạy đến bao vây mẹ con tôi. Có anh còn cầm cả cuốc, cả xẻng, có anh còn vác cả khẩu súng trường cũ đã mất cơ bẩm. Họ áp giải mẹ con tôi tới một gian nhà ngói khang trang giữa làng. Một người đàn ông trung niên, đen đúa, nhỏ thó, khuôn mặt quen quen, đang ngồi chễm chệ trên phản tay đeo cái băng đỏ cũ nhăn nhúm không in chữ gì cả, trịch thượng hất hàm  hỏi:
-  Cái gì?
Thấy tôi không trả lời, anh ta nói to gần như quát:
-  Cái gì?
-  Anh hỏi tôi đấy à? Tôi hỏi lại.
-  Ở đây chỉ có anh với tôi, tôi không hỏi anh thì hỏi ai? Anh ta vẫn cao giọng.
-   Tôi đang hỏi thăm đường thì bị bắt vào đây, cũng chả hiểu cái gì là cái gì cả!
-   Anh hỏi thăm đường vào nhà ai?
-  Nhà ông Quỹ, có ba bà vợ và chín cô con gái!
-  Anh là ai, có quan hệ thế nào với địa chủ Quỹ?
-  Tôi là người mười ba năm trước đã tản cư đến đây, có đến ở nhờ nhà ông Quỹ!
-  Thế cậu có phải là cậu Khải và còn có cả hai cô chị nữa phải không?
-  Đúng rồi, thế anh là ai? Tôi càng nghe thấy cái giọng nói này nghe quen quá.
- Tôi là Nhuận đây mà!
-  Anh Nhuận đấy à? Bây giờ anh làm gì mà ghê thế?
- Tôi là tổ trưởng tổ sâu rễ, vừa được kết nạp đảng, đang phụ trách toàn bộ Bần cố nông thôn Lường, trực thuộc Đội Cải cách huyện ta!
-  Thế anh có cần kiểm tra nữa không?
-  Cậu có giấy tờ gì không?
- Đây là giấy tờ của tôi! Nói rồi tôi đưa cho anh ta xem Chứng minh thư nhân dân, giấy đi đường do Công an địa phương cấp và cái thẻ chứng nhận là công nhân thuộc Phân xưởng Vận chuyển của nhà máy Xi Măng Hải Phòng.
Hình như anh ta không biết chữ, vì thấy cầm mấy tờ giấy cứ xoay đi, xoay lại mãi, rồi cuối cùng ra lệnh cho một cậu trẻ tuổi, chắc chỉ khoảng mười bốn, mười lăm đứng ngoài thềm:
- Tép, mày đọc xem là cái gì đây?
Sau khi cậu Tép ấp úng đọc, anh Nhuận nói với tôi:
- Cậu giờ đã là Công nhân cơ à? Giai cấp lãnh đạo có khác, rất bản lĩnh!
-  Bây giờ anh đã cho mẹ con tôi đi chưa? Tôi hỏi lại.
-  Tép, mày đưa hai mẹ con anh này đến nhà địa chủ Quỹ! Anh Nhuận ra lệnh.
Đến nơi tôi thấy ông Quỹ đang ngồi giặm lại nóc mái chuồng trâu của chính nhà mình, nơi còn lại duy nhất sau cải cách để cả gia đình mười mấy người trú ngụ.
Lập cập mãi mới leo xuống được và khi nhận ra thằng bé Khải mười mấy năm trước đã đến ở nhờ nhà ông, ông đã vồ lấy tôi mà khóc nức lên.
Hôm ấy, hai bác cháu tôi ngồi ôn lại những năm gian khổ, nhưng đầm ấm tình người. Qua câu chuyện, cái mà ông lão xót xa không phải là những của cải đã bị cướp mất, mà chính là cái nền tảng đạo đức đã bị băng hoại đến tận gốc.
Ông nói trong ngậm ngùi nuối tiếc:
-  Của cải mất còn có thể kiếm lại được, tìm lại được, nhưng tình thân và đạo lý mất đi thì không thể nào khôi phục lại được nữa!
Cậu thử nghĩ xem cái thằng cháu ruột duy nhất của tôi, cái thằng mà tôi vẫn đinh ninh sẽ là người thừa tự của cả dòng họ này, cái thằng cháu côi cút, nghèo khó, đã nghe lời bọn người không ra gì, nỡ chỉ vào mặt chú mình, người đã từng cưu mang và kỳ vọng vào nó biết bao nhiêu để nguyền rủa, để xỉ nhục, để đấu tố như một kẻ thù. Thật là đau xót và tủi nhục quá chừng!  
Sau mấy ngày ở lại cùng ông, để chia sẻ những cay đắng, ngọt bùi với gia đình ân nhân, rồi cũng đã đến lúc phải chia tay nhau ra về.
Cuộc chia tay thật cảm động. Ông lão cứ ôm chặt lấy tôi trong vòng tay, không nỡ rời ra.
Trước lúc mẹ con tôi chuẩn bị bước xuống thuyền để xuôi về Thị trấn, thì ông lão chỉ vào mấy cô con gái theo chân ông ra tiễn, nói với tôi:
- Tôi có chín đứa con gái, bảy đứa chị lớn đã có gia đình. Còn hai đứa em nhỏ, cậu thích đứa nào, tôi cho không đứa ấy!
Tôi quay lại nhìn ông lão tóc đã bạc phơ và các cô con gái của ông, mọi người đều nhìn mẹ con tôi với đôi mắt lưu luyến, rưng rưng muốn khóc.
Tôi nắm lấy tay ông lão nói trong ngập ngừng:
- Dù con có được làm con rể bố hay không, thì con vẫn coi bố là bố!
***
Vào giữa năm 1969, lúc tôi đã tốt nghiệp Đại học Bách Khoa và đã đi làm được mấy năm, thì bắt được lá thư từ làng Lường của em Tành con gái út cụ Quỹ cho biết ông cụ đang ốm nặng.
Tôi đoán ông lão muốn gặp tôi lần nữa.
Tôi xin nghỉ phép về làng Lường. Vào đến nhà nắm chặt lấy tay ông, tôi nói:
- Bố ơi, con là Khải đây, con đã về rồi bố ạ.
Ông cụ nói đã khó khăn lắm, trong hơi thở dốc:
- Con Tành năm nay hăm hai, đã lấy chồng năm ngoái, nó không đợi được cậu. Thế là tôi đã thất hứa với cậu rồi. Tôi đã được xuống thành phần, nhưng chẳng còn lại thứ gì cả cậu ạ.
Lần này tôi ốm quá, có lẽ không qua khỏi được. Tôi không sợ chết, vì có ai sống mãi được bao giờ! Tôi thấy có tội với tổ tiên, bởi “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Rồi sẽ không có ai là người chống gậy tiễn đưa tôi ra đồng khi tôi nằm xuống!
- Bố ạ, nếu bố và gia đình cho phép, con xin làm người chống gậy tiễn đưa bố!
- Cậu đã xin phép ông bà ở nhà chưa?
- Bố ạ! Không có bố mẹ nào lại ngăn con cái mình làm điều đạo lý!
***
Đến giờ đã xấp xỉ tám mươi tuổi tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ông lão nông dân nhân hậu ấy, người đã cưu mang chị em tôi trong loạn lạc suốt sáu, bảy năm trời.
Với ông, có lẽ tôi đã trở thành đứa con trai mà ông ao ước.  
Hà Nội, 2018.
(1)   Chiều như chiều vong: chiều cả việc nhỏ hoặc vô lí của người khó tính.
(2)   Căng: Tiếng Pháp Camp: trại giam, nhà tù.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét