tháng 3 10, 2016

Bạn học II

Chủy là bạn học cùng lớp thời Phổ thông Trung học, kém tôi một tuổi.
Gần cuối đời, ông ấy đã phấn đấu đến chức Cục phó Cục In ấn của Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Nhà xuất bản Sự thật. Một nhà xuất bản duy nhất có vai trò quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở đây chuyên in ấn những tài liệu trong nội bộ, đó là những chỉ thị, nghị quyết của Đảng cầm quyền, cơ quan quyền lực tối cao và độc tôn từ khi đất nước thống nhất năm 1975.
Khoảng năm 1996-1997, lúc ấy tôi đã về hưu được ba, bốn năm. Sau khi ổn định cửa hàng sửa chữa xe đạp, xe máy để một số anh em cùng cậu em vợ và thằng con trai tôi tiếp tục, tôi lui về vẽ tranh lụa để bán. Vợ thì bán ốc luộc ở chợ Lắp Ghép Trương Định.
Hôm nào nổi hứng lên, xin vợ một nồi ốc, rồi mời bạn bè cùng lớp đến. Có ba mốt đứa ở Hà Nội, thế mà khi tôi gọi điện thì hôm hăm chín, hôm ba mươi đứa đến.
 Dăm chai rượu, nồi ốc luộc vừa ăn, vừa bốc phét, thế mà có thằng say chui hẳn vào gầm giường ngủ đến tận chiều mới tỉnh.
Một hôm Chủy đến tôi vẻ mặt buồn, ngồi một lúc rồi tâm sự:
- Tớ về hưu rồi.
- Thằng đếch nào mà chẳng phải về hưu. Cậu mới là Cục phó, chứ đến bố Cục phó thì đến tuổi cũng phải về hưu.
- Mới hôm nọ, chưa có quyết định, nhân viên nhìn thấy tớ còn rất xa nó đã chào, chưa kịp trả lời, nó chào nữa, chào đến khi mình gật đầu mới thôi. Thế mà bây giờ Quyết định chưa đến tay, dàn mặt nó cũng coi như không nhìn thấy mình, không có mình trên đời này nữa.
- Thế là sòng phẳng.
- Thế là khốn nạn, chứ sòng phẳng cái gì?
- Khi cậu không còn là ông kễnh Cục phó nữa mà nó yêu, nó quý, mới là nó yêu, nó quý cậu thật. Trước đó, nó chào, là chào cái chức Cục phó chứ nó chào đếch gì cái thằng Vũ Thiện Chủy nhà cậu!
- Cũng có lý.
- Có lý đứt đuôi chứ còn gì nữa!
Này, tớ ngồi đây vẽ, vẫn có thể uống rượu, tán phét. Nếu cậu thích thì ra đây ngồi chơi với tớ, vừa uống rượu, vừa tán phét. Rượu rẻ đếch cần “lăn tăn”. À mà cậu lại không biết uống rượu, Cục phó cái cục cứt gì mà lại không biết uống rượu. Đã là thằng đàn ông mà không biết uống rượu, thì chỉ là “đồ bỏ đi” thôi hiểu không? Tôi đang bốc lên nói hơi quá đà.
- Là “đồ bỏ đi” mà người ta làm đến Cục phó, còn mình thì “ông tợp rượu vào ông nói ngông”(1), chứ ngoài cái chức tổ trưởng sản xuất, ông đã lên được cái chức vụ gi? Vợ tôi đi chợ về nghe câu chuyện của chúng tôi nói chêm vào.
- Đúng, đúng vợ nói là chỉ có chuẩn trở lên. Tôi đành nói theo chiều vợ. 
- Bây giờ tớ cứ thấy bồng bềnh như đang giẵm trên một cái đệm bông mềm nhũn, không thấy thật chân, chỉ chực ngã. Chủy tâm sự với tôi. - “Cậu có kinh nghiệm gì, có thể truyền lại cho minh!”
- Người nào mà chẳng phải về hưu. Chỉ có bọn chó chết mới cố bám lấy ghế để còn mong bòn mót của cải, bổng lộc của thiên hạ.
- Cậu nói đúng, cứ xem như cái Dự toán cuối cùng tớ kí trước lúc về hưu thì rõ. Tớ làm nghề in ấn này gần bốn mươi năm thì cái Dự án bọn nó trình lên để tớ kí như cái dự án ấy nhiều nhất cũng chỉ hết năm chục triệu đồng, kể cả các khoản trích lại, và cả khoản ăn theo. Nhưng cậu có biết không, nó trình dự toán lên đến hai tỷ, tức là bốn mươi lần số cần chi. Tớ ký xong, đưa sang Bộ Tài chính duyệt, thì bên đó không dám cắt một xu. Thật là không thể tưởng tượng được!
- Cái dự án ấy là cái cục cứt gì mà “kinh khủng” đến vậy?
- À, tuyển tập các tác phẩm của lãnh tụ tối cao. Một nghìn quyển bìa tốt, giấy đẹp, dùng để lưu và biếu khách nước ngoài.
- Hèn chi!
- Sao lại hèn chi?
- Cậu không nhớ tác phẩm Tấn trò đời của Ô-nô-rê đơ Ban-zắc(2) viết à? Bây giờ bọn đàn em cậu nó diễn còn “siêu” hơn thời ấy cả trăm lần?
- Bọn cán bộ dưới quyền tớ, từ trưởng, phó phòng đều mua những cái xe hàng vài tỷ - tương đương hàng trăm lượng vàng để đi chơi và chở con đi học.
- Sao bọn nó không mua nhà cửa. Giờ đất cát đang có giá?
- Thằng nào cũng có dăm, bảy cái, chán mua nhà rồi!
- Nhân viên mà còn thế, thì Cục phó như cậu phải sắm được máy bay riêng!
- Không, không! Tớ là một đảng viên chân chính!
- Cậu nói câu ấy với người lạ để “khoe hàng” thì còn được. Chứ anh em mình quen biết từ hồi “mặc quần thủng đít” thì lạ đếch gì nhau nữa!
- Thế cậu nghĩ về mình thế nào?
- Cậu là một đảng viên. Mà đã là đảng viên thì đều được “dạy dỗ và rèn luyện” trong “một lò” như nhau, một “kiểu” như nhau!
- Nói rõ ra xem nào?
- Cá nhân. Vụ lợi. Bè phái!
- Nếu như cậu nói thì còn lãnh đạo được ai?
- Bọn đảng các câu đã làm được khối việc đấy thôi. Khởi đầu thì lừa phỉnh. Sau không lừa được nữa thì nắm đầu, túm tóc kéo đi.
- Cũng có nhiều phần đúng.
- Đúng đến hơn chín chục phần trăm chứ lỵ.
- Thế sao không thấy người nào trỗi dậy, phản đối?
- Dưới cái chế tài độc đoán này, chỉ cần bất đồng với ông tổ trưởng khu phố là đã có thể mang họa vào thân và gia đình rồi. Vả lại “tinh thần nô lệ” của dân ta “vĩ đại” lắm, sâu sắc lắm. Cứ cúi đầu, nhịn nhục mà sống. Thấy vẫn chưa đủ, thì cúi thấp nữa. Sát đất mà vẫn thấy “chưa thật yên tâm” thì đào hố mà phục xuống. Chỉ khi nào đã “thoát ra khỏi vòng kiểm tỏa(3)” của bọn cậu, chạy cho mau, thoát rồi mới dám “ho he” vài ba tiếng từ đằng xa vọng lại.
Thời nay, những người có nhân cách và các nghĩa sĩ đã bị “tuyệt chủng” cả rồi. Ai dại gì nói lên sự thật, bảo vệ sự thật đến cùng như nhà viết sử Tư Mã Thiên, hay dám xông vào nơi “tử địa” như Kinh Kha để làm việc nghĩa cho thiên hạ nữa?
Người ta thường tìm những việc nhàn hạ, an toàn lại có nhiều bổng lộc. Xem phim “cổ trang” thì khi có chiến trận, tướng phải vác giáo xông ra đầu tiên, có chết tướng chết trước. Ngày nay cố phấn đấu được làm tướng để khi có chiến trận thì tìm chỗ trú ẩn nào vững chắc nhất mà nấp.
Cái khác nhau là ở chỗ ấy, cậu đã hiểu chưa?
Chủy không nói gì, nhưng ra vẻ hiểu hơn về những điều tôi trao đổi.
Cuối cùng tôi bảo cậu ta:
- Cậu có ba cô con gái đều thành đạt, giàu có cả.  Nghe nói đứa lớn rất giàu đang sống ở Sài Gòn. Hai vợ chồng vào chơi với nó ít lâu. Ổn định tinh thần sau sự “thay đổi tất yếu” này, bình tĩnh trở lại, sẽ lại sống bình thường như bao người khác, có gì mà phải lo cơ chứ!
Cậu ta gật gù, nghe theo lời khuyên của tôi, hai vợ chồng dắt nhau vào Sài Gòn chơi với con gái chừng hơn tháng. Hôm ra đến Hà Nội bước xuống thang máy bay thì đột quỵ và hôn mê luôn từ đấy.
Tôi đến thăm Chủy nhiều lần vì nhà tôi ở gần nhà cậu ta.
Lúc đầu còn tự đi vệ sinh được, người vẫn hồng hào béo tốt.
Ai đến thăm, cũng chỉ nói được mỗi một câu: - “Bốn, bốn!”.
Có lần tôi đùa bào cô Chính vợ Chủy:
- Cô tìm kỹ lại các ngóc ngách trong nhà xem, có khi nó còn để giấu ở chỗ nào bốn tỷ Đô-la đấy.
Biết là tôi tếu, cô ta vừa cười vừa nói:
- Có đấy anh ạ. Em tìm rồi, có bốn tỷ Đô-la tiền Âm phủ. Để khi nào anh ấy mất, em đốt xuống cho anh ấy tiêu.
- Cô không tin là Chủy nó có bốn tỷ Đô-la à?
- Tin, em tin mà!
Nhiều năm sau, nằm một chỗ, ba đứa con gái cũng không thể thay nhau trông nom được nữa, thuê người giúp việc mà cũng thay đến bốn, năm người. Cuối cùng chỉ còn lại vợ là không chừa được cho ai nên đành phải hầu hạ vậy.
Những lần đến thăm Chủy tôi đều gọi điện đến báo trước, lần nào cô Chính cũng nói:
- Bác đợi em khoảng hai mươi phút, em có việc phải chạy vội ra đây rồi về ngay.
Lần ấy do vội tôi đến mà không báo trước, nhìn thấy tôi, vợ Chủy cuống lên quay vào dọn dẹp.
Tôi an ủi:
- Tôi đến thăm người ốm chứ có đến kiểm tra vệ sinh đâu mà cuống lên thế?!
Tôi hiểu rằng ốm đau lâu, đến vợ con cũng không thể chu đáo mãi được.   
Lần ấy là lần cuối tôi thăm Chủy. Lúc bấy giờ Chủy chỉ còn là bộ xương được phủ một cái chăn mỏng, trên gối là cái xương sọ gày guộc, hai mắt nhắm nghiền, nhưng miệng vẫn nhai tóp tép, không còn biết gì nữa.
Sau hôm tiễn đưa Chủy ở nhà tang lễ dành cho các cán bộ cao cấp số 5 Trần Thánh Tông, cực kỳ trang trọng và hoành tráng, tôi gặp lại Chính, cô ấy đã rớm nước mắt, nói với tôi rằng:
- Hơn mười sáu năm, đã tận tụy chăm sóc anh ấy, nên em không ân hận gì cả. Chỉ thương anh ấy chưa được một ngày nghỉ ngơi, chưa được hưởng một chút an nhàn nào.
- Mỗi người đều có một số phận. Mong anh ấy được siêu thoát.
Tôi đành an ủi chung chung vậy.
Hà Nội, 2016.

(1)  Ông tợp rượu vào ông nói ngông: Một câu thơ của nhà thơ Tú Xương
(2)  Ô-nô-rê đờ Ban-zắc: Honoré de Balzac (20-05-1799 tại Tours, Pháp – 18-08-1850 tại Paris, Pháp) là nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ 19, bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực .. Ông là tác giả của bộ tiểu thuyết đồ sộ Tấn trò đời
(3)  Kiềm tỏa: Giam hãm, không cho tự do hoạt động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét