tháng 3 01, 2016

Bạn học I

Nguyễn Thế Kiểm là bạn học cùng tuổi, cùng lớp thời phổ thông với tôi ở Hải Phòng. Đó là một chàng trai to cao, đẹp đẽ.
Học hết Phổ thông, anh thi vào Bách khoa Hà Nội, khoa Cầu đường, tốt nghiệp năm 1963. Ra trường anh được phân công vào công tác tại Ty Giao thông Nghệ An.
Khoảng ba năm sau tôi từ Viện Thiết kế Giao thông vào Nghệ An công tác thì lúc ấy anh đã là Phó Phòng Kế hoạch - Vật tư.
Từ một cậu thanh niên con nhà Tiểu tư sản thành phố, bố làm kế toán cho một hãng buôn. Quen ăn trắng mặc trơn, anh tự thân vận động(2) tiến dần từ Phó Phòng lên Phó Ty Giao thông, rồi Trưởng ty và cuối cùng là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An.
Nhưng đến lúc được đề bạt lên Chủ tịch Tỉnh, thì nảy ra nhiều thủ tục rườm rà khác kèm theo, như đã là Chủ tịch thường phải trúng Trung ương Ủy viên, mà muốn là Trung ương Ủy viên thì phải được đào tạo qua trường Đảng cao cấp.
Thế rồi Tỉnh ủy và Uỷ ban Nhân dân tỉnh ra quyết định cử anh đi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ngoài Hà Nội và sau đó sang Liên Xô để bồi dưỡng nâng cao.
Tốt nghiệp xuất sắc khóa đào tạo sau ba năm đi học, anh phấn khởi trở về Nghệ An đinh ninh là để nhận chức Chủ tịch tỉnh thì cái ghế ấy đã có người khác “an tọa”  mất rồi.
Bấy giờ anh mới hiểu rằng chẳng ai người ta lại để trống cái ghế Chủ tịch tỉnh những ba năm để đợi một người như anh đi học về!
Anh còn hiểu cách “thay ghế” êm ái nhất là hứa hẹn, đề bạt và cho đi học dài hạn ở một nơi thật xa.
Trung ương biết cả(©), nên chẳng bao giờ để một “chỗ trống” lớn như thế tồn tại lâu như thế. Nhưng Trung ương cũng không thể để một cán bộ tài năng, được trang bị từ răng tới móng chân như anh phải “ngồi chơi xơi nước”.
Anh nhận quyết định vào Sài Gòn để nhận chức Hiệu trưởng Trường lý luận Cao cấp, trường Đảng Nguyễn Ái Quốc II. Sau thấy vẫn chưa “tận dụng hết công suất”, tổ chức lại bổ sung thêm. Và anh được kiêm nhiệm luôn Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông III, vì anh tốt nghiệp Cầu đường Bách khoa mà.
Quả là “oai hơn cóc cụ”!
Hôm khai mạc khóa đào tạo Tư vấn Giám sát đầu tiên ở Việt Nam khoảng năm 1998 thì phải, tôi được gọi đi học. Anh ra Hà Nội với vai trò lãnh đạo Trường Đại học Giao thông phía Nam, và chúng tôi gặp nhau ở đấy.
Anh nhận lời đến nhà tôi ăn cơm, khi biết tôi đang “đảm trách một cương vị cực kỳ quan trọng trong xã hội” là ra lề đường bơm vá xăm lốp xe đạp, xe máy.
Tôi kể để anh hiểu:
- Đột nhiên tôi được mời đi dự hội nghị của Bộ chủ quản, mặc dù đã về hưu từ sáu, bảy năm nay. Mà tôi lại chẳng phải là cán bộ chủ chốt hoặc quan trọng gì! Nói thì chẳng mấy ai tin, nhưng những điều tưởng như vô lý lại luôn luôn xảy ra như cơm bữa.
Đấy, hơn chục năm nay tôi đã chẳng phải xách cái hòm đồ nghề bơm, vá săm lốp xe ra ngồi ở đầu đường rồi là gì! Muốn tìm lý do thì thiếu gì lý do, mà cũng có khối cách giải thích, này nhé tôi là kỹ sư lâu năm, lên bậc cao rồi, chả còn bậc nào mà nâng lên nữa, tôi lại không là cán bộ lãnh đạo, thế thì phải để người khác lãnh đạo chứ, khổ nỗi các vị lãnh đạo lại không có kinh nghiệm và năng lực kỹ thuật để lãnh đạo những người như chúng tôi. Vì vậy họ bảo tôi cứ “nghỉ cho khỏe”, đếm đủ năm mà về hưu.
Thời kỳ này như “bề trên” thường gọi là thời kỳ quá độ, mà theo mấy ông “đồ gàn” giải thích thì quá độ là rời bến qua sông, mà qua sông bằng đò thì đò nào chẳng chòng chành việc quái gì phải bàn cãi cơ chứ. Cũng vì đò chòng chành nên làm cho người ta nôn nao giống cảm giác như khi bị bỏ đói lâu ngày cũng là điều dễ hiểu. 
Khổ một nỗi lúc bấy giờ quỹ kiến thiết cơ bản của nhà nước rỗng tuếch, nên bộ phận thiết kế “đầu não của ngành” lấy đâu ra việc mà làm nữa. Ngay như trưởng phòng kỹ thuật của tôi cả tháng mới được trăm ngàn tiền lương, đong được khoảng hai yến rưỡi gạo tẻ, tôi thì may ra được tám chục ngàn là cùng, thế thì khi nghỉ chờ về hưu giết ai ra lương mà chẳng phải xách hòm đồ nghề ra ngồi bơm vá săm lốp xe ở đầu đường!
Sau một hồi hàn huyên, thăm hỏi, Kiểm cho tôi biết:
- Sở dĩ có hội nghị này là để tìm lại các cán bộ có năng lực trong ngành đã nghỉ hưu, huy động ra làm việc.
- Mình mà có năng lực? Nếu có thì đã chẳng phải ra ngồi đầu đường vá xe gần chục năm nay! Tôi nghi ngờ hỏi lại. - Hay là họ mời nhầm người!
- Cậu mới hiểu một, mà không hiểu hai! Ông bạn tôi nói do thói quen nhiều hơn là do lô-gíc. Mỗi thời kỳ mỗi khác! Phải thích nghi! Cậu ra ngồi đầu đường chữa xe cũng là “do quy luật tiến hoá của thời đại”, bây giờ cậu được gọi về làm việc cũng lại là “do yêu cầu của cách mạng”. Phải biết “tự đặt mình vào guồng quay của lịch sử”, hiểu chưa!
- Chưa hiểu lắm, hình như cậu đang lên lớp mình. Mà này cậu đâu có phải là một học sinh giỏi?! Tôi hỏi đùa.
- Đúng thế, Kiểm công nhận - nhưng tớ tự giới thiệu để cậu biết, tớ đang là Hiệu trưởng một trường Đại học lý luận cao cấp, kiêm nhiệm luôn Hiệu trưởng một trường Đại học nghiệp vụ trong ngành tại Sài gòn!
- Hèn nào, thật không thể nào tưởng tượng được! Tôi chợt hiểu ra và thốt lên kinh ngạc.
- Thế đã được chưa? Cậu ta vui vẻ hất đầu hỏi một cách kiêu hãnh.
- “Được đứt đuôi đi rồi” ấy chứ! Tôi thừa nhận không một chút đắn đo.
Quả đúng như lời ông bạn từng làm Hiệu trưởng của hai trường Đại học lớn nói, chúng tôi được Hội nghề nghiệp của Bộ triệu tập kiểm tra lại trình độ, để đi làm Tư vấn Giám sát thi công một số công trình lớn cỡ quốc gia. Các công trình này được vay vốn dài hạn của các ngân hàng nước ngoài, có sự giám sát của họ.
Bởi vì, bởi vì và bởi vì,...
Sau ba mươi năm xa cách anh khoe là đã được đến tận quê hương Lê-nin và các căn cứ của Cách mạng Nga. Anh đã quan sát, đã thấy những điều mà những người bình thường như chúng ta chẳng bao giờ thấy được, chẳng bao giờ hiểu được cả.
Thế rồi anh cầm tay tôi nói:
- Đừng băn khoăn nhiều. Cứ sống là chính mình, vì những kẻ luôn vỗ ngực tự hào và lu loa lên về những điều không có thật, mục đích của chúng chỉ là để bịp bợm người khác kiếm miếng cơm, manh áo chứ chẳng có thằng nào vì dân, vì nước đâu.
- Thật thế sao?
Hôm sau Kiểm kéo tôi đi ăn tại một nhà hàng sang trọng và khi rượu đã ngà ngà, anh ra hiệu cho người kéo tuột tôi lên gác ấn vào một căn phòng để tiếp viên “săn sóc cho giã rượu”. Nhưng đến lúc được cô tiếp viên trẻ và xinh đẹp “săn sóc quá nồng nàn” thì tôi thực sự hoảng hốt đã “bỏ của chạy lấy người”.
Lúc gặp lại chắc bộ dạng của tôi buồn cười lắm, nên ông bạn hiểu ra ngay, nhìn tôi cười độ lượng:
- Cậu chưa quen đấy mà, cái gì cũng phải có thời gian và tập nhiễm dần!
- Tớ không thể nào hiểu được, cậu bảo sẽ dạy cho tớ một bài học cơ mà, học gì mà lại lạ như vậy?
- Sao cậu tối tăm thế! Cậu không hiểu gì thật à?
Đấy, khi cậu có tiền, thì không cần biết cậu là ai, xấu, đẹp thế nào, cậu thích là được phục vụ tận tình dù cậu có già bằng ông, bằng cụ chúng nó. Thế mà ở đời, có chức thì có quyền, có quyền tất có tiền, cậu có hiểu không hả đồ ngu?
