tháng 5 24, 2018

Ngọc Trời - Cát Bà Hải Phòng


Chùa Láng - Hà Nội


Lan trắng


Con bò sữa

Đã lâu rồi ông bạn thân tận trên phố đến chơi. Vừa tráng ấm pha trà, vừa quan sát nét mặt bạn. Thấy ông có vẻ không vui lắm, tôi rụt rè gợi chuyện:
-  Ông vẫn khỏe đấy chứ?
-  Cám ơn ông tôi vẫn khỏe!
-  Sao thấy ông có vẻ “nghiêm trọng” thế?
-  Đang bực mình!
-  Con cháu nó láo lếu à?
-  Chúng nó vẫn lếu láo thế, lúc đầu chưa quen thì khó chịu. Lâu cũng quen dần, chai lì dần, vả lại bây giờ cả cái xã hội nó đều láo lếu. Mình có muốn khác đi cũng chẳng làm thế nào được!
-  Ngoài chuyện con cháu nó láo lếu ra thì còn chuyện gì làm ông bực mình nữa?
-  Ông còn nhớ hồi anh em mình học Phổ thông, thày giáo môn Sinh vật có giảng là ở Liên Xô có một loại bò sữa nổi tiếng là giống bò Cát-trôm gì đấy cho lượng sữa siêu nhiều, ngày vắt được hàng trăm lít!
-  Từ thời Liên Xô xa xôi ấy mà giờ ông còn nhắc đến làm gì!
-  Sao lại không nhắc đến?
-  Cả cái thể chế hùng vĩ vào bậc nhất thế giới ấy còn sụp đổ tan tành, thế thì con bò sữa Cát-trôm hay Cát-trim gì đấy, có đáng để bận tâm không?
-  Tôi không nói về con bò!
Thấy bạn có vẻ đã có vẻ nóng lên, tôi bèn cười xuê xoa:
-  Thế ông muốn nói về con gì?
-  Tôi đang nhắc lại hồi đó thày giáo có giảng, con bò siêu sữa ấy, ngoài việc chăm sóc nó như phải cho ăn cỏ tươi ngon, còn phải bổ sung đủ các chất dinh dưỡng như thóc, cám nữa. Chuồng trại phải thoáng mát, tắm táp hằng ngày sạch sẽ, lại còn phải mát-xa(1) vú, để vòng vú phát triển, có con vòng vú lớn hơn một mét.
- Kinh thế cơ à? Con bò cần vú to đến thế để làm gì?
- Nó chỉ ăn cỏ, mà hằng ngày chắt bao nhiêu sữa ra cho mình, thì ngược lại mình cũng phải chăm sóc tốt cho xứng với nó có phải không ông?
-  Cái đó là dĩ nhiên rồi. Đến máy móc bằng sắt thép, khi nó hoạt động ta cũng phải bảo dưỡng, tra dầu, bôi mỡ thường kỳ nếu không nó cũng kềnh kếnh cang ra, nữa là con vật nuôi có ích.
-  Vú có to, mới cho nhiều sữa. Ông cũng học cùng lớp với tôi mà sao ông cứ “ngơ ngơ như bò đội nón” thế!
-  Thế hả ông, có cái tôi nhớ, có cái tôi không nhớ. Mà ông nói là vú có to mới nhiều sữa, thế cô nào ngực tét như mấy cô người mẫu thì không có sữa à?
-  Con bò là con bò, chứ sao ông lại liên tưởng đến mấy cô người mẫu? Mấy cô người mẫu và cả mấy cô nổi tiếng trong các Sô-bít(2), ngoài việc chau chuốt, chăm sóc cho bản thân, họ có bao giờ cho con cái bú đâu mà cần ngực to để có nhiều sữa?
Tôi công nhận với ông bạn:
- Tuy học cùng lớp, nhưng ông từng trải, nên nói cái gì cũng có lí!
- Thế ông có hiểu tại sao tôi lại nhắc đến con bò sữa không?
- Không!
- Tôi hỏi ông, vì lẽ gì cầu thủ U23 Việt Nam năm 2017 chỉ đạt giải nhì Châu Á mà mỗi cầu thủ được thưởng tới 1.800 triệu đồng, tương đương với 53, 54 lạng vàng, loại ăn theo cũng được 800 triệu đồng/người. Giải nhất thần tượng Bolero, giải thưởng cũng lên đến hàng tỷ đồng/người. Trong khi đó cuộc thi Borocon năm 2018 của sinh viên, giải quán quân, cả trường mới được thưởng hơn 200 triệu đồng, thày giáo hướng dẫn là tiến sĩ được một cái Laptop giá 20 triệu đồng!
- Thế ông thắc mắc cái gì? Một anh cầu thủ đá bóng, hay một cô ca sĩ nổi tiếng sẽ kiếm bội tiền cho bản thân, cho ban tổ chức, kể cả hội cá cược và những người dính dáng tí chút tới nó, chứ mấy cậu sinh viên thích “nghịch” Robocon thì có làm ra tiền cho ai đâu. Vả lại chúng còn nhỏ, cần tiền nhiều để làm gì mà phải thưởng lớn cơ chứ. Thưởng cho chúng nhiều tiền quá, lỡ chúng nghịch dại, có khi lại nguy hiểm thì sao?
-  Nói thế mà cũng nói. Đến chó nó cũng không nghe được!
-  Thế thì phải nói thế nào để chó nó nghe được?!

-  Tôi kể để ông nghe, để hiểu, để cảm thông cho cái suy nghĩ của tôi, mà ông cứ “đâm ba, chè củ”(3), thì thèm vào nói nữa! 
-  Thôi, thôi mà, tôi chêm vào cho nó vui, để đỡ căng thẳng, chứ vẫn hiểu ý ông!
-  Hiểu gì?
-  Tức là chỗ nào có kích thích, có xoa bóp, thì chỗ đó phát triển, đúng không?
-  Đó, đó chính là cái gốc của vấn đề.
-  Nói tóm lại, cái ông lo là sau này con giai chúng ta sẽ chỉ chuyên tâm đi đá bóng, còn con gái thì chỉ đi hát hò! Còn khoa học kỹ thuật thì kệ mẹ nó đấy có phải không?! Nhưng nếu đúng như thế thật thì đã làm sao mà ông bực mình???
-  Tôi đọc lại một bài vè, trẻ con hát ở đầu đường cho ông nghe:
...Con ơi mau lớn bằng người,
để mẹ nhắn gửi những lời mẹ mong.
Trai thời đá bóng lông nhông,
gái thời hú hét “nhảy vung xích cày”.
Tổ tiên, ông vải mừng thay,
ối tiền “nhậu nhẹt” cả ngày lẫn đêm.
Mai ngày sông núi rồng tiên,
sẽ toàn lau sậy, giống miền đười ươi.
Trai thời chắc sẽ mọc đuôi,
gái thời như nhộng cả bầy dưới hang.
Thật là “viễn cảnh huy hoàng”,
tổ tiên chắc cũng nhảy quàng xuống sông...
- Ông cứ cả nghĩ chứ nếu tổ tiên có nhảy quàng xuống sông, thì khi bơi lặn chán chê, các cụ cũng lại phải leo lên bờ thôi. Chả chết được đâu mà sợ!
- Ông cho là tổ tiên lộn cổ xuống sông cũng không sao à???
- Nếu như chẳng may các cụ tổ có lộn cổ xuống sông không ai vớt, chết đuối thật cũng là chuyện dĩ nhiên chả có gì mà phải lăn tăn nhiều. Bởi vì có ai sống mãi đâu, hở ông?
- Không nói với ông nữa! Bực bỏ mẹ!
- Thôi ông uống chén trà Thái xịn tôi mới pha để nó hạ hỏa đã rồi hãy nói tiếp.
- Tôi hỏi ông, mình có trên 90 triệu dân, 4000 năm dựng nước, mà các vấn đề về khoa học kỹ thuật còn đi sau cái nước It-sra-en(4) ấy. Nghe đâu nước này chỉ khoảng 4,5 triệu dân. Đất đai cứ mất đi, chiếm lại mãi cũng chỉ khoảng 22 nghìn ki-lô-mét vuông.
- Thế thì đất nước này chưa rộng bằng 7% lãnh thổ Việt Nam, dân số cũng chưa bằng 5% dân nước ta. Thế nó được thành lập lâu chưa?
- Mới được thành lập 50 năm tức là khoảng năm 1968, 1969.
Tôi hỏi thêm:
- Chả lẽ một ông già có 4000 năm lịch sử dựng nước như Việt Nam lại gọi một nước trẻ tuổi mới có 50 năm lập nước là sư phụ, là thày mà không thấy nhục sao?
- Còn quan niệm như ông thì làm sao thoát khỏi cái vòng “kim cô” đang bó chặt trên đầu mỗi người chúng ta! Làm sao mà thoát ra khỏi cảnh nghèo đói do “sĩ thối” kia chứ?
- Ông nói thế là có ý gì?
- Đã có người nói rằng: “Không biết mà hòi người khác thì chỉ ngu có một lần. Nếu cứ giấu dốt, không hỏi thì sẽ ngu dốt suốt đời”. Tôi thì chỉ muốn ngu một lần thôi. Thế ông chỉ cho tôi xem, có ai muốn ngu cả đời không, chắc là không có ai, có phải thế không ông bạn già của tôi.
- Nhưng tôi vẫn chưa tâm phục, khẩu phục.
- Ở chỗ nào?
- Nguyên học hàm tiến sỹ và thạc sĩ(5) của ta nào có thua kém gì so với thế giới? Số tiến sỹ của ta nhiếu hơn 5 lần số tiến sỹ của Nhật Bản. Mà Nhật là một đất nước siêu cường về mặt khoa học công nghệ. Đáng lẽ ra ta phải tiến bộ gấp 5, 6 lần Nhật Bản và đời sống của ta cũng phải sung sướng gấp 5, 6 lần người Nhật.
- Thế ông đã đọc bài “tiến sỹ giấy” của cụ Tam Nguyên Yên Đổ chưa? Tiến sỹ của ta đa phần là “tiến sỹ mua”, trình độ chuyên môn có khi còn không bằng một Trung cấp giỏi. Vì thế hàng lô, hàng lốc các tiến sỹ của ta sau khi “mua” được cái bằng rồi lập tức chuyển ngay sang làm quản lý.
- Sao họ lại chuyển sang làm quản lý?
- Lương quản lý cao hơn lương nghiên cứu. Với lại các “xừ”(5) Tiến sĩ này có chút kiến thức nào trong đầu đâu mà nghiên với chả cứu.
- Ông càng nói, càng “rối tinh như canh hẹ”, tôi chẳng hiểu ra làm sao cả!
- Không hiểu ở chỗ nào?
- Hơn 90 triệu dân mà không bằng 4,5 triệu dân là làm sao?
- Ý ông cứ đông là phải hơn à? Nếu cho cái chuyện “cả vú lấp miệng em”  là đúng, thì các nước nhiều dân gấp bội như Tàu, Nga, Mỹ nó coi 90 triệu dân của ta là “cái đinh gỉ” gì?
- Nhưng trong 90 triệu dân ta thì đa phần cũng khôn ngoan, mưu lược, nào có kém ai cái gì!
- Ông còn chưa nghe, bản tin hôm nọ(7) của một nhà nghiên cứu chiến lược sản xuất hàng đầu thế giới công bố năng xuất lao động của các nước trong khu vực Đông Nam Á thôi, thì Việt Nam anh hùng của chúng ta được xếp ở cuối bảng, các cụ xưa gọi là “đội sổ” ấy.
- Lại có chuyện tồi tệ như thế được sao? Cụ thể nó ra làm sao mà đến nông nỗi ấy?
- Các nước trong khu vực này thì sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công là chủ yếu. Năng xuất của một lao động Phi-líp-pin bằng 5 lao động Việt Nam, một lao động Sin-ga-po bằng 15 lao động Việt Nam. Năng suất lao động của Việt Nam còn thua cả Lào, Căm-pu-chia,.... nữa cơ.
- Thật thế à?
- Ông không tin sao? Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì khi mình nhập thiết bị của nước ngoài thì đa phần là đồ cũ mà người ta loại ra, mình hí hửng khiêng về, với “giá cắt cổ”?
- Thế chẳng hóa ra mấy thằng cha đi nhập thiết bị về toàn là những thằng mù à ?
- Không hẳn là mù cả, nhưng những cái “phong bì lót tay” khá nặng của đối tác đã làm chúng không còn nhìn thấy gì nữa. Vả lại đấy là chúng dùng “tiền chùa” chứ có phải tiền trong túi hắn đâu mà hắn so đo? Tôi cũng còn nghe ở Hải Phòng một Công ty Thủy thiết kế và chế tạo một cái tàu nạo vét luồng lạch gì đấy rất “hoành tráng”. Làm xong cái tàu này có giá thành lên đến hơn 13 tỷ đồng. Hơn mười năm sau, chưa vét bùn được lần nào, để han rỉ phải đem bán với giá sắt vụn được 500 triệu đồng. Như thế là sắm 30, bán 1.
- Thật thế à, vì sao thế?
- Vì cái tàu “hoành tráng” này nạo vét một khối bùn đất có giá công cao gần gấp đôi các tàu cũ khác. Vì thế chẳng chỗ nào dám thuê “ông lớn” này làm nữa!
- Đúng là nếu mở cuộc thi “Ăn tục, nói phét, đánh rắm rong” thì chúng ta nhất định chiếm giải vô địch toàn cầu một cách dễ dàng!
- Chính xác. Bởi 90 triệu người dân Việt thì hầu hết 90 triệu đều khôn ngoan, lanh lợi và đều là 90 triệu “ông trạng mẹ”! “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, chỉ có làm, là như mèo mửa”!
Tôi nghĩ rằng Việt Nam ta gọi Ít-ra-en là sư phụ, là thày thì vẫn còn là tự cao tự đại đấy.
- Thế gọi là gì, thì vừa phải, không tự cao tự đại.
- Gọi là cụ nội.
- Nghĩa là còn là bố ông nội mình?
- Đúng vậy!
Một phóng viên vừa đi Ít-sra-en về nói chuyện trên truyền hình(8) thì tôi lại càng khâm phục một đất nước nhỏ bé, mà sao lai giỏi giang đến thế.
Đất nước họ nằm trên sa mạc mà họ làm hồ thả cá, tất nhiên phải có những biện pháp sáng tạo đặc biệt, năng suất cá cao hơn hẳn nước ta. Họ quan niệm tài nguyên quý giá nhất của đất nước họ là nước. Trên sa mạc, rất hiếm nước nên họ phải có cách dùng nước thật hợp lý và tiết kiệm.
Nước dùng cho sinh hoạt xong, được thu lại dùng để nuôi cá. Nước từ hồ cá thải ra đem tưới cây, sau khi làm ẩm đất để cây mọc lên, họ lại thu hồi nước về lọc lại để dùng trong sinh hoạt.
Vòng tuần hoàn của nước được tiết kiệm tối đa và lượng nước được thu hồi chiếm 90% lượng nước ban đầu.
Họ đang nghiên cứu và sắp sửa thành công việc lọc nước biển thành nước ngọt để dùng.
Một dân tộc như thế không thể nào nghèo đói được!

Hà Nội, 2018.
(1)   Mát-xa: Massage: tiếng Pháp nghĩa là xoa bóp.
(2)   Sô-bit: Show-bit, Show-business: Công việc kinh doanh giải trí (tiếng Anh)
(3)   Đâm ba chè củ: Phá ngang, làm hỏng việc.
(4)   It-ra-en: Israel một quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông: diện tích 22.000 m2; dân số: 4,4 triệu người. (VN: diện tích: 331.212 km2, > 90 triệu dân)
(5)   Theo thống kê năm 2011: Việt Nam có 24.300 tiến sỹ và 101.000 thạc sĩ
               (6)  Xừ: ông, tiếng Pháp là Monsieur
               (7)  Bản tin sáng lúc 5 giờ 30 ngày 05-08-2017 trên VTV1.
               (8)  Ngày 28/07/2014