- Thế cậu không thấy họ đáng thương và cũng rất đáng sợ ư?
- Thế à? Nói rõ xem nào!
- Họ đáng thương, vì để kiếm sống mà họ “phải làm cái nghề mạt hạng”, mọi người đều khinh rẻ, còn họ đáng sợ vì họ cực kỳ bẩn thỉu và đầy bệnh tật. Họ có thể mang bệnh tật reo rắc cho mọi người, ta cần phải tránh xa!
- Cậu nói gì mà như một cái loa công cộng thế? Tớ nói để cậu hiểu rằng, trong cuộc sống để kiếm ăn, mỗi người phải làm một nghề. Nghề họ đang làm là một nghề khổ sở và cực nhọc, còn họ có đáng khinh hay không thì hãy suy nghĩ kỹ một chút. Họ “làm điếm”, hỏi họ có “đi khách” không, họ gật đầu nhận ngay. Trong khi đó có những kẻ lắm chức, nhiều quyền, tham ô, ăn của đút bị bắt, tra hỏi thế nào, chúng cũng lắc đầu không nhận! Theo cậu thì đứa nào hèn hơn đứa nào, đứa nào đáng khinh hơn đứa nào?
Còn họ có “đáng sợ” như cậu nói không thì cũng nên xem xét kỹ một chút. Họ mang lắm bệnh tật, cái đó thì dĩ nhiên rồi, bất kỳ đứa trẻ nào cũng biết. Nhưng cậu có hiểu là “khi đã biết rõ về cái gì thì cái đó không còn đáng sợ nữa” không?!
Cậu bảo họ bẩn, cậu thử “so sánh” xem, để kiếm tiền, cả hai loại người này bằng mọi cách phải làm vừa lòng người khác. Cô điếm đành để thiên hạ “làm bẩn” “cái bộ phận tối ư hạ đẳng” của mình, còn bọn quan tham bất tài, vô học “tự làm bẩn miệng lưỡi và bộ óc của mình”. Theo cậu hai loại người này, đứa nào bẩn hơn đứa nào? Đứa nào “đáng tởm” hơn đứa nào?
Tôi hoang mang thực sự, chẳng biết đằng nào mà lần nữa, trong lòng thì đã “chịu cứng” ông bạn Hiệu trưởng Trường lý luận cao cấp rồi, nói thế nào cũng có lý, cãi thế nào cũng phải!
Khoảng năm 1999, tôi nghe tin Kiểm bị ốm nặng, lúc bấy giờ tôi đang làm Tư vấn Giám sát Mười cầu phía Bắc Quốc lộ 1A từ Mẹt đến Đồng Đăng. Tôi gọi điện cho Kiểm dăm lần nhưng không thấy trả lời.  
Khoảng tháng sau mới liên lạc được. Giọng buồn rầu Kiểm nói:
- Mình bị ung thư máu rồi, vô phương cứu chữa. Chạy xạ trị tóc đã rụng hết.
- Sao tháng trước mình gọi mà cậu không trả lời?
- Có mấy cái nhà phải bán mà cũng hết veo ngay, cái điện thoại đắt tiền cũng phải cho “đi ở” chỉ giữ lại cái Sim nên cậu gọi, tớ không nghe được, bây giờ bạn nó cho cái điện thoại rẻ tiền mới nói chuyện được với cậu đấy.
- Cậu là cán bộ lãnh đạo đang tại chức, cơ quan lại không chữa trị cho à?
- Cơ quan có chi tiền chữa bệnh, nhưng chỉ ở mức thông thường. Quá mức qui định thì phải bỏ tiền túi. Mình bây giờ rất cô đơn và rất nghèo, cậu hãy gọi cho mình khi có thể nhé.
Lần cuối tôi gọi cho Kiểm thì người nghe máy là Thảo vợ Kiểm. Cô ta đã khóc nấc lên nói:
- Anh là anh Khánh phải không ạ, Nhà em đã ra đi hai ngày nay rồi, ra đi trong đau đớn, vật vã. Trước khi nhắm mắt anh ấy có nhắc đến anh, bảo khi nào anh gọi thì báo để anh biết?
- Tôi thành thật chia buồn cùng chị và gia đình. Cầu mong anh nhà được siêu thoát. Thế hiện giờ chị và các cháu ở đâu, nghe nói phải bán cả nhà đi để chữa bệnh cơ mà?!
- Có bốn cái nhà thì anh ấy chỉ cho bán ba, còn cái nhỏ nhất xa thành phố thì anh ấy nhất định không cho bán. Vì vậy mẹ con em vẫn có chỗ trú mưa, nắng anh à.


Hà Nội, 2016.
(©): Bản quyền tác giả, không được mượn hoặc sao chép (Lưu Đình Tuân).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